Phạm Kim Tiến ở Nam Đàn Nghệ An quyết định rời làng từ trẻ để lặn lội trong Nam ngoài Bắc, cuối cùng hành trình khởi nghiệp lại cuốn anh trở về quê nhà, với sản phẩm làm ra đậm chất quê hương.
Cũng như nhiều bạn bè cùng trang lứa, Phạm Kim Tiến (sinh năm 1986 ở Kim Liên, Nam Đàn Nghệ An), rời làng từ trẻ, mong tìm cơ hội đổi đời ngoài mảnh ruộng. Lặn lội trong Nam ngoài Bắc, cuối cùng hành trình khởi nghiệp lại cuốn anh trở về quê nhà, với sản phẩm làm ra đậm chất quê hương.
Đi một vòng rồi cùng về quê hương
Tốt nghiệp thạc sỹ về nông nghiệp, Trường Đại học Nông nghiệp Hà Nội, như nhiều bạn bè khi mới ra trường Phạm Kim Tiến cũng bôn ba lập nghiệp khắp nơi, với đủ việc làm, ngành nghề khác nhau. Nhưng cuối cùng, con đường lập nghiệp anh chọn vẫn là quê hương của mình.
Tiến kể, sau thời gian làm đủ việc, cũng thử kinh doanh mấy lần nhưng đều thất bại. Cách đây 3 năm vào dịp cận Tết về quê, được biết lãnh đạo tỉnh có chủ trương "kêu gọi" người trẻ về quê khởi nghiệp và sẵn sàng đồng hành cùng doanh nghiệp, sau một thời gian suy nghĩ, Tiến quyết định rời Hà Nội về quê. Và việc đầu tiên anh nghĩ đến là hoa sen.
Vốn đã yêu hoa sen từ nhỏ, nên lần này, anh nghĩ đến chuyện làm sao để giữ mãi vẻ đẹp của những đóa sen đang nở. Lục mở những kiến thức được học, cùng với sự giúp đỡ của thầy, cô, đồng nghiệp và bạn bè trong ngành chế biến trồng sen góp ý, ý tưởng của anh đã hoàn thiện. Sau một thời gian dài mày mò nghiên cứu, Tiến đã mang được 52 giống sen quý khắp nơi ươm trên vùng ruộng thấp trũng mà dân trong làng bỏ đi.
Tiếp đến, anh cùng với các thành viên ở Hợp tác xã (HTX) Sen quê Bác nghiên cứu tìm tòi tận dụng tất cả những chế phẩm từ sen. Năm 2018, HTX Sen quê Bác ra đời với 7 thành viên, ngành nghề kinh doanh chủ yếu là trồng và chăm sóc, cung ứng các giống sen; chế biến sâu các sản phẩm về sen, gồm: Các loại trà sen (trà hoa sen, trà lá sen...), nhóm sản phẩm từ hạt (hạt sen tươi, hạt sen sấy khô, sữa hạt sen; kim chi sen, củ sen muối; làm hương thắp từ sen...).
Thành lập và điều hành HTX Sen quê Bác thành công, chàng thạc sỹ nông nghiệp hợp tác với một số cửa hàng để trưng bày, bán trà sen, các chế phẩm từ sen tại Đà Nẵng, Hà Nội và ôm giấc mơ xuất khẩu. "Hiện có 5 sản phẩm chủ lực từ sen của HTX được lựa chọn để tham gia Chương trình "Mỗi xã một sản phẩm". Trong đó, có 2 sản phẩm đang xây dựng hướng đến xuất khẩu là kim chi sen và trà sen" – Phạm Kim Tiến cho biết.
HTX Sen quê Bác đã đầu tư hệ thống máy móc chế biến sâu các sản phẩm từ cây sen: Máy sấy, máy hấp, máy ủ, máy đóng bao bì, máy hút chân không... Tất cả các sản phẩm đều được đóng gói đẹp mắt, có nhãn mác.
Cùng với sản xuất, để chủ động nguồn nguyên liệu, Tiến liên kết trồng thêm vùng nguyên liệu với nông dân để phục vụ cho việc sản xuất. Anh còn ước mơ hình thành nơi bảo tồn các giống sen đẹp, quý.
Hiện nay, vùng nguyên liệu hoa sen tại Kim Liên của Tiến đã mở rộng 12,5 ha. Tự mình anh có thể nhân giống, nuôi cấy, chuyển giao công nghệ, bao tiêu thu mua cho nông dân, góp phần chuyển đổi cơ cấu cây trồng kinh tế cao. "Cảnh quan của vùng Kim Liên rất đẹp, nơi đây có thể phát triển thêm dịch vụ du lịch trải nghiệm với sen. Với mong muốn kết hợp giữa du lịch sinh thái với việc cho du khách trải nghiệm quy trình làm sen, tham quan, mua sắm, tôi cùng các thành viên trong HTX thành lập dự án nhà máy chế biến các sản phẩm về sen kết hợp du lịch sinh thái phục vụ khách tham quan, nhằm mang đến một mô hình du lịch trải nghiệm thân thiện với thiên nhiên để phục vụ du khách"... – Phạm Kim Tiến chia sẻ.
Các sản phẩm trà sen mang tên "Sen quê Bác" ngày càng được hoàn thiện về chất lượng bên trong và mẫu mã bao bì bên ngoài, nên tạo được lòng tin cho khách hàng. Được biết, HTX của Tiến cũng đang tạo việc làm cho gần 100 lao động ở địa phương từ mô hình sản xuất sen kết hợp du lịch sinh thái.
Phạm Kim Tiến tâm sự: Chỉ vì đam mê với sen nên ban đầu tôi nghĩ mọi chuyện sẽ không khó khăn lắm, dấn thân rồi mới biết không đơn giản. Nhưng nếu có đam mê thì mọi khó khăn sẽ trở nên bình thường.