Với mức chênh lệch thuế suất chống bán phá giá giữa hai sản phẩm đường thô và đường tinh luyện nhập khẩu từ Thái Lan lên đến 15%, ngành mía đường nước nhà sẽ rơi vào “ngõ cụt”.
Theo đó, doanh nghiệp sản xuất đường trong nước sẽ nhập khẩu đường thô sản xuất tinh luyện thay vì xây dựng chuỗi sản xuất từ cây mía.
Ngày 12/5 tới, Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) sẽ tổ chức phiên tham vấn công khai vụ việc điều tra chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan.
Trước đó, ngày 9/2/2021, Bộ Công Thương đã có Quyết định số 477/QĐ-BCT về việc áp dụng thuế chống bán phá giá và thuế chống trợ cấp tạm thời đối với một số sản phẩm đường mía có xuất xứ từ Thái Lan nhập khẩu vào Việt Nam.
Nguyên nhân do đường nhập khẩu hiện nay đang dần chiếm lĩnh thị trường đường Việt Nam. Nhất là sau khi Hiệp định Thương mại hàng hóa ASEAN (ATIGA) (1/1/2020). Cụ thể, nhờ ATIGA, mức thuế suất đối với đường nhập khẩu tại khu vực ASEAN chỉ còn 5% và không giới hạn số lượng, nên các doanh nghiệp trong nước, đặc biệt là các “ông lớn” thi nhau nhập khẩu đường.
Riêng trong năm 2020, theo Báo cáo triển vọng ngành đường 2021 của Công ty TNHH Chứng khoán VietcomBank (VSBC) cho biết, Việt Nam đã nhập khẩu hơn 1,33 triệu tấn đường giá rẻ từ Thái Lan, vượt qua cả năng lực sản xuất trong nước ( 1 – 1,3 triệu tấn/năm).
Việc đường nhập khẩu giá rẻ tràn vào Việt Nam đã khiến 6 nhà sản xuất đường nội nộp hồ sơ lên Cục Phòng vệ thương mại (Bộ Công Thương) yêu cầu áp dụng biện pháp chống bán phá giá và chống trợ cấp đối với một số sản phẩm đường mía từ Thái Lan vào tháng 8/2020. Mức thuế chống bán phá giá đề xuất là 37,9%.
Tháng 9/2020, Bộ Công Thương cho biết đường Thái Lan đã bán phá giá ở mức 44,23% và trợ cấp 4,65% (tổng cộng 48,88%) khi xuất khẩu vào Việt Nam.
Tuy nhiên, 3 tháng cuối năm 2020, hơn 378.700 tấn đường từ Thái Lan vẫn kịp nhập khẩu về Việt Nam.
Đáng chú ý, tại Quyết định số 477/QĐ-BCT thuế chống bán phá giá lại được tách ra làm hai loại với 44,23% đường tinh luyện và đường thô là 29,23% (chênh lệch 15%). Với mức chênh lệch này, khi nhập đường thô từ Thái Lan để tinh luyện sẽ rẻ hơn khoảng 1.500 đồng/kg so với nhập đường tinh luyện.
Điều này vô hình chung đang khuyến khích doanh nghiệp sản xuất đường trong nước chuyển hướng nhập đường thô về tinh luyện bán trong nước, thay vì xây dựng chuỗi sản xuất từ cây mía đến đường tinh luyện.
Đáng lưu ý, quyết định số 477/QĐ-BCT có thời hạn áp dụng thuế chống bán phá giá và chống trợ cấp tạm thời là 120 ngày, kể từ ngày có hiệu lực (16/2/2021). Áp dụng hồi tố đối với đường nhập khẩu trong thời hạn 90 ngày trước thời hạn này, nếu xác định được đường bị bán phá giá, có trợ cấp vào Việt Nam.
Có nghĩa, toàn bộ lượng đường nhập khẩu từ ASEAN vào Việt Nam trước tháng 11/ 2020 sẽ nằm ngoài vùng điều chỉnh của quyết định chống bán phá giá. Tức là phần lớn trong 1,33 triệu tấn đường nhập khẩu năm 2020 Việt Nam sẽ thoát hồi tố.
Trong khi đó, việc điều tra chống bán phá giá lại được triển khai cho cả năm 2020.
Lưu ý rằng, việc hồi tố truy thu đầy đủ thuế đối với sản lượng đường nhập khẩu bị bán phá giá sẽ giúp tăng thu cho ngân sách (có thể lên tới hàng nghìn tỷ đồng) và trả lại sự công bằng trong cạnh tranh giữa các nhà sản xuất.
Như vậy, Quyết định 477/QĐ-BCT với mục tiêu tạo cạnh tranh công bằng cho doanh nghiệp trong nước, nhưng thực tế đang lại đang tạo lợi thế cho một nhóm doanh nghiệp có tiềm năng nhập khẩu đường.
Và do đó, việc người dân trồng mía chuyển đổi sang cây trồng khác là chuyện đương nhiên. Theo Hiệp hội mía đường Việt Nam, diện tích mía thu hoạch của cả nước giảm 47,1% từ mức cao nhất 285.100 ha vụ 2012-2013 xuống chỉ còn 150.689 ha trong vụ 2019-2020, mức thấp nhất trong 15 năm qua.
Dĩ nhiên, nông dân bỏ trồng mía nguyên liệu có nguyên nhân từ sự suy yếu của các nhà máy đường nội. Niên vụ mía 2019 – 2020, sản lượng đường sản xuất trong nước chỉ đạt khoảng 750.000 tấn, bằng khoảng 75% so với niên vụ trước.
Ông Nguyễn Văn Lộc, Quyền Tổng thư ký Hiệp hội mía đường Việt Nam
Đã có tình trạng doanh nghiệp nhập khẩu “lách” hàng rào thuế quan khi nhập khẩu đường từ Thái Lan. “Khi bộ Công Thương quyết định áp thuế với Thái Lan, thì mức thuế nhập khẩu với đường trắng là hơn 40% và đường thô là hơn 30%. Tuy nhiên, hàng nhập khẩu ghi nhận vào tháng 2 và 3, nhưng bằng cách nào đó, người ta tìm cách để chứng từ nhập đường nằm trước thời điểm áp thuế, tức chỉ chịu mức thuế 5%.
Ngay từ khi chuẩn bị áp thuế, các doanh nghiệp đã nâng giá mía lên để khuyến khích nông dân quay lại cây mía, trong khi đó, sản lượng đường sản xuất từ mía hiện nay không cao do diện tích mía giảm. Hai yếu tố này đã làm giá thành sản xuất đường rất cao khiến giá bán cao, dẫn đến bị thiệt hại trước đường nhập khẩu “lách thuế”.
Ông Trần Công Thắng, Viện trưởng Viện Chiến lược và Phát triển NNNT:
Chúng ta thực hiện ATIGA chưa được một năm nhưng nhập khẩu chính ngạch tăng lên rất nhiều, do vậy không thể nói một cách dễ dàng là bỏ để nhập khẩu phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài. Vì vậy, cần phải rà soát lại các diện tích sản xuất mía đường và chỉ giữ lại các vùng trồng chiến lược và có hiệu quả. Cần xác định diện tích có lợi thế và phù hợp thì tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ cao, khuyến khích áp dụng công nghệ 4.0 trong quản lý vùng nguyên liệu để giảm công lao động và tăng tỷ lệ thu hoạch, giảm tổn thất từ đó giảm chi phí trồng mía.