Vì sao 22 ngày Điện Biên gửi 02 văn bản kiến nghị nâng cấp cảng hàng không?

Diendandoanhnghiep.vn Sau 22 ngày tỉnh Điện Biên gửi tiếp văn bản thứ hai tới Đảng, Quốc hội, Chính phủ đề nghị nâng cấp CHK Điện Biên. Báo DĐDN có cuộc trao đổi cùng ông Mùa A Sơn - Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên.

Ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

Ông Mùa A Sơn, Phó Bí thư, Chủ tịch UBND tỉnh Điện Biên

Ông Sơn cho biết, việc đầu tư, nâng cấp Cảng Hàng không (CHK) Điện Biên theo Quyết định số 2501/QĐ-BGTVT ngày 28/8/2017 của Bộ GT-VT và thực hiện ý kiến chỉ đạo của các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước sẽ là một động lực quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế xã hội, đảm bảo quốc phòng an ninh của Điện Biên..

- Xin ông cho biết thực trạng sân bay Điện Biên hiện nay?

CHK Điện Biên hiện chưa được đầu tư lắp đặt hệ thống đèn và hệ thống dẫn đường chính xác nên không thể khai thác được vào ban đêm cũng như khai thác trong điều kiện thời tiết phức tạp, không đủ điều kiện để mở mới các tuyến bay từ Điện Biên đến các tỉnh, thành phố khác trong nước và khu vực bằng các loại máy bay tầm trung A320/A321 trở lên.

Ngoài ra, CHK Điện Biên chỉ có 01 hãng hàng không khai thác là Công ty bay dịch vụ hàng không (VASCO) đơn vị trực thuộc Tổng công ty Hàng không VN - Công ty CP (VietNam Airlines) khai thác trên đường bay Hà Nội - Điện Biên - Hà Nội bằng máy bay ATR72 với tần suất bay theo lịch bay đã công bố là 02 chuyến/ngày. Trong 02 năm 2016-2017 VASCO khai thác khá ổn định theo lịch bay đã công bố (Năm 2016 khai thác 666 chuyến bay, Năm 2017 khai thác 660 chuyến) với tổng lượng vận tải hành khách cả đi và đến trung bình trên 70 nghìn lượt hành khách/năm.

Tuy nhiên, 06 tháng đầu năm 2018 số lượng chuyến bay giảm đáng kể chỉ đạt 275 chuyến với tổng lượng hành khách đi và đến đạt trên 30 nghìn lượt khách; số lượng chuyến bay hủy là 87 lần/chuyến bằng 193% so với cùng kỳ năm 2017, chiếm 24% tổng số chuyến bay theo lịch đã công bố. Trong đó số lượng chuyến bay bị hủy do thời tiết là 35 chuyến chiếm 40%, hủy do khai thác thương mại là 35 chuyến chiếm 40% còn lại là hủy chuyến do kỹ thuật và các lý do khác. Bên cạnh việc số lượng chuyến bay hủy tăng cao, tỷ lệ các chuyến bay chậm cũng ở mức cao với 40 lần chuyến chiếm tỷ lệ 14,5% tổng số chuyến bay thực hiện.

Bên cạnh đó,, giá vé tuyến bay Hà Nội - Điện Biên – Hà Nội lại quá cao so với mặt bằng chung các tuyến bay trên phạm vi cả nước (tổng giá vé thường xuyên công bố ở mức trên 1,9 triệu đồng trong 1 giờ bay).

- Vậy theo ông, nguyên nhân nào dẫn đến sự bất hợp lý trên?

Tôi cho rằng, xuất phát từ bốn nguyên nhân chủ yếu.

Thứ nhất, hệ thống cơ sở hạ tầng phục vụ cho khai thác bay tại CHK Điện Biên còn hạn chế, chỉ đáp ứng khai thác loại máy bay nhỏ, khai thác vào ban ngày, còn chịu ảnh hưởng và chủ yếu phụ thuộc vào các yếu tố thời tiết...

Thứ hai, hiện chỉ có VASCO là đơn vị trực thuộc VietNam Airlines khai thác đường bay Hà Nội -  Điện Biên - Hà Nội.

Thứ ba, chiến lược phát triển đội bay của VietNam Airlines không phát triển đội máy báy ATR72 nên trong thời gian vừa qua số lượng máy bay ATR72 do VASCO khai thác giảm dần gây ảnh hưởng đến khả năng khai thác theo lịch bay đã công bố. Số lượng máy bay hạn chế, không có dự phòng nên khi có sự cố kỹ thuật, VASCO không có khả năng bố trí phương án thay thế hoặc tổ chức bay bù khi có sự cố kỹ thuật dẫn đến tỷ lệ chậm, hủy chuyến tăng cao.

Thứ tư, do hiện nay chỉ có VASCO thực hiện khai thác bay với tần suất hạn chế nên trong một số giai đoạn khách hàng đã phải trả phí bay rất cao nhưng lại nhận dịch vụ với chất lượng còn nhiều hạn chế.

Mặt khác, đường bay Hà Nội - Điện Biên - Hà Nội lại không được nằm trong nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội, bởi tại văn bản số 5436/CHK-TC ngày 29/12/2014 của Cục Hàng không quy định mức giá trần khung giá cước vận chuyển hàng không, đường bay Hà Nội - Điện Biên nằm trong nhóm đường bay khác dưới 500km (nhóm I.2) có giá trần là 1,7 triệu đồng, cao hơn 100 nghìn đồng so với nhóm đường bay phát triển kinh tế xã hội (nhóm I.1) (là những đường bay có khoảng cách dưới 500km, bay đến vùng sâu, vùng xa, biên giới hải đảo và chỉ một hãng hàng không khai thác.

Trong khi đó, các đường bay Hà Nội - Nà Sản, TP HCM - Cần Thơ, TP HCM - Côn Đảo, Đà Nẵng - Pleiku, Đà Nẵng - Đồng Hới, Cần Thơ - Côn Đảo là những địa phương có điều kiện kinh tế xã hội, cơ sở hạ tầng hàng không tốt hơn tỉnh Điện Biên lại được nằm trong nhóm các đường bay phát triển kinh tế xã hội.

- Với những bất cập trên, sau 22 ngày tỉnh Điện Biên có tới 02 văn bản 2335/UBND-TH (22/8) và 270/BC-UBND (13/9) về việc đề nghị Chính phủ cải tạo, nâng cấp CHK Điện Biên, thưa ông?

Điện Biên là một tỉnh miền núi nằm ở ngã ba biên giới phía Tây Bắc của tổ quốc, duy nhất có chung đường biên giới với 2 quốc gia Trung Quốc và Lào, trong đó biên giới với Lào dài 414,712 km và biên giới với Trung Quốc dài 40,681 km. Nằm ở trung tâm của khu vực, có khoảng cách với biên giới các nước Trung Quốc, Myanma, Thái Lan chỉ từ 300 đến 500km, do đó tỉnh Điện Biên có vai trò đặc biệt quan trọng về quốc phòng và an ninh cả khu vực Đông Nam Á nói chung và của Việt Nam nói riêng.

Vì vậy, sân bay Điện Biên có vai trò là cầu nối quan trọng nối liền thủ đô Hà Nội, các miền trong cả nước và bạn bè quốc tế với Điện Biên, giữ ví trí xung yếu trong đảm bảo quốc phòng, an ninh quốc gia và phát triển kinh tế vùng. Trong điều kiện địa hình chia cắt, giao thông đường bộ còn nhiều khó khăn. Sân bay Điện Biên có vai trò đặc biệt quan trọng trong việc triển khai, xử lý các tình huống khẩn cấp, phục vụ an ninh, quốc phòng của quốc gia (điển hình như việc vận chuyển thiết bị, khí tài và lực lượng phản ứng nhanh để xử lý tình huống khẩn cấp trong thời điểm 30/04/2011 - 03/05/2011 trên địa bàn huyện Mường Nhé).

Mặt khác, Điện Biên là tỉnh có nhiều tiềm năng phát triển kinh tế xã hội, đặc biệt là phát triển các loại hình du lịch văn hóa, du lịch lịch sử, du lịch sinh thái, trong đó nổi bật nhất là quần thể di tích chiến trường Điện Biên Phủ - Di tích quốc gia đặc biệt, thành quả cách mạng của Đảng, Nhà nước, quân đội ta trước thế giới đến nay đã gần 65 năm; các di tích lịch sử gắn với quá trình giữ đất, giữ nước có giá trị thăm quan, nghiên cứu như thành Bản Phủ và đền Hoàng Công Chất, thành Sam Mứn,… đồng thời có tiềm năng lớn về hệ sinh thái rừng, sông, suối, hang động, hồ nước, nước khoáng nóng thuận lợi cho việc xây dựng các khu du lịch nghỉ dưỡng...

Theo dự báo của Cục Hàng không Việt Nam, năm 2020 đạt tốc độ tăng trưởng vận chuyển hành khách của ngành hàng không sẽ phát triển đạt từ 15-25% và giai đoạn 2020-2030 đạt 20-30%. Ví dụ điển hình như CHK Pleiku trước khi kéo dài đường cất hạ cánh, sản lượng hành khách đạt 216.600 lượt khách/năm, sản lượng hàng hóa đạt 95 tấn/năm; sau khi kéo dài đường cất hạ cánh, theo số liệu năm 2016 sản lượng hành khách đạt 785.039 lượt khách/năm (tăng trưởng 262,3%), sản lượng hàng hóa đạt 262 tấn/năm (tăng trưởng 175%).

Qua đó, thấy rằng Điện Biên là tỉnh có nhiều tiềm năng, thế mạnh về phát triển kinh tế xã hội nhất là du lịch là điểm đến hấp dẫn của du khách trong nước và quốc tế, đảm bảo sẽ có sự tăng trưởng đột biến về lượng du khách khi nâng cấp CHK đảm bảo cho máy bay tầm trung A320, A321 và tương đương cất hạ cánh…

- Thực tế, nguồn vốn đầu tư công nước ta còn eo hẹp, là đơn vị nhà nước được giao làm chủ đầu tư dự án nâng cấp CHK, theo ông đâu là giải pháp để quy hoạch sân bay Điện Biên sớm được hiện thực hoá?

Trước mắt chúng tôi mong muốn, Bộ GTVT sớm có phương án đầu tư cải tạo nâng cấp CHK Điện Biên theo quy hoạch đã được phê duyệt và kết luận của Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng tại Thông báo số 302/TB-VPCP ngày 20/8/2018 của Văn phòng Chính phủ.

Chỉ đạo các đơn vị liên quan (Cục Hàng không) đưa đường bay Hà Nội - Điện Biên - Hà Nội thuộc nhóm các đường bay phát triển kinh tế xã hội theo quy định tại điểm a mục 1 văn bản số 5436/CHK-TC ngày 29/12/2014 của Cục Hàng không về việc hướng dẫn thực hiện Quyết định số 3282/QĐ-BTC ngày 19/12/2014 với mức giá vé tối đa là 1,6 triệu đồng.

Các doanh nghiệp: Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam, Tổng công ty quản lý bay Việt Nam căn cứ quy hoạch được duyệt chủ động xây dựng kế hoạch đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng đồng bộ theo quy hoạch (hệ thống đài dẫn đường, đèn đường băng, sân đỗ máy bay, nhà ga hành khách...), đảm bảo hoạt động trong điều kiện thời tiết phức tạp và ban đêm.

Trong giai đoạn sân bay chưa được cải tạo, nâng cấp Vietnam Airlines cần duy trì tần suất ít nhất 02 chuyến bay/ngày. Xây dựng chính sách giá đa dạng để thúc đẩy thị trường, tạo thêm nhu cầu, thu hút khách du lịch để nâng cao hiệu quả khai thác…

Đặc biệt, Bộ KH&ĐT, Bộ Tài Chính quan tâm trình Quốc hội, Chính phủ xem xét bố trí nguồn vốn đầu tư giai đoạn từ 2019-2020 để thực hiện cải tạo, nâng cấp CHK Điện Biên theo đúng chủ trương của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và quy hoạch đã được phê duyệt. Trường hợp khó khăn về nguồn vốn thì trình Chính phủ xem xét ban hành cơ chế, chính sách phù hợp để thu hút các nguồn lực từ xã hội để đầu tư xây dựng theo hình thức đối tác công tư (PPP).

- Xin cảm ơn ông!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao 22 ngày Điện Biên gửi 02 văn bản kiến nghị nâng cấp cảng hàng không? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713577857 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713577857 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10