Vì sao các “ông lớn” giảm lãi suất cho vay?

Diendandoanhnghiep.vn Trong thời gian qua, các “ông lớn” ngân hàng đã tuyên bố giảm lãi suất cho vay, mặc dù mặt bằng lãi suất huy động đang tăng cao.

4 ông lớn NHTM Nhà nước đều tuyên bố giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên.

Vietcombank là một trong 4 ông lớn NHTM đã tuyên bố giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên.

Vừa bước vào năm 2019, thị trường tiền tệ đã chứng kiến một sự kiện đầy bất ngờ, khi cả 4 ông lớn NHTM Nhà nước đều tuyên bố giảm lãi suất cho vay 0,5%/năm cho các lĩnh vực ưu tiên.

Không bất ngờ sao được khi mà giảm lãi suất cho vay đã được NHNN Việt Nam xem như một nhiệm vụ trọng tâm trong năm 2018, thế nhưng sau động thái giảm lãi suất 0,5%/năm đối với các lĩnh vực ưu tiên hồi đầu năm, các nhà băng gần như “án binh bất động” trong suốt thời gian còn lại của năm ngoái. Thậm chí theo thống kê của Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, chẳng những không giảm mà mặt bằng lãi suất cho vay bình quân còn tăng nhẹ 0,5% trong năm 2018 lên 8,91%/năm từ mức 8,86%/năm của năm 2017.

Bất ngờ càng thêm lớn khi mà mặt bằng lãi suất huy động liên tục được đẩy lên cao trong những tháng cuối năm 2018. Theo đó, hiện lãi suất huy động các kỳ hạn dưới 6 tháng tại nhiều nhà băng đã được đẩy lên kịch trần 5,5%, trong khi lãi suất huy động các kỳ hạn trên 6 tháng, vốn không bị NHNN khống chế trần, đã trở thành một “cuộc đua kỳ thú” giữa các nhà băng. Hiện lãi suất huy động kỳ hạn 6 tháng đã được đẩy lên cao nhất là 8,1%/năm; kỳ hạn 9 tháng và 12 tháng cao nhất là 8,25%/năm; 18 tháng cao nhất là 8,5%/năm; từ 24 tháng lên tới 8,6%/năm. Thậm chí những khách hàng gửi tiết kiệm online còn được cộng thêm lãi suất 0,1%/năm.

Vậy vì đâu các ông lớn ngân hàng lại có động thái giảm lãi suất đi ngược dự báo như vậy? Mang thắc mắc này đi hỏi một chuyên gia ngân hàng, vị này cho biết, lãi suất huy động tăng trong thời gian gần đây chỉ mang tính mùa vụ do những tháng cuối năm thanh khoản của các ngân hàng thường căng hơn, trong khi họ cũng đang phải đẩy mạnh huy động vốn để tuần thủ tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung, dài hạn đã được giảm về còn 40% từ đầu năm nay. Và theo thông lệ, mặt bằng lãi suất huy động sẽ giảm trở lại sau tết Nguyên đán khi dòng tiền chảy mạnh hơn vào ngân hàng.

Trong khi các nhà băng vừa có một năm “bội thu” với con số lãi trước thuế đến cả chục nghìn tỷ đồng, mà đóng góp chính cũng từ hoạt động tín dụng, nên việc giảm lãi suất là điều nên làm.

Báo cáo tài chính của các nhà băng cũng cho thấy họ đã thu lãi lớn từ hoạt động tín dụng trong năm qua. Đơn cử như Vietcombank, mặc dù tín dụng của ngân hàng này chỉ tăng khoảng 16,4% trong năm 2018, nhưng thu nhập lãi thuần tăng tới 29,5% so với năm 2017, đạt 28,41 nghìn tỷ đồng, giúp lợi nhuận trước thuế của nhà băng này đạt kỷ lục trên 18 nghìn tỷ đồng. Hay như MBBank, mặc dù tín dụng năm 2018 của ngân hàng này cũng chỉ tăng 16,5%, song thu nhập lãi thuần cũng tăng tới 29,9% lên 14.583 tỷ đồng. Thậm chí với Techcombank, mặc dù dư nợ tín dụng giảm 0,56% xuống còn 159,942 nghìn tỷ đồng, song thu nhập lãi thuần vẫn tăng 24,5% lên 11,126 nghìn tỷ đồng…

Chiểu theo các con số này có thể thấy, thu nhập lãi cận biên (NIM) của các nhà băng tăng rất mạnh trong năm ngoái. Điều này cũng hoàn toàn hợp với nhận định của nhiều tổ chức. Trong Báo cáo Triển vọng ngành Ngân hàng năm 2019, Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho biết, trong 2018, NIM các ngân hàng tăng bình quân 0,16% do lãi suất đầu ra tăng mạnh hơn so với lãi suất đầu vào và tỷ lệ cho vay/huy động (LDR) tăng. Cụ thể, lãi suất đầu ra bình quân của các nhà băng tăng tới 0,45%, trong khi lãi suất đầu vào chỉ tăng 0,25% trong năm 2018, trong khi tỷ lệ LDR cũng tăng từ 92,4% cuối 2017 lên 93,6% tính tới thời điểm 30/9/2018.

“Việc bỏ ra năm, bảy trăm tỷ đồng để giảm lãi suất chia sẻ với doanh nghiệp vẫn chưa thấm vào đâu so với con số lãi cả nghìn tỷ đồng của các nhà băng trong năm qua”, vị chuyên gia trên cho biết với hàm ý, lãi suất cho vay nên giảm mạnh hơn và rộng hơn, nhiều ngân hàng tham gia hơn để hỗ trợ cộng đồng doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua những khó khăn trong năm 2019.

Mặc dù chưa biết kỳ vọng đó có thành hiện thực hay không, song với việc 4 ông lớn – vốn chiếm đến hơn 50% thị phần tín dụng – tuyên bố giảm lãi suất cũng đã là một tín hiệu đáng mừng đối với cộng đồng doanh nghiệp ngay trong những ngày đầu năm 2019.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao các “ông lớn” giảm lãi suất cho vay? tại chuyên mục DIỄN ĐÀN TÀI CHÍNH của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711691311 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711691311 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10