Vì sao Dự án Cát Linh - Hà Đông chưa chốt được ngày bàn giao?

Diendandoanhnghiep.vn Do chưa hoàn tất thủ tục nên Dự án Cát Linh - Hà Đông chưa thể bàn giao, khai thác trước Đại hội XIII Đảng như cam kết của lãnh đạo Bộ GTVT.

Liệu tàu đường sắt Cát Linh - Hà Đông có thể vận hành thương mại chính thức được trong quý 1/2021?

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông chưa thể bàn giao trước Đại hội XIII của Đảng như cam kết của Bộ GTVT.

Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông được chính thức chạy thử toàn hệ thống từ ngày 12/12/2020, quá trình này kéo dài dự kiến là 20 ngày, để tư vấn độc lập thực hiện đánh giá an toàn hệ thống. Đây là điều kiện tiên quyết để dự án được nghiệm thu và đưa vào sử dụng thương mại.

Toàn bộ 13 đoàn tàu của dự án đều chạy thử, xuất phát từ điểm đầu là ga Yên Nghĩa (quận Hà Đông) đi hơn 13 km trên cao tới Cát Linh (quận Đống Đa). Tốc độ chạy tàu trung bình 35 km/h (thiết kế 80 km/h), thời gian đi từ ga đầu đến ga cuối hết 30 phút. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người.

Các đoàn tàu chạy với tần suất đến ga 6-7 phút/chuyến, giờ cao điểm có thể 2-3 phút/chuyến. Tại mỗi ga, tàu sẽ dừng khoảng 30 giây để hành khách lên xuống. Đoàn tàu vận hành theo đúng biểu đồ chạy tàu để tổng thầu, tư vấn Pháp đánh giá, kiểm chứng mức độ an toàn, chính xác của hệ thống.

Với những kết quả đạt được, người dân kỳ vọng, dự án này sẽ được bàn giao, khai thác thương mại trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII đúng như cam kết của Bộ trưởng GTVT Nguyễn Văn Thể.

Theo kế hoạch ban đầu, ngày 15/1/2021 cơ bản các báo cáo đánh giá an toàn, kỹ thuật, vận hành dự án sẽ được hoàn tất. Ngày 20/1 sẽ kết thúc quá trình đánh giá về kết quả vận hành thử nghiệm toàn hệ thống Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông và chuẩn bị bàn giao cho Hà Nội đưa vào vận hành khai thác.

Tuy nhiên, thông tin với Dân trí trước thềm Đại hội XIII của Đảng, Thứ trưởng GTVT Nguyễn Ngọc Đông cho biết, hiện chưa có báo cáo đánh giá về kết quả vận hành thử nghiệm dự án. Ban Quản lý dự án, Bộ GTVT vẫn đang làm việc với Tổng thầu Trung Quốc và Tư vấn Pháp về cung cấp tài liệu, hoàn tất đánh giá. Vì lý do này, nên dự án chưa thể bàn giao, khai thác đúng thời gian theo kế hoạch. "Do chưa ho.àn tất thủ tục nên Dự án chưa thể bàn giao, khai thác", ông Nguyễn Ngọc Đông nói.

Đề cập tới khả năng bàn giao, khai thác Dự án đường sắt Cát Linh - Hà Đông trước Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII như cam kết trước đó, lãnh đạo Bộ GTVT thông tin: "Do chưa hoàn tất thủ tục nên Dự án chưa thể bàn giao, khai thác trước Đại hội Đảng".

Về phía Hà Nội, ông Vũ Hồng Trường - Chủ tịch kiêm Tổng Giám đốc Metro Hà Nội - cho biết đơn vị này và các bên liên quan đã phối hợp tốt suốt quá trình vận hành chạy thử nghiệm dự án. Nhân sự vận hành tuyến đường sắt cũng tiến bộ từng ngày, vận hành tốt trong điều kiện bình thường và có thể xử lý, khắc phục được các sự cố, lỗi nhỏ.

Cũng theo ông Trường, hiện nay Metro Hà Nội vẫn đang duy trì chạy tàu và thực hiện diễn tập các tình huống để đảm bảo thành thục các quy trình vận hành. "Các điều kiện cần thiết Hà Nội đã hoàn tất, chúng tôi đang chờ kết quả đánh giá chạy thử nghiệm và sẵn sàng tiếp nhận, quản lý, vận hành khi dự án được bàn giao dự án" - ông Trường nói.

Dưới chân nhà ga Văn Quán tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông bị biến thành bãi đỗ xe tự phát.

Dưới chân nhà ga Văn Quán tuyến đường sắt đô thị trên cao Cát Linh - Hà Đông bị biến thành bãi đỗ xe tự phát. Ảnh: KT&ĐT

Theo phản ánh của một số cơ quan báo chí, mặc dù chưa bàn giao và vận hành thương mại, nhưng trên trục đường sắt Cát Linh - Hà Đông, nhiều nhà ga xuống cấp, hư hỏng. Kinh tế & Đô thị cho biết, tại một số nhà ga trên toàn tuyến đường sắt này sự xuống cấp, hư hỏng xảy ra tại khá nhiều vị trí, nhất là lớp sơn phủ đã bị rạn nứt, bong tróc nham nhở.

Có thể kể đến như ga La Khê, ga Hà Đông, ga Văn Quán, ga Phùng Khoang... Thậm chí, một số nhà ga còn xuất hiện tình trạng thấm nước tại ngay vị trí đấu nối đường điện, tiềm ẩn nguy cơ chập cháy. Theo quan sát của phóng viên, một số nhà ga đang thực hiện việc sửa chữa lớp sơn bị bong tróc nhưng vẫn mang tính chất chắp vá và chủ yếu làm ở khu vực dưới thấp, còn các vị trí sơn bong tróng, nứt vỡ trên cao rất khó để thực hiện. 

 Tình trạng rò rỉ nước xảy ra ngay tại nơi có điểm đấu nối dây điện. Ảnh: Quý Nguyễn.

Tình trạng rò rỉ nước xảy ra ngay tại nơi có điểm đấu nối dây điện. Ảnh: Quý Nguyễn/KT&ĐT.

Đáng nói, nhiều nhà ga của tuyến đường sắt này còn đang bị chiếm dụng trái phép để biến thành nơi để xe ô tô trái phép hoặc nơi kinh doanh. Điều này vừa gây mất mỹ quan, xâm phạm hành lang ATGT mà còn không đảm bảo công tác phòng cháy chữa cháy. Đặc biệt, tại ga Láng, toàn bộ khu vực phía dưới nhà ga bị biến thành một..."nhà vệ sinh công cộng" với rất nhiều thứ chất thải bị phóng uế bừa bãi, bốc mùi khai và hôi thối.

TS Nguyễn Xuân Thủy – chuyên gia giao thông cho rằng, từ hiện trạng nhiều nhà ga của tuyến đường sắt Cát Linh – Hà Đông bị xâm hại trái phép để thành nơi đỗ xe, kinh doanh có thể thấy công tác bảo vệ công trình này, đặc biệt là khu vực phía dưới chân nhà ga không được quan tâm đúng mức.

“Bài học về việc vỉa hè, lòng đường ở nhiều nơi bị chiếm dụng thành nơi kinh doanh vẫn còn rất nhãn tiền. Với công trình đường sắt Cát Linh – Hà Đông cũng vậy, cần phải tăng cường công tác bảo vệ để ngăn chặn việc công trình này bị xâm hại, chiếm dụng trái phép” – TS Nguyễn Xuân Thủy nhìn nhận và cho rằng, hiện dự án vẫn đang trong giai đoạn chạy thử và việc bảo vệ công trình thuộc về phía chủ đầu tư cũng như Tổng thầu. "Hiện tại trên các nhà ga lúc nào cũng có người trực nhưng phía dưới nhà ga lại gần như bỏ mặc. Như thế là không nên và đây chính là nguyên nhân khiến công trình bị xâm hại" - TS Nguyễn Xuân Thủy phân tích.

Dự án đường sắt đô thị Hà Nội tuyến Cát Linh - Hà Đông có tuyến chính dài hơn 13 km đi trên cao, 12 nhà ga và 13 đoàn tàu. Mỗi đoàn tàu có 4 toa, sức chở hơn 900 người, vận tốc thiết kế 80 km/h và vận tốc khai thác thương mại trung bình 35 km/h. Dự án có tổng mức đầu tư sau điều chỉnh là 886 triệu USD (hơn 20.000 tỷ đồng).

Ban đầu dự án dự kiến đưa vào khai thác năm 2016 nhưng phải điều chỉnh lùi tiến độ, tuy nhiên đến nay dự án vẫn chưa đưa vào khai thác thương mại.

Dự kiến khi đi vào khai thác ở giai đoạn đầu tần suất chạy tàu 6-7 phút/chuyến, về sau sẽ nâng lên 2-3 phút/chuyến, mỗi giờ vận chuyển tối đa được 28.500 hành khách.

Nhân sự vận hành toàn hệ thống đường sắt Cát Linh – Hà Đông dự kiến gần 700 người. Trong đó, có 200 người được đào tạo ở Trung Quốc.

Dự kiến dự án sẽ miễn phí tiền vé trong 15 ngày đầu tiên đưa vào khai thác thương mại để người dân trải nghiệm.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Vì sao Dự án Cát Linh - Hà Đông chưa chốt được ngày bàn giao? tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1714005321 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1714005321 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10