Doanh nghiệp kiến nghị cần nhanh chóng có cơ chế để Quỹ phát triển du lịch hoạt động, tuy nhiên, quá trình xây dựng và vận hành quỹ gặp nhiều khó khăn bởi đây là mô hình quỹ hoàn toàn mới, đặc thù...
Thứ trưởng Bộ VHTT&DL Lê Quang Tùng cho biết, mục tiêu tới năm 2025 ngành du lịch phát triển với tổng thu dự kiến 45 tỷ USD, năng lực cạnh tranh của ngành du lịch Việt Nam sẽ thuộc nhóm 50 của thế giới.
Trên thực tế, mặc dù năng lực cạnh tranh của ngành du lịch năm 2019 đã tăng 4 bậc, từ vị trí 67/136 năm 2017 lên 63/140 năm 2019. Tuy nhiên, chỉ số nhân lực và thị trường lao động ngành du lịch đã giảm 10 bậc, chỉ số hạ tầng du lịch hạ 13 bậc…môi trường du lịch xếp nhóm thấp nhất thế giới.
“Quỹ hỗ trợ du lịch chưa đưa vào vận hành, hạ tầng hàng không có dấu hiệu quá tải và chính sách thị thực còn nhiều hạn chế so với các thị trường cạnh tranh như Thái Lan, Indonesia…”, Thứ trưởng Lê Quang Tùng cho biết.
Báo cáo năng lực cạnh tranh du lịch và lữ hành năm 2019 cho thấy hiệu quả hoạt động của ngành du lịch Việt Nam đã tăng đáng kể, một số điểm số trên mức trung bình toàn cầu.
Tóm lại, Việt Nam cải thiện bền vững về năng lực cạnh tranh du lịch và và lữ hành. Theo đó, Khi Việt Nam tiếp tục trở nên cạnh tranh hơn, các lỗ hổng về cơ sở hạ tầng có thể dẫn đến những hạn chế phát triển, trong khi đó, sự xuống cấp hơn của môi trường có thể làm giảm lợi thế của quốc gia về tài nguyên thiên nhiên.
Có thể bạn quan tâm
15:22, 09/12/2019
14:42, 09/12/2019
11:00, 09/12/2019
14:18, 29/11/2019
“Du lịch là ngành kinh tế liên ngành, do đó, các bên liên quan trong ngành du lịch của đất nước, từ chính phủ và doanh nghiệp có thể làm việc cùng nhau để giải quyết và thúc đẩy năng lực cạnh tranh và tăng trưởng của ngành theo hướng có lợi hơn.Cùng với đó, cần chiến lược phát triển điểm đến của từng địa phương, bởi chúng ta có tài nguyên nhưng cần lựa chọn và có chiến lược phát triển”, ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Việt Nam đề xuất.
Được biết, hiện đã có một số doanh nghiệp đề xuất về việc mở quỹ hơn 60 tỷ đồng giúp quảng bá du lịch Việt Nam ra nước ngoài, nâng tầm ngành du lịch để cạnh tranh với các nước trong khu vực.
"Đây là bước tiến lớn giúp du lịch Việt Nam cất cánh. Chúng tôi cũng kiến nghị với Chính phủ về việc thành lập quỹ du lịch, cần nhanh chóng có cơ chế để quỹ du lịch hoạt động trong năm 2020. Hy vọng có hơn chục triệu đô một năm để quảng bá du lịch trong nước", ông Ngô Minh Đức, đại diện Hội đồng tư vấn du lịch (TAB) cho biết.
Giải đáp về việc phát triển quỹ du lịch, ông Lê Quang Tùng, Thứ trưởng Bộ VH,TT & DL cho biết, đây cũng là một trong những ưu tiên của Chính phủ.
Thứ trưởng Bộ VH,TT & DL cho biết, mô hình của quỹ này hoàn toàn mới và đặc thù, không phải hoạt động theo quỹ ngân sách mà hoạt động theo mô hình công ty TNHH một thành viên. Quá trình xây dựng và vận hành quỹ gặp nhiều khó khăn, từ tổ chức bộ máy đến cơ chế vận hành. "Chúng tôi phấn đấu đến năm 2020 sẽ cơ bản hoàn thiện cơ chế vận hành tổ chức bộ máy của quỹ du lịch", Thứ trưởng Lê Quang Tùng nói.