[VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Chuyển dịch lao động theo bằng cấp ở Việt Nam: Bài 2 - Đi ngược cơ cấu lao động chuẩn

Diendandoanhnghiep.vn Cơ cấu lao động theo bàng cấp của Việt Nam vừa bất hợp lý, đi ngược lại với cơ cấu lao động chuẩn, lại vừa có sự khác biệt lớn giữa các vùng, các ngành trong nền kinh tế.

Chất lượng lao động còn thấp

Xét từ phía cung, mặc dù đã có sự cải thiện, song tỉ lệ lao động đã qua đào tạo của Việt Nam còn quá khiêm tốn.

Tính đến năm 2017, số lượng lao động đã qua đào tạo chỉ bằng 1/5 tổng lực lượng lao động, trong khi con số tương ứng nhiều nước trên thế giới là 1/2 tổng lực lượng lao động. Điều này trực tiếp làm cho chất lượng lao động của Việt Nam thấp, không đáp ứng được yêu cầu ngày càng cao của quá trình phát triển.

Xét riêng nhóm lao động có bằng cấp, nhóm lao động qua đào tạo đại học và sau đại học chiếm tỉ lệ lớn nhất và có sự gia tăng nhanh chóng, từ 2,48% (trên tổng lực lượng lao động) năm 2000 đã tăng lên 9,61% vào năm 2017, lớn hơn rất nhiều so với nhóm lao động ở các trình độ đào tạo khác. Sự gia tăng tỉ lệ lao động qua đào tạo thời gian qua có đến 44% là do sự gia tăng của lao động có trình độ đại học trở lên.

Cơ cấu lao động qua đào tạo có bằng cấp của Việt Nam và xu hướng chuyển dịch có sự bất hợp lý. Theo yêu cầu phát triển chung, tỉ lệ lao động có trình độ bậc trung và sơ cấp phải là nhóm có tỉ lệ cao nhất.

Mô hình tiêu chuẩn ở các nước là 1/4/10 hoặc 1/4/20, tức là cứ 1 lao động có trình độ cao đẳng, đại học trở lên thưòng có 4 - 5 lao động trung cấp và 10 hoặc 20 là sơ cấp, dạy nghề, trong khi đó mô hình của Việt Nam hoàn toàn ngược lại.

Năm 2000, cơ cấu lao động có bằng cấp của nước ta theo tỉ lệ cao đẳng, đại học trở lên/trung cấp chuyên nghiệp/dạy nghề là 1/1,2/0,9 thì đến năm 2017 tỉ lệ tương ứng là 1/0,3/0,5. Tỉ lệ lao động trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề vốn đã rất thấp, lại có xu hướng giảm đi trong những năm qua.

Xét từ phía người sử dụng lao động, xem xét cơ cấu lao động theo bằng cấp, có thể nói Việt Nam đang thiếu trầm trọng đội ngũ lao động chuyên môn kỹ thuật có trình độ trung cấp và sơ cấp.

Hay nói cách khác, nếu lấy số lượng lao động trình độ sơ cấp, dạy nghề hiện nay làm gốc tham chiếu, thì Việt Nam đang thừa một lượng lớn lao động trình độ cao (từ cao đẳng trở lên), điều này phản ánh mức độ trầm trọng của thực trạng "thừa thầy thiếu thợ" ở Việt Nam.

Xét theo ngành kinh tế, trong lĩnh vực nông nghiệp, nơi thu hút đến hơn 40% lao động trong nền kinh tế nhưng tỉ lệ lao động có bằng cấp chỉ chiếm 6% trong tống số lao động có bằng cấp cả nước (tương đương khoảng 4,2% số lao động trong lĩnh vực này).

Lao động có bằng cấp tập trung nhiều nhất ở khu vực dịch vụ (hơn 70%), trong khi số lao động hoạt động trong lĩnh vực dịch vụ là chỉ chiếm 34%. Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ trong ngành công nghiệp chiếm khoảng 20% tổng số lao động có bằng cấp, chứng chỉ trong nền kinh tế.

Điều này cho thấy sự mất cân đối khá lớn về tỉ lệ lao động theo bằng cấp giữa các ngành kinh tế. Với tỉ lệ lao động có chuyên môn kỹ thuật quá thấp trong khu vực nông nghiệp đã và đang đặt ra thách thức lớn trong nâng cao năng suất lao động cũng như khả năng cạnh tranh của ngành trong bối cảnh Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đã diễn ra trên diện rộng.

Nhìn chung, cơ cấu lao động theo bàng cấp của Việt Nam vừa bất hợp lý, không giống với các nước trên thế giới, đi ngược lại với cơ cấu lao động chuẩn, lại vừa có sự khác biệt lớn giữa các vùng, các ngành trong nền kinh tế.

Điều này phản ánh rõ nét sự mất cân đối về cơ cấu lao động qua đào tạo giữa giáo dục nghề và giáo dục đại học ở Việt Nam hiện nay. Nguồn nhân lực chất lượng cao phân bố không hợp lý với hơn 92% số cán bộ có trình độ tiến sĩ trở lên tập trung tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh; trong khi đó tại Tây Nguyên, Tây Bắc và Tây Nam Bộ tỉ lệ này chưa tới 1%.

Cơ cấu lao động theo bằng cấp phát triển lệch lạc

Tỉ lệ lao động qua đào tạo, có bằng cấp, chứng chỉ của Việt Nam còn thấp. Mặc dù tỉ lệ lao động qua đào tạo đã tăng liên tục trong thời gian qua nhưng xét trong tương quan lực lượng kinh tế và so với các nước trong khu vực khác thì tỉ lệ lao động của nước ta còn quá thấp so với nhu cầu phát triển của nền kinh tế.

Tỉ lệ lao động có bằng cấp, chứng chỉ hiện chỉ chiếm 21,8% lực lượng lao động, chỉ bằng 1/3 các nước và các nền công nghiệp mới như Hàn Quốc, Đài Loan, Xin-ga-po, ở nhiều nước tỉ lệ này phổ biến là 50%. Lực lượng lao động có trình độ cao đẳng, đại học chiếm tỉ lệ lớn nhất trong số lao động có bằng cấp.

Tuy nhiên, nếu tính trên 1.000 dân, số lao động có trình độ cao đẳng trở lên ở Việt Nam mới chỉ đạt khoảng gần 30 người/1.000 dân trong khi con số tương ứng của Hàn Quốc là 52 và Nhật Bản là 70. So với các nước như Ma-lai-xi-a, Thái Lan, Xin-ga-po, In-đô-nê-xi-a thì đầu tư nhà nước trên đầu sinh viên của Việt Nam theo khảo sát của World Bank rất thấp.

Năm 2013, Việt Nam đầu tư trung bình 645 USD/sinh viên, trong khi ở Xin-ga-po con số này là 12.013 USD/sinh viên (gấp gần 20 lần Việt Nam). Đó là chưa kể đến tình trạng thiếu nguồn nhân lực cao cấp, các kỹ sư kỹ thuật, công nhân kỹ thuật trình độ cao do cấu trúc đào tạo lao động còn có nhiều bất hợp lý.

Việt Nam hoàn toàn không có tên trên bản đồ khoa học - công nghệ trên thế giới. Số công trình khoa học công bố trên các tạp chí ISI của Việt Nam trong 5-6 năm vừa qua tăng 20%.

Nhưng so vói các nước trong khu vực, số công trình công bố của Việt Nam chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/4 của Ma-lai-xi-a, 1/5 của Xin-ga-po.

Tính riêng năm 2016, Việt Nam có 5.563 bài báo khoa học được công bố trên các tạp chí quốc tế (tăng gần 3 lần so với năm 2011) thì Thái Lan có 14.176 bài, Ma-lai-xi-a có 28.546 bài và Xin-ga-po có 19.992 bài. 

Số bằng sáng chế được cấp ở Việt Nam trong 5 năm gần đây tăng 60% nhưng so với thế giới thì chỉ bằng 1/3 của Thái Lan, 1/11 của Ma-lai-xi-a, 1/30 của Xin- ga-po, 1/1.240 của Hàn Quốc và 1/3.170 của Trung Quốc.

Cơ cấu lao động theo bằng cấp phát triển lệch lạc đưa nền kinh tế Việt Nam rơi vào tình trạng thiếu lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật.

Thực trạng "thừa thầy thiếu thợ" là một vấn đề nan giải mà Việt Nam sẽ phải đối mặt trong thời gian tới. Trong nhóm lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật, lao động có trình độ càng cao, tỉ lệ thất nghiệp càng lớn.

Năm 2016, tỉ lệ thất nghiệp nhóm lao động có bằng cấp, chứng chỉ là 1,11% so với 2,9% - tỉ lệ thất nghiệp chung, năm 2017 tỉ lệ này 0,86% so với 2,38% - tỉ lệ thất nghiệp chung của cả nước. Điều đáng nói là tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động có trình độ đại học trở lên luôn cao hơn gấp nhiều lần so với lao động có trình độ thấp hơn.

Năm 2016, tỉ lệ thất nghiệp của lao động có trình độ đại học trở lên là 0,51%/tổng lực lượng lao động, cao gấp 1,6 tỉ lệ thất nghiệp ở lao động trình độ cao đắng, gấp 2,6 lần tỉ lệ thất nghiệp ở lao động trình độ trung cấp chuyên nghiệp và gấp 6 lần lao động dạy nghề.

Năm 2017, tỉ lệ thất nghiệp của nhóm lao động trình độ đại học trở lên là 0,46% trên tổng lực lượng lao động, cao gấp 3,2 - 3,9 lần tỉ lệ thất nghiệp ở 3 nhóm lao động có trình độ thấp hơn.

Sự không phù hợp giữa bằng cấp đào tạo và nghề nghiệp trong thực tế của người lao động có xu hướng ngày càng rộng hơn, đặc biệt ở nhóm lao động trình độ đại học trở lên.

Năm 2012, có 15,43% lao động có trình độ đại học trở lên làm nghề có chuyên môn kỹ thuật bậc trung trở xuống, đến năm 2017, tỉ lệ này tăng lên đến 23%.

Xu thế này một mặt phản ánh sự lãng phí trong đầu tư cho đào tạo và sử dụng lao động trình độ cao, mặt khác cho thấy sự chưa tương xứng giữa bằng cấp và chất lượng thực sự của lao động được đào tạo, đồng thời đặt ra yêu cầu đào tạo phải phù hợp với nhu cầu sử dụng lao động của thị trường thay vì đào tạo cái mà người lao động muốn.

Lao động có bằng cấp, chứng chỉ ở Việt Nam, nhất là lao động có trình độ cao chưa đáp ứng được với yêu cầu phát triến, bằng cấp được đào tạo chưa đạt được tiêu chuẩn quốc tế nên đội ngũ này đang có nguy cơ mất dần thế cạnh tranh; nguy cơ lao động nước ta không những không cạnh tranh được ở thị trường nước ngoài mà còn mất cả thị trường trong nước khi phải đối phó với dòng lao động "chảy ngược", có năng suất lao động cao hơn từ nước ngoài đổ vào khi hội nhập.

>>> Mời độc giả đón đọc Bài 3 - Cơ hội nhiều - thách thức lớn!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết [VIỆT NAM HÙNG CƯỜNG] Chuyển dịch lao động theo bằng cấp ở Việt Nam: Bài 2 - Đi ngược cơ cấu lao động chuẩn tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713607624 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713607624 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10