World EXPO là sự kiện mang ý nghĩa văn hoá, du lịch, đầu tư toàn diện và toàn cầu. Tuy nhiên, chương trình tham gia World EXPO của Việt Nam năm nay có vẻ mờ nhạt.
Trong khi ước mơ World Cup và Olympic còn xa vời với Việt Nam, thì World Expo là sự kiện thiết thực để tiếp thị hình ảnh thương hiệu quốc gia và mang lại lợi ích kinh tế giao thương thiết thực tới toàn cầu. Tuy nhiên, Việt Nam không mấy quan tâm đến sự kiện toàn cầu quan trọng này.
Diễn đàn Doanh nghiệp đã có cuộc trao đổi với Chuyên gia thương hiệu Võ Văn Quang để hiểu rõ hơn về ý nghĩa của World EXPO 2020 và hình ảnh của Việt Nam trong lần thứ 7 tham dự sự kiện này.
- Về phương diện quốc tế, nước chủ nhà hay các quốc gia tham dự đã có những chiến lược truyền thông nổi bật ra sao, thưa ông?
Các quốc gia Trung Đông đã có những bước đi và chiến lược bài bản trong cạnh tranh marketing ở tầm quốc gia và hướng đến thị trường toàn cầu trong 2 thập niên gần đây, mà điển hình là cặp song đấu giữa Dubai UAE và Qatar.
Trong khi Dubai UAE có vẻ đi trước với chiến lược du lịch phát triển một điểm đến hấp dẫn kết nối cạnh tranh hàng không và mua sắm, thì Qatar cũng đã tăng tốc đầu tư sân bay và cạnh tranh hàng không. Đối trọng với World EXPO của Dubai UAE, thì Qatar đã giành giật thành công sự kiện World Cup 2022…
- Việt Nam đã có chiến lược truyền thông nào để tận dụng sức ảnh hưởng từ sự kiện này, thưa ông?
World EXPO là sự kiện mang ý nghĩa văn hoá, du lịch, đầu tư toàn diện và toàn cầu. Tuy nhiên, chương trình tham gia World EXPO của Việt Nam năm nay có vẻ mờ nhạt – VTV đưa tin Lễ khai mạc rất hoành tráng nhưng theo phương thức đưa tin sự kiện, chứ không có một chuỗi chương trình phóng sự chủ đề và tương tác như đối với World Cup hay Euro.
Cục Xúc tiến Thương mại – Bộ Công Thương cho biết đã phối hợp với Bộ VH, TT và DL triển khai gian hàng Việt Nam trong việc trưng bày và quảng bá sản phẩm. Tuy nhiên, vai trò của các bộ ngành liên quan rất mờ nhạt trong sự sáng tạo chủ đề và chọn lựa sản phẩm, hình ảnh tiêu biểu quốc gia.
- Về hình ảnh các gian triển lãm của trong World EXPO, liệu Việt Nam có thể trở thành tâm điểm và để lại dấu ấn với bạn bè quốc tế, thưa ông?
Nhà Triển lãm Việt Nam tại World EXPO 2020 Dubai nằm ở khu chủ đề “Cơ hội” và mang thông điệp không tương đồng “Hội tụ quá khứ, lan tỏa tương lai”, trưng bày các giá trị di sản vật thể và phi vật thể như nón lá bọc lá sen, múa rối nước, búp bê làm bằng tay… Tôi cho rằng, Ban tổ chức lựa chọn những sản phẩm này tuy có tính truyền thống nhưng đã rất xưa cũ và chưa thực sự phù hợp.
Thứ nhất, việc sử dụng hình ảnh Áo dài đối với văn hoá Hồi giáo Trung Đông rất nhạy cảm. Những trang phục quá nhiều màu sắc và hình ảnh phụ nữ gợi cảm là điều “không được khuyến khích” trong văn hoá Hồi giáo và Trung Đông nói chung.
Thứ hai, hình ảnh trống đồng Đông Sơn được đem ra trưng bày thì đúng về ý tưởng, nhưng thực tế lại là tiêu bản trống đồng “mới toanh”, chứ không phải Trống đồng Đông Sơn. Vì vậy, người xem không thể hiếu được di sản công nghệ đúc đồng đỉnh cao của người Việt gần 3.000 năm trước. Thay vào đó có thể trình bày văn hoá Đông Sơn dưới một góc khác, đó là Đồ Trang sức – mà Dubai và Trung Đông là xứ sở nhà giàu.
Thứ ba, việc chọn lựa công nghệ đúc/in 3D thì đúng nhưng sử dụng hình ảnh Phật giáo với tượng Quan Âm Nghìn mắt Nghìn tay không phù hợp tại xứ sở rất bảo thủ về tôn giáo. Thay vào đó, nên chọn những vật phẩm thiết thực hơn cho cả thế giới như một quả tim nhân tạo đúc 3D hay một xe hơi chế tác bằng 3D.
Thứ tư, sai lầm trong kế hoạch sự kiện vì trên cổng thông tin chính thức cho tới nay chỉ có 3 sự kiện tiêu biểu (Tuần lễ cà phê, Tuần lễ áo dài và ngày ASEAN) mà thời gian EXPO kéo dài tới 6 tháng. Chẳng hạn, tại sao không có chủ đề Việt Nam- Trung Đông?
Ngoài sự kiện về Cà phê (do doanh nghiệp thực hiện), theo tôi, cách chọn lựa đề tài sự kiện Asean không thiết thực đối vối mục tiêu quảng bá hình ảnh thương hiệu Việt Nam mà lại đi quảng bá cho các quốc gia cạnh tranh trong ASEAN (cần biết Brunei, Indonesia và Malaysia còn có quan hệ với Trung Đông mạnh mẽ hơn cả Việt Nam). Tại sao không đề cao yếu tố quảng bá cho đất nước mình, ví dụ như đặt tên sự kiện là “Tuần lễ đầu tư và xuất khẩu Việt Nam”.
- Với cương vị là một chuyên gia thương hiệu, theo ông, Việt Nam cần thay đổi tư duy ra sao để phát huy tiềm năng quốc gia, nâng tầm vị thế với bạn bè quốc tế tại sự kiện này?
Với tầm quy mô và sức ảnh hưởng của Triển lãm thế giới, Ban tổ chức phải tổ chức những hội thảo đa ngành, liên ngành và thời gian chuẩn bị cỡ 2 năm thì mới có thể tìm ra những “định vị” đúng hình ảnh thương hiệu quốc gia và những chủ đề trình bày.
Ngôi nhà Việt Nam năm nay được chủ nhà rất ưu ái, chọn lựa vị trí đẹp và khu vực có chủ đề “Cơ hội”, thế nhưng chủ đề này lại không được nghiên cứu trình bày tại bên trong Vietnam Pavillion trong khi “Cơ hội” của Việt Nam là một nhóm đề tài rất phong phú.
Muốn làm được như vậy, Việt Nam cần thành lập một Ban tổ chức liên Bộ ngành có sự phối hợp tham vấn của các bộ ngành, nghiên cứu lựa chọn và sáng tạo cách thức trưng bày sản phẩm trước đó 2 năm để phù hợp với từng khu vực nơi đăng cai World EXPO.
- Xin cảm ơn ông.
Có thể bạn quan tâm