Việt Nam nỗ lực theo đuổi chính sách thương mại cân bằng với Hoa Kỳ

BBT 09/01/2020 11:00

Mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đang phát triển hết sức tốt đẹp trên các lĩnh vực, ngày càng hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau, đặc biệt là các lĩnh vực thương mại, đầu tư.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa tiếp Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Hoa Kỳ (DFC) Adam Boehler.

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Hoa Kỳ (DFC) Adam Boehler.

Trong buổi tiếp Giám đốc điều hành Cơ quan Phát triển tài chính quốc tế Hoa Kỳ (DFC) Adam Boehler mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nêu rõ: Mối quan hệ hợp tác Việt Nam - Hoa Kỳ đang phát triển hết sức tốt đẹp trên các lĩnh vực, ngày càng hiểu biết và ủng hộ lẫn nhau, đặc biệt là các lĩnh vực thương mại, đầu tư.

"Việt Nam đang nỗ lực theo đuổi chính sách thương mại cân bằng với Hoa Kỳ". - Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định.

Đáp lời Thủ tướng, ông Adam Boehler trân trọng gửi lời chào của Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đến Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. "Tổng thống Donald Trump đặc biệt đánh giá cao và coi trọng mối quan hệ hợp tác với Việt Nam" - ông Adam Boehler nói.

Sau 10 năm trở lại Việt Nam, ông Adam Boehler cho biết, Việt Nam có sự đổi thay rất nhiều, kinh tế-xã hội phát triển thịnh vượng.

"DFC ưu tiên hợp tác với Việt Nam. Hiện DFC có số vốn 60 tỷ USD, có thể đầu tư với nhiều hình thức khác nhau, không chỉ bó hẹp trong phạm vi dành cho các doanh nghiệp Hoa Kỳ mà có thể dành cho cả các doanh nghiệp Việt Nam". - Ông Adam Boehler khẳng định.

Có thể bạn quan tâm

  • Quan hệ thương mại Việt Nam - Hoa Kỳ: Thẳng thắn, cân bằng và cùng có lợi  

    11:00, 20/12/2019

  • Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ thúc đẩy sự hợp tác và phát triển của nền kinh tế số

    19:15, 11/09/2018

  • Doanh nghiệp Việt Nam - Hoa Kỳ ký kết hàng loạt hợp đồng lớn

    09:24, 24/05/2016

  • Kết nối đổi mới sáng tạo Việt Nam - Hoa Kỳ

    14:47, 10/03/2016

  • Những dấu mốc lịch sử trong quan hệ Việt Nam - Hoa Kỳ

    18:15, 12/07/2015

Với mong muốn Việt Nam phát triển thịnh vượng, hùng cường, ông Adam Boehler khẳng định cam kết đầu tư vào Việt Nam, nhất là lĩnh vực năng lượng, y tế, hạ tầng. Năm nay, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, do đó DFC mong muốn hợp tác với Việt Nam để đầu tư vào hạ tầng kết nối 5 nước khu vực sông Mekong.

Qua các cuộc gặp gỡ các bộ, ngành, cơ quan chức năng của Việt Nam, ông đánh giá cao việc Việt Nam hoàn thiện khung pháp lý về hình thức đầu tư PPP, qua đó, tạo thuận lợi, thúc đẩy đầu tư tư nhân.

Hoan nghênh nỗ lực của DFC, Thủ tướng nêu rõ, sự tăng trưởng mạnh mẽ của Việt Nam thời gian qua do nhiều yếu tố, trong đó có  đầu tư tư nhân và đầu tư nước ngoài.

Tổng vốn đầu tư toàn xã hội chiếm tới 33-34% GDP. Hiện nay, Hoa Kỳ đứng thứ 11 trong số quốc gia, vùng lãnh thổ  đầu tư vào Việt Nam với tổng vốn trên 9 tỷ USD.

Kinh tế Việt Nam có thể tiếp tục phát triển mạnh và bền vững hơn nữa nếu được đầu tư mạnh vào lĩnh vực năng lượng, phát triển hạ tầng, y tế, giáo dục…

Thủ tướng đánh giá cao tầm nhìn của lãnh đạo DFC coi Việt Nam là  đối tác chiến lược. "Việt Nam sẵn sàng hợp tác chặt chẽ với DFC để xây dựng chương trình đầu tư tại Việt Nam cũng như các nước Mekong. Các cơ quan chức năng của Việt Nam sẵn sàng trao đổi, hợp tác với DFC về cơ hội đầu tư các dự án một cách nhanh nhất". - Thủ tướng khẳng định.

Ông Adam Boehler khẳng định sẽ nỗ lực góp phần để Hoa Kỳ vươn lên đứng vào nhóm đầu các nước, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam. Ông nhận thấy, Việt Nam đã đưa ra tầm nhìn đúng khi thúc đẩy đưa ra khung pháp lý về đầu tư hợp tác công - tư (PPP), đẩy mạnh hợp tác năng lượng, tập trung thu hút đầu tư chất lượng cao.

Ông đề xuất hai bên thành lập nhóm công tác chung để điều phối hợp tác, xác định các dự án đầu tư cụ thể.

Ghi nhận ý kiến của ông Adam Boehler, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc mong muốn DFC thảo luận với các cơ quan Việt Nam về lĩnh vực ưu tiên đầu tư, nhất là lĩnh vực năng lượng, khí LNG; ủng hộ và hỗ trợ các doanh nghiệp Hoa Kỳ đầu tư vào Việt Nam; quan tâm đầu tư vào đồng bằng sông Cửu Long.

Hoa Kỳ tiếp tục là thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 55,6 tỷ USD trong 11 tháng năm 2019, tăng 27,9% so với cùng kỳ năm trước. Các mặt hàng chủ lực xuất khẩu vào Hoa Kỳ phải kể đến hàng dệt may luôn đứng đầu về kim ngạch, đạt khoảng 15 tỷ USD trong năm 2019, chiếm 45,2% trong tổng kim ngạch xuất khẩu hàng dệt may của Việt Nam, giày dép đạt trên 5 tỷ USD (tăng 14,2%)...

Ở chiều ngược lại, kim ngạch nhập khẩu hàng hóa từ thị trường Hoa Kỳ đạt khoảng 12 tỷ USD trong năm 2019. Đặc biệt, các doanh nghiệp (DN) Hoa Kỳ hiện quan tâm đến xuất khẩu các mặt hàng nông sản, thực phẩm, khí hỏa lỏng... vào thị trường Việt Nam nhằm góp phần cân bằng thêm cán cân thương mại của hai nước.

Các số liệu thống kê cho thấy, đến nay, các công ty Hoa Kỳ đã đầu tư vào Việt Nam trên 9,2 tỷ USD, đứng thứ 11 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ có đầu tư lớn tại Việt Nam. Tại thời điểm này, không ít doanh nghiệp Hoa Kỳ đang đàm phán để có thể đi tới quyết định đầu tư dài hạn tại Việt Nam.

Không chỉ trong quan hệ song phương, Việt Nam và Hoa Kỳ cũng phối hợp chặt chẽ trên các diễn đàn đa phương, như APEC, ASEAN, ARF… vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực. Hai bên nhất trí tăng cường quan hệ ASEAN - Hoa Kỳ, ủng hộ vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Trong tâm thế đất nước hội nhập toàn cầu, Việt Nam giữ vai trò Chủ tịch ASEAN trong năm 2020. Việt Nam tiếp tục coi trọng, mong muốn tăng cường quan hệ với các nước trên thế giới, trong đó có Hoa Kỳ, phục vụ mục tiêu phát triển và phát huy vai trò đối tác tin cậy, có trách nhiệm. Trong bối cảnh đó, Hoa Kỳ tiếp tục coi trọng, dành ưu tiên và thể hiện mong muốn tăng cường hợp tác sâu rộng với các nước khu vực châu Á - Thái Bình Dương, trong đó có Việt Nam.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam nỗ lực theo đuổi chính sách thương mại cân bằng với Hoa Kỳ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO