Việt Nam thăng hạng hơn nữa, nếu...

ĐẠI DƯƠNG 11/10/2019 15:08

Cái tin Việt Nam được Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF) xếp hạng 67/141 quốc gia về năng lực cạnh tranh (GCI) làm nhiều người phấn khởi.

Bởi đây là một trong những lần cộng đồng quốc tế đánh giá cao môi trường kinh doanh và khả năng cạnh tranh của Việt Nam. Tốc độ cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu do một tổ chức có uy tín như WEF đánh giá đối với Việt Nam là “cao nhất thế giới” hẳn nhiên phải có cơ sở. Nó cũng sẽ là một trong những “dấu son” mà Chính phủ sẽ đưa vào trong báo cáo về tình hình kinh tế - xã hội trong kỳ họp Quốc hội tới đây. Điều ấy cũng là dễ hiểu khi mà những đánh giá tích cực về kinh tế luôn được đề cao và lấy làm động lực cho những năm tới.

p/Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng – Ưu tiên và hành động”

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc dự Diễn đàn Cải cách và phát triển Việt Nam 2019 (VRDF 2019) với chủ đề “Việt Nam: Khát vọng thịnh vượng – Ưu tiên và hành động”

Hiệu quả từ cải cách chính sách

Bởi khó có thể duy trì được niềm tin kinh doanh của doanh nghiệp và người dân nếu như những tín hiệu tích cực ấy không được khuếch trương và trở thành điểm nhấn cốt lõi khi nói về hiệu quả của chính sách, của điều hành vĩ mô. Sự cố gắng của Chính phủ và người dân, doanh nghiệp vì vậy cũng cần được tưởng thưởng và ghi nhận.

Tất nhiên, không thể không xem xét kỹ những tiêu chí mà WEF đã đánh giá. Bởi vị trí 67/141 quốc gia về năng lực cạnh tranh toàn cầu là tổng hòa các tiêu chí. Xem xét các tiêu chí khác như quyền tài sản, tính minh bạch, độ mở của thị trường, tính bền vững, văn hóa doanh nghiệp… thì dư địa để cải cách vẫn còn rất rộng.

Điều ấy cũng phù hợp với thực tế của Việt Nam khi những nỗ lực cải cách vẫn đang tiếp diễn hàng ngày. Các đạo luật về lao động, kinh doanh, bảo hiểm, thuế đã và đang tiếp tục được sửa đổi theo hướng minh bạch và thuận lợi hơn. Cuộc chiến cắt giảm điều kiện kinh doanh vẫn được tiến hành hàng ngày, hàng giờ. Trở lại hồi tháng 8, Tổ công tác của Thủ tướng làm việc với 14 bộ, ngành để kiểm tra, xem xét việc ban hành văn bản quy phạm pháp luật còn nợ đọng và việccắt giảmthực chất điều kiện kinh doanh. Các yêu cầu về cắt giảm thực chất các điều kiện kinh doanh vẫn được đưa ra và những khuyến cáo về tư duy quản lý nhà nước vẫn được đặt lên hàng đầu.

Có thể bạn quan tâm

  • Việt Nam tăng 10 bậc trong xếp hạng Chỉ số cạnh tranh toàn cầu

    Việt Nam tăng 10 bậc trong xếp hạng Chỉ số cạnh tranh toàn cầu

    10:05, 09/10/2019

  • Việt Nam trở thành quán quân tốc độ cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu

    Việt Nam trở thành quán quân tốc độ cải thiện năng lực cạnh tranh toàn cầu

    11:15, 09/10/2019

Dư địa vẫn rộng mở

Biết là rất khó khăn cho các bộ, ngành từ bỏ thói quen quản lý của mình. Những việc như Bộ Y tế sẵn sàng cắt giảm tới 90% thủ tục kiểm tra chuyên ngành trong lĩnh vực an toàn thực phẩm và trình nghị định theo tinh thần ấy thực sự là một chuyện hiếm. Nhưng đánh giá hiệu quả thực chất của động thái này trong thực tế kinh doanh lại là một vấn đề khác.

Bởi, lại ở đâu đó, cơ quan quản lý vẫn đặt ra những điều kiện kinh doanh trong dự thảo nghị định mới kiểu “có đủ nhân lực, phương án bảo đảm an toàn lao động theo quy định của an toàn lao động”… vẫn còn khá phổ biến. Mà ai cũng biết, những điều kiện kinh doanh chung chung như vậy chỉ làm khổ doanh nghiệp và người dân, chứ không có tác dụng nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia.

Việc cắt giảm điều kiện, cải thiện môi trường kinh doanh và nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia hẳn nhiên chưa đạt được kết quả như kỳ vọng của Thủ tướng lẫn doanh nghiệp mà đã được cộng đồng quốc tế đánh giá cao như vậy. Thì phải thấy rằng: nếu tất cả những Nghị quyết của Chính phủ, chỉ đạo của Thủ tướng được thực hiện nghiêm minh thì chắc chắn tình hình sẽ tốt lên rất nhiều. Bởi nếu xem xét các nghị quyết 01, 02 (trước đây là nghị quyết 19) của Chính phủ thì các yêu cầu và mục tiêu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia đã tiệm cận đến những chuẩn mực của các quốc gia phát triển.

Biến những Nghị quyết, chỉ đạo ấy thành cuộc sống không chỉ nâng cao năng lực cạnh tranh toàn cầu của Việt Nam như WEF xếp hạng, mà còn mang lại những lợi ích thiết thực cho từng doanh nghiệp, từng người dân. Bởi như một quy luật, khi doanh nghiệp thuận lợi kinh doanh thì đất nước sẽ bền vững, kinh tế sẽ tăng trưởng thực chất và người dân sẽ được hưởng những lợi ích cụ thể.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Việt Nam thăng hạng hơn nữa, nếu...
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO