Toàn cầu hóa - đa phương hóa đã và đang gặp phải những trở ngại lớn từ chính sách bảo hộ của một số quốc gia lớn. Đây là một trong những thách thức của Việt Nam trong dòng chảy hội nhập.
Xu thế đa phương, hội nhập đang chững lại, sẽ là thách thức, đồng thời cũng mang đến cơ hội cho những nước nhỏ hơn như Việt Nam thể hiện vai trò của mình trên trường quốc tế.
Xu thế hội nhập
Sự biến đổi của các phương thức trao đổi hàng hóa trong vài thế kỷ qua là nguyên nhân sâu xa làm xuất hiện yêu cầu bang giao giữa các quốc gia, các châu lục khiến thế giới ngày càng xích lại gần nhau hơn dưới sự hậu thuẫn mạnh mẽ của khoa học công nghệ.
Cụ thể, khi phân công lao động, quá trình sản xuất đi vào chuyên môn hóa, tăng năng suất lao động, hàng hóa bắt đầu dư thừa, nảy sinh nhu cầu trao đổi mua bán, các loại thị trường bắt đầu xuất hiện - không còn gói gọn trong một quốc gia, một châu lục.
Có thể bạn quan tâm
09:00, 09/02/2019
06:30, 09/02/2019
05:00, 09/02/2019
05:17, 07/02/2019
Nhu cầu tìm kiếm thị trường được tiến hành bằng những cuộc thám hiểm địa lý kinh điển của Colombo phát hiện ra châu Mỹ; thuyền buôn, thương nhân từ châu Âu đến Ấn Độ, Trung Quốc ở thế kỷ 17, mở ra tuyến đường giao thương hàng hải Đông- Tây lớn nhất thế giới trên Biển Đông.
Cả những cuộc xâm chiếm thị trường, tìm kiếm nguyên liệu mới bằng những cuộc chiến tranh súng đạn xuất phát từ các nước tư bản đến châu Á, châu Phi và Mỹ Latin, kéo những nơi xa xôi nhất trên địa cầu hòa nhập vào dòng chảy chung.
Từ kinh tế, thám hiểm địa lý và bằng chiến tranh, các quốc gia, các châu lục trở nên không thể thiếu nhau, một mặt do yêu cầu phát triển, mặt khác do những vấn đề mà không một quốc gia nào có thể tự giải quyết được, đó được gọi là những vấn đề toàn cầu như: biến đổi khí hậu, chiến tranh, bệnh tật, ô nhiễm môi trường…
Từ quan hệ phụ thuộc phát triển thành quan hệ song phương, từ đối tác chiến lược đến đối tác toàn diện, từ những cam kết nhỏ lẻ lên thành các Hiệp định Thương mại tự do song phương, đa phương, xóa bỏ biên giới “cứng” để có luật pháp chung, thị trường chung, thuế quan chung như khối EU…
Toàn cầu hóa đã vượt ra khỏi không gian địa lý, vượt qua trở ngại về ngôn ngữ, văn hóa, khái niệm “bạn - thù”. Hẳn nhiên, mặt trái của hội nhập làm xuất hiện nhiều thêm những xung đột, mâu thuẫn về sắc tộc, tôn giáo, văn hóa, nhân đạo.
Nhân loại đang ngấp nghé trước ngưỡng cửa của Kỷ nguyên số - một xu hướng kinh tế làm thu hẹp mọi không gian, rút ngắn thời gian, nó sẽ có mặt bất cứ đâu nếu nơi đó được kết nối với phần còn lại.
Như vậy, hội nhập không những là một xu thế mà còn như một quy luật sinh tồn. Loài người muốn tồn tại không thể tách rời nhau. Chống hội nhập là đi ngược lại quy luật khách quan. Ắt sẽ thất bại!
Toàn cầu hóa đang bị đe dọa?
Từ sau chiến tranh thế giới thứ II đến nay, kinh tế thế giới tăng trưởng nhanh chóng, nhưng chu kỳ khủng hoảng rút ngắn lại. Điều đó làm xuất hiện nhiều hơn những trung tâm của thế giới: “Điều thần kỳ” ở Nhật Bản; Trung Quốc trỗi dậy; châu Âu có dấu hiệu chững lại; vị thế nước Mỹ bị đe dọa; châu Á -Thái Bình Dương trở thành tâm điểm toàn cầu trong thế kỷ XXI.
Năm 2016, tỷ phú Donald Trump trở thành Tổng thống thứ 45 của Mỹ, lập tức cho ra đời khẩu hiệu “nước Mỹ trên hết” để bảo toàn sức mạnh, và không muốn “nước Mỹ không bị lợi dụng thêm nữa”.
Hơn 2 năm cầm quyền, ông Trump đã đưa nước Mỹ ra khỏi 5 tổ chức, diễn đàn đa phương quan trọng, đó là Hiệp ước các lực lượng hạt nhân tầm trung (INF) với Nga, các tổ chức của Liên hợp quốc, Thỏa thuận hạt nhân Iran (JCPOA), Hiệp định Paris về chống biến đổi khí hậu, Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP).
Tầm vóc, vị thế và uy tín của Việt Nam trên trường quốc tế từng bước cải thiện, được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá cao.
Mỹ và Trung Quốc đã phát động cuộc chiến tranh thương mại vì lợi ích dân tộc, gây ảnh hưởng đến bầu không khí hợp tác hòa bình trên toàn thế giới, mâu thuẫn giữa những cường quốc - với tư cách là người “cầm trịch” xu thế, bị đào sâu khoảng cách.
Lần đầu tiên Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á -Thái Bình Dương (APEC) không ra được tuyên bố chung vì cái tôi của các nước lớn; các diễn đàn của G7, G8, G20 cũng trở thành nơi để các cường quốc cáo buộc nhau mà không thấy một quyết định nào có chiều hướng tích cực.
EU lao đao vì nguy cơ tan rã từ việc nước Anh muốn ra đi, Italy bất đồng vì vấn đề thâm hụt ngân sách, nước Pháp rối loạn vì biểu tình…và nhiều khúc mắc về thương mại bất công bằng giữa các nước lớn với nước nhỏ, các châu lục.
Việt Nam kiên định hội nhập
Tình hình thế giới biến chuyển nhanh chóng, nhưng chính sách nhất quán của Việt Nam là đẩy mạnh hội nhập kinh tế quốc tế: “Hội nhập kinh tế quốc tế trong tình hình mới - Chủ động, đổi mới, thiết thực và hiệu quả”. Đây là con đường tất yếu ắt sẽ thành công.
Mặc dù hội nhập chưa lâu nhưng Việt Nam đã kịp thời có mặt trong những FTA quan trọng trong khu vực và trên thế giới. FTA sớm nhất của Việt Nam chính là AFTA vào năm 1996. Tiếp đến, năm 2007, Việt Nam trở thành thành viên của Tổ chức thương mại Thế giới (WTO) và chính thức bắt tay vào công cuộc tăng cường hội nhập kinh tế quốc tế.
Tính đến nay, tổng số các hiệp định thương mại Việt Nam đã ký kết, thực thi và đang đàm phán là 16 FTA, trong đó có 12 FTA đã được thực thi. Đây là một con số rất ấn tượng đối với một nước châu Á đang vươn lên.
Trong khi đó, Việt Nam đã đặt quan hệ thương mại với 200 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong đó hàng hóa Việt Nam có mặt ở 190 nước; đồng thời đã định hình 4 thị trường chủ lực xuất khẩu đạt trên 10 tỷ USD/năm, như Mỹ, EU, Nhật Bản và Trung Quốc.
Từ hội nhập, Việt Nam đã tranh thủ được rất nhiều thứ khác ngoài kinh tế nhưng có tác dụng hỗ trợ ngược lại. Đó là thúc đẩy cải cách thể chế, luật pháp, cung cách quản lý hiện đại.
Tuy nhiên, Việt Nam vẫn tiếp tục phải giải quyết mâu thuẫn để “hòa nhập mà không hòa tan”. Cốt cách dân tộc, bản sắc văn hóa, chủ quyền quốc gia và con đường đi lên của đất nước… đang đứng trước thách thức không nhỏ.