Giám đốc điều hành Vietjet Đinh Việt Phương cho rằng chính sách miễn giảm thuế, các gói tài chính của Chính phủ sẽ hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó.
Tại Hội nghị toàn quốc về Du lịch năm 2020 vừa diễn ra ở Quảng Nam, tham luận "Giải pháp giúp hàng không và du lịch cất cánh trở lại trong đại dịch" của Giám đốc điều hành Vietjet Đinh Việt Phương thu hút sự quan tâm của các Bộ, ngành, doanh nghiệp.
Theo ông Đinh Việt Phương, năm 2020 có nhiều thách thức với doanh nghiệp hàng không, du lịch vì chịu ảnh hưởng mạnh mẽ của Covid-19. Tuy nhiên, Việt Nam kiểm soát dịch tốt, nhanh chóng ổn định kinh tế, góp phần giúp du lịch khởi sắc.
"Chúng tôi tin đây là cơ hội để thúc đẩy, phục hồi và phát triển du lịch nội địa với 100 triệu dân; củng cố nền tảng vững chắc, phát triển sản phẩm du lịch có khả năng đón khách quốc tế trở lại với hình ảnh du lịch Việt Nam an toàn, hấp dẫn", ông Đinh Việt Phương nói.
Để hàng không, du lịch "cất cánh", nhanh chóng lấy lại vị thế mũi nhọn kinh tế đất nước, lãnh đạo Vietjet cho rằng cần sự chung tay của Chính phủ, cơ quan quản lý, doanh nghiệp hàng không, du lịch.
Theo ông Đinh Việt Phương, khu vực kinh tế tư nhân đang tạo ra khoảng 40% GDP và thu hút khoảng 85% lực lượng lao động cả nước. Vì vậy cần có chính sách tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, ổn định và thúc đẩy doanh nghiệp tiếp tục đầu tư, phát triển.
Ông Việt Phương chỉ ra những chính sách miễn giảm thuế phí sân bay, dịch vụ hàng không, dịch vụ du lịch, khách sạn, các gói tài chính ưu đãi cho doanh nghiệp của Chính phủ... góp phần giảm áp lực tài chính cho doanh nghiệp, có nguồn vốn tiếp tục hoạt động và đầu tư phát triển.
Mặt khác, Giám đốc điều hành Vietjet khuyến khích doanh nghiệp đầu tư, ứng dụng công nghệ vào sản xuất,góp phần giảm chi phí, tăng hiệu quả hoạt động, mang tới trải nghiệm tốt hơn cho khách, nhất là trong bối cảnh kinh doanh khác biệt hiện nay.
Dự báo thương mại điện tử tiếp tục bùng nổ thời gian tới. Quy mô thị trường thương mại và giao nhận điện tử tại Việt Nam có thể đạt hàng tỷ USD. Doanh nghiệp du lịch, hàng không không đứng ngoài xu hướng này. "Tôi cho rằng thương mại điện tử là cơ hội để các doanh nghiệp trong ngành mở rộng kênh bán, tiếp cận nhiều khách hơn", ông Việt Phương nói.
Đại diện Vietjet cũng nhấn mạnh đến tiềm năng đến từ những bãi biển đẹp nhất Việt Nam như: Đà Nẵng, Nha Trang, Phú Quốc, loạt danh lam thắng cảnh gồm Huế, Hội An, Hạ Long, Ninh Bình, Sapa... với điểm nhấn là rừng vàng biển bạc, thiên nhiên như tranh và đậm đà bản sắc văn hóa... Việc cần làm là các sản phẩm du lịch này cần hấp dẫn hơn, thu hút du khách, để họ không chỉ tới một lần mà còn muốn quay lại nhiều lần nữa, qua đó góp phần kích cầu du lịch.
Ngoài ra, các doanh nghiệp cần ưu tiên biện pháp phòng chống dịch trong mọi kế hoạch phát triển. Trong đó, hãng hàng không sẽ là đơn vị tuyến đầu đảm bảo an toàn cho hành khách và hỗ trợ các địa phương.
Ngành du lịch và hàng không vẫn đối mặt với nhiều thách thức, nhưng giới chuyên gia tin đây là thời điểm thể hiện ý chí và tiềm lực mạnh mẽ, vừa phát triển kinh tế, vừa đảm bảo phòng chống dịch, an toàn cộng đồng. "Vượt qua khó khăn này, chúng ta sẽ có những doanh nghiệp hàng đầu - những 'chú chim' đầu đàn đưa kinh tế Việt Nam phát triển, nâng cao vị thế của đất nước trên khu vực, thế giới", ông Việt Phương nói thêm.