Doanh thu vận tải hàng không năm 2019 - mảng cốt lõi của Vietjet tăng 21% nhưng nguồn thu từ hoạt động bán tàu bay lại giảm.
Kết quả này được thể hiện trong báo cáo tài chính quý IV/2019 vừa được Vietjet công bố. Theo đó, lần đầu tiên từ khi hãng bay này cất cánh, doanh thu và lợi nhuận trước thuế không tăng, dù vận tải hành khách - hoạt động "lõi" của Vietjet - tăng hơn 21%.
Theo báo cáo tài chính, doanh thu cả năm 2019 của Vietjet đạt hơn 52.000 tỷ đồng, giảm gần 3% so với năm 2018. Lợi nhuận trước thuế giảm 14%, đạt hơn 5.000 tỷ đồng.
Theo Vietjet, kết quả kinh doanh không tăng chủ yếu do hoạt động bán tàu bay giảm so với những năm trước. Trong năm 2019, Vietjet chỉ bán được 7 tàu bay, con số chưa tới một nửa so với năm 2018 (bán 16 tàu bay). Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động vận tải hàng không trong năm vẫn đạt hơn 41.000 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế hơn 3.900 tỷ, đều tăng trên 20%.
Trong năm 2019, Vietjet chỉ bán 7 tàu bay, con số chưa tới một nửa so với năm 2018. Trong khi đó, doanh thu từ hoạt động vận tải hàng không trong năm vẫn đạt hơn 41.000 tỷ đồng, với lợi nhuận trước thuế hơn 3.900 tỷ, đều tăng trên 20% so với năm trước.
Tuy nhiên, nếu xét tới chênh lệch về biên độ giảm giữa doanh thu và lợi nhuận, kết quả này còn phản ánh hiệu suất từ hoạt động kinh doanh tổng thể thấp hơn cùng kỳ, trong khi các khoản chi phí phát sinh đều tăng cao.
Biên lợi nhuận gộp trong năm 2019 của hãng bay này đạt gần 13%, năm thứ hai liên tiếp sụt giảm. Trong khi đó, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng lần lượt 41% và 48%. Hệ quả là lợi nhuận thuần từ hoạt động kinh doanh của Vietjet giảm hơn 14% so với cùng kỳ năm 2018.
Kết quả sụt giảm khiến Vietjet chỉ hoàn thành 90% kế hoạch doanh thu và 80% kế hoạch lợi nhuận. Con số này cũng thấp hơn dự báo của các công ty chứng khoán. Trong báo cáo mới nhất của VCSC, nhóm phân tích dự báo Vietjet đạt doanh thu năm 2019 hơn 54.600 tỷ đồng với lợi nhuận trước thuế hơn 6.300 tỷ.
Thách thức với Vietjet xuất hiện trong năm 2019 khi thị trường có sự tham gia của "người chơi" mới, khiến miếng bánh thị phần bị chia nhỏ hơn và áp lực cạnh tranh gia tăng.
Theo MBS, riêng trong quý IV, ước tính giá vé các chặng bay quốc nội trọng yếu đã giảm khoảng 40% so với đợt cao điểm hè. Báo cáo quý cuối năm của Vietjet cũng phần nào cho thấy thách thức khi doanh thu vận chuyển hành khách giảm hơn 8% cùng kỳ. Hai năm 2017 và 2018, doanh thu vận chuyển hành khách trong ba tháng cuối năm của Vietjet đều tăng xấp xỉ 40%.
"Sức nóng" trên thị trường cũng có thể nhìn thấy từ vấn đề thị phần. Vietjet đến cuối tháng 9 chiếm 42,9% thị trường, mặc dù vẫn là hãng bay đứng đầu nhưng con số này đã giảm gần 4% so với cuối năm 2018. "Miếng bánh" từ Vietjet được chia lại cho Bamboo Airways, hãng bay mới cất cánh từ đầu năm.
Tuy nhiên, ở chiều ngược lại, Vietjet vẫn còn những lợi thế để trở lại đà tăng những năm tới. Tăng trưởng mảng kinh doanh phụ trợ và mở rộng mạng lưới bay quốc tế được giới phân tích nhận định sẽ là những yếu tố giúp Vietjet trở lại tăng trưởng, trong bối cảnh thị trường nội địa không còn đạt tốc độ tăng cao.
Theo báo cáo tài chính quý IV, doanh thu vận tải hành khách của Vietjet giảm hơn 8% trong ba tháng cuối năm, nhưng doanh thu từ hoạt động phụ trợ vẫn tăng hơn 29%. Theo Vietjet, mảng hoạt động này bao gồm các khoản ký gửi hành lý và phụ phí, doanh thu vận chuyển hàng hóa, bán hàng trên tàu bay và quảng cáo. Năm 2019, doanh thu phụ trợ của Vietjet đạt 11.356 tỷ, tăng 35,2% so với năm trước.
"Theo mô hình các hãng hàng không chi phí thấp, doanh thu phụ trợ là một yếu tố quan trọng quyết định sự thành công của hãng vì tỷ suất lợi nhuận đạt trên 90%", đại diện Vietjet cho biết và nói thêm, hãng bay này đang giữ vị trí top 12 của thế giới về tỷ lệ doanh thu phụ trợ trong tổng doanh thu.
Nhóm phân tích của VCSC cũng dự báo doanh thu hành khách trên mỗi km của Vietjet sẽ tăng bình quân 21% trong giai đoạn 2018-2027 nhờ việc triển khai các đường bay quốc tế mới, chủ yếu đến các nước châu Á. Kế hoạch mở rộng còn dẫn dắt doanh thu phụ trợ của hãng bay này.
Đội tàu trẻ của Vietjet cũng là một lợi thế khi có tuổi đời bình quân chỉ 2,75 năm. Cuối tháng 9/2019, Vietjet bổ sung vào đội tàu loại tàu bay A321 NEO ACF 240 ghế đầu tiên trên thế giới. Dòng máy bay này giúp giảm tiêu thụ nhiên liệu tối thiểu 16%, tiết giảm tiếng ồn 75% và lượng khí thải ra môi trường tới 50%.
Bên cạnh đó, hợp đồng ký mới với Airbus cũng được đánh giá sẽ củng cố tăng trưởng trong bối cảnh kế hoạch bàn giao Boeing bị trì hoãn. Tháng 10/2019, Vietjet ký hợp đồng với Airbus mua 20 tàu bay A321XLR với tầm bay 8.700 km. Theo VCSC, các tàu bay này sẽ hỗ trợ Vietjet trong việc triển khai các đường bay đến Australia và Đông Âu với chi phí thấp, nhờ có hiệu suất cao hơn 30% so với các mẫu tàu bay trước đây về mặt chi phí nhiên liệu.