Visa cho nhân lực du lịch!

Thy Hằng thực hiện 03/02/2019 06:00

Nhân lực chất lượng đang là điểm nghẽn lớn của ngành du lịch.

Chuyên gia Nguyễn Xuân Thành - Giám đốc Phát triển, Giảng viên Chính sách công của Đại học Fulbright Việt Nam chia sẻ: Tình trạng đào tạo lệch chuẩn khiến nhân lực ngành du lịch luôn trong tình trạng “cao thiếu – yếu thừa”, bởi vậy, phát triển nhân lực du lịch, cần phải làm “visa”, mà đó không phải là... tiền đâu mà là: Tiêu chuẩn đâu? 

Về tốc độ tăng trưởng khách quốc tế, Việt Nam hiện đang ở mức rất cao 21%, trong khi Thái Lan, Singapore, Malaysia đều có dấu hiệu chững lại. Nếu tính từ năm 1990 đến nay, khách du lịch quốc tế tăng hơn 52 lần và nội địa 72 lần. Đây là cơ hội tốt cho du lịch Việt Nam rút ngắn khoảng cách với các quốc gia mạnh về du lịch trong khu vực. Số lượt du khách tăng trưởng ấn tượng cũng mang về doanh thu 620.000 tỷ đồng, tương đương 27 tỷ USD cho ngành năm 2018 (con số này năm 2000 chỉ ở mức 1,23 tỷ USD).

- Như ông nói, điểm nghẽn lớn đang cản đường doanh nghiệp đầu tư vào du lịch là vấn đề thiếu hụt nhân lực chất lượng cao?

Như tôi đã nhiều lần chia sẻ, nhân lực chất lượng đang là điểm nghẽn lớn của ngành du lịch. Có vị giám đốc doanh nghiệp từng chia sẻ, vì kiên trì với mục tiêu xây dựng chuỗi nhà hàng, khách sạn với 100% nhân sự Việt Nam mà doanh nghiệp này phải "vơ bèo gạt tép” để tìm nhân sự. Những nhân sự mới ra trường hiện nay phần lớn là chưa có kinh nghiệm, còn tồn tại một số yếu điểm như kén chọn, thiếu tính kiên nhẫn, nhiệt huyết nhưng lại không muốn làm những công việc phổ thông. Điều này rất khó để phát triển nguồn nhân lực.

Nếu nhìn vào tốc độ tăng trưởng của ngành du lịch 3 năm qua là rất ấn tượng. Tuy nhiên, nếu chia cho tổng lao động tham gia vào ngành này thì tăng trưởng năng suất khá thấp. Con số này không chỉ so với ngành du lịch các nước khác mà thấp hơn cả nhiều ngành kinh tế khác của Việt Nam. Thực tế, năng suất lao động trong ngành du lịch chỉ cao hơn so với lao động phổ thông.

Đề án "Cơ cấu lại ngành du lịch đáp ứng yêu cầu phát triển thành ngành kinh tế mũi nhọn" đã được Thủ tướng Chính phủ thông qua với quyết tâm trở thành quốc gia có ngành du lịch phát triển hàng đầu Đông Nam Á.

Cụ thể, năng suất lao động của mỗi nhân sự trong ngành trong năm 2017 chỉ đạt 77 triệu đồng, tương đương khoảng 3.400 USD, thấp hơn nhiều so với mức 7.600 USD của Malaysia và 8.400 USD của nhân sự ngành du lịch Thái Lan.

Nhân sự thiếu cả chất và lượng dẫn tới các doanh nghiệp phải tiến hành tự đào tạo nhân lực, chi phí gia tăng cũng làm du lịch trở nên kém hấp dẫn nhà đầu tư.

- Nhưng ngành du lịch Việt đã có nhiều năm phát triển, tại sao vẫn trong tình trạng thiếu nhân lực chất lượng cao, thưa ông?

Trước hết, phải khẳng định nguyên nhân do sự chênh lệch lớn về lý thuyết đào tạo và thực tế. Cụ thể, trong khi yêu cầu của thị trường cần kiến thức tổng quát, ngoại ngữ, kỹ năng mềm, tính chuyên nghiệp và thái độ làm việc… thì các chương trình đào tạo hiện nay lại mang tính đại trà.

Đào tạo cử nhân du lịch, tổ chức sự kiện, vận hành tour... đang đi vào các phân ngành hẹp, thiên về nghiệp vụ, thiếu gắn kết giữa chương trình đào tạo với tiêu chuẩn nghề du lịch, thiếu đào tạo thực tiễn.
Nếu như tại nhiều trường quốc tế, tỉ lệ giữa học lý thuyết và thực hành là 50 – 50 thì tại Việt Nam lại quá ít ỏi với 2 kỳ thực tập trong 4 tháng. Việc không nhất quán này dẫn đến có hơn 90% sinh viên ngành du lịch thiếu đi những kỹ năng cần thiết. Ví dụ rõ ràng sinh viên được đánh giá tại trường là chất lượng nhưng lại lệch với những đòi hỏi thực tiễn của thị trường.

Ngoài ra, trình độ ngoại ngữ yếu, hổng kiến thức văn hóa và lịch sử cũng là những nguyên nhân quan trọng khiến nhân viên trong ngành du lịch khó tiếp cận, quảng bá hình ảnh Việt Nam đến bạn bè quốc tế.

- Vậy theo ông, giải pháp đột phá là gì?

Theo tôi, cần chuyển đổi một cách có hệ thống vào lực lượng lao động du lịch dựa trên các tiêu chuẩn nghề du lịch Việt Nam (VTOS) phân chia theo 10 nhóm ngành du lịch. Hiện, chúng ta đã xây dựng được nhưng thách thức là phải cải tiến và bắt kịp với những chuẩn mực nghề du lịch ở các nước trên thế giới. Hiện có sự mâu thuẫn khi Tổng cục Du lịch là đơn vị đưa ra chuẩn nhưng đào tạo nghề lại là của Bộ LĐ-TB&XH. Do đó, cần xem xét có cơ chế công nhận phù hợp, có thể để các Hiệp hội công nhận tiêu chuẩn.

Năng suất lao động của nhân sự trong ngành du lịch năm 2017.p/(Đvt: USD/người/ năm)

Năng suất lao động của nhân sự trong ngành du lịch năm 2017. (Đvt: USD/người/ năm)

“Cả nước hiện có trên 1,3 triệu lao động du lịch, chiếm khoảng 2,5% tổng lao động cả nước. Trong đó chỉ có 42% được đào tạo về du lịch, 38% được đào tạo từ các ngành khác chuyển sang và khoảng 20% chưa qua đào tạo chính quy mà chỉ được huấn luyện tại chỗ.”

Đồng thời, cần khuyến khích xây dựng chương trình đào tạo ngắn hạn chuyên sâu chuẩn bị cho người lao động vào ngành du lịch và đào tạo mở.

Ví dụ, chúng ta cần những nhân lực hiểu về văn hoá để xây dựng trải nghiệm du lịch gắn với văn hoá đặc trưng của Việt Nam thì không phải mở một ngành trong khoa du lịch, mà hệ thống giáo dục có chương trình cử nhân văn hoá, những người đó chỉ cần đăng ký thêm 1 chương trình để vào ngành du lịch.

Đặc biệt, xu hướng đào tạo nhân lực gắn với những đổi mới trong công nghệ thông tin. Thay vì dùng ngân sách tài trợ cho chương trình của các trường, chúng ta có thể kết hợp với khu vực tư nhân, cả các công ty du lịch, trường đào tạo. Đặc biệt là các công nghệ để xây dựng trung tâm phát triển đào tạo nhân lực trực tuyến dựa vào công nghệ thông tin nhưng lại mang tính mở.

Với sự xuất hiện của các doanh nghiệp du lịch trong và ngoài nước với tiêu chuẩn chuyên môn cao, lao động đã được đào tạo chuyên nghiệp từ các tập đoàn này. Nhiều tổ chức tích hợp và giới thiệu chương trình đào tạo của các tập đoàn như vậy vào giáo trình đào tạo tại trường của mình. Đây là hướng đi tích cực, cần thúc đẩy liên kết mật thiết hơn với các doanh nghiệp, tập đoàn để đào tạo theo đơn đặt hàng, giúp du lịch Việt thực sự “cất cánh” trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước.

- Xin cảm ơn ông!

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Visa cho nhân lực du lịch!
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO