Dù Fe Credit đóng góp phần lớn lợi nhuận cho Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank), nhưng ngân hàng này vẫn quyết định bán “con gà đẻ trứng vàng” này.
Không chỉ VPBank, mà SHB đã thoái vốn tại Công ty tài chính SHBFC; MB bán 50% vốn tại MCredit; MSB dự kiến bán toàn bộ hoặc 50% vốn cổ phần tại FCCOM...
Fe Credit đã duy trì vị thế dẫn đầu trong giai đoạn 2015 – 2020, với tổng dư nợ cho vay đạt tăng trưởng kép 34%, chiếm gần 50% thị phần giai đoạn này. Công ty đã thành công trong việc tận dụng sự bùng nổ của thị trường tài chính tiêu dùng giai đoạn đầu. Do đó, mặc dù chính thức gia nhập thị trường tiêu dùng muộn hơn so với các đối thủ, nhưng Fe Credit đã nhanh chóng chiếm được thị phần bằng chiến lược tăng trưởng mạnh mẽ và khác biệt.
Dư nợ cho vay của Fe Credit duy trì ở mức cao, nhưng lợi nhuận ròng ghi nhận xu hướng giảm do chi phí vốn cao và nợ xấu tăng nhanh. Việc tăng trưởng mạnh dư nợ cho vay gây áp lực lên nguồn vốn của ngân hàng mẹ, khiến chi phí sử dụng vốn của VPBank thường xuyên duy trì cao nhất trong khối các ngân hàng đã niêm yết.
2,3- 2,6 tỷ USD là mức định giá dự kiến của Fe Credit trong thương vụ IPO và bán vốn cổ phần sắp tới.
Theo báo cáo của VPBank năm 2020, lãi trước thuế Fe Credit đạt 3.713 tỷ đồng, giảm 17% so với năm 2019. Đến 31/12/2020, tổng dư nợ tín dụng tăng 9% lên 66.000 tỷ đồng, trong đó 37% từ khách hàng mới. Về chất lượng tài sản, tỷ lệ nợ xấu tăng từ mức 6% thời điểm cuối năm 2019 lên mức 6,6%. Tỷ lệ an toàn vốn (CAR) tăng từ 15,9% lên 19,1%. Trong khi đó, tỷ suất sinh lời trên vốn chủ sở hữu trung bình (ROAE) giảm từ 34,3% năm 2019 xuống 23,4%; tỷ suất sinh lời trên tổng tài sản trung bình (ROAA) giảm từ 5,5% xuống 4,1%... Điều này cho thấy Fe Credit chịu tác động từ đại dịch.
Theo bà Trần Khánh Hiền, Phó Giám đốc Khối phân tích VNDirect, trong những năm gần đây, Fe Credit chỉ chiếm 1/3 lợi nhuận ròng hợp nhất của VPBank. Sở dĩ kết quả kinh doanh của Fe Credit có dấu hiệu đi xuống do NHNN siết chặt quy định liên quan tới cho vay tiêu dùng. Cụ thể, vào tháng 11/2019, NHNN đã ban hành Thông tư 18/2019/TT-NHNN quy định cho vay cá nhân không thế chấp (cho vay bằng tiền mặt) không được phép vượt quá 70% tổng dư nợ cho vay tiêu dùng của một công ty tài chính, kể từ năm 2021. Tỷ lệ này sẽ giảm xuống 60% vào năm 2022, 50% vào năm 2023 và 30% năm 2024.
Bên cạnh đó, dịch COVID-19 bùng phát đã tác động tiêu cực đến phân khúc khách hàng đại chúng, vốn là trọng tâm của công ty tài chính tiêu dùng. Trong đó, FE Credit đã cắt giảm 4.400 nhân viên trong năm 2020 nhằm giảm chi phí hoạt động.
Tuy nhiên theo VNDirect, với vị thế dẫn đầu thị trường cho vay tín chấp Việt Nam và lợi nhuận trên vốn (ROE) bền vững trong khoảng 20 - 25% (thuộc top các công ty có lợi nhuận cao nhất khu vực), Fe Credit có thể đạt được mức giá trị thị trường/giá trị sổ sách (P/BV) mục tiêu 3,5 – 4 lần cho thương vụ này, tương đương định giá 2,3 – 2,6 tỷ USD.
Nguồn vốn thu được từ thương vụ nói trên sẽ giúp VPBank thúc đẩy quy mô cho vay, đầu tư vào ngân hàng điện tử,… đồng thời cải thiện chi phí vốn và quản trị rủi ro của ngân hàng này.
Có thể bạn quan tâm