Công an TP Hà Nội triệt phá một đường dây vận chuyển trái phép số tiền lên tới gần 30.000 tỉ đồng ra nước ngoài.
Đây không chỉ là hồi chuông cảnh báo tình trạng "nền kinh tế ngầm" không thể kiểm soát mà còn phản ánh bất cập trong cơ chế điều hành. Xung quanh vấn đề này, Diễn đàn Doanh nghiệp có cuộc trò chuyện với Luật sư Nguyễn Tiến Hoà, Đoàn Luật sư Thành phố Hồ Chí Minh.
-Dưới góc nhìn pháp lý, ông đánh giá như thế nào về vụ việc này?
Theo thông tin ban đầu được cung cấp, có thể nói đây là vụ án mang tính chất nghiêm trọng, phức tạp và đã diễn ra trong một thời gian dài.
Hiện tại, vụ án vẫn đang được mở rộng điều tra để có thêm chứng cứ buộc tội các nghi phạm liên quan nên chưa có thêm thông tin xác thực khác từ phía cơ quan điều tra, vì vậy không thể để nhận định một cách toàn diện và chính xác nhất. Nhưng qua sự việc nêu trên, đã phần nào cho thấy, tồn tại những bất cập của cơ chế điều hành, giám sát hiện tại cần phải chấn chỉnh, nhằm đảm bảo chất lượng an ninh xuất - nhập khẩu trong tương lai.
- Vậy những bất cập đó là gì, thưa luật sư?
Hiện nay, hệ thống văn bản pháp luật hướng dẫn công tác quản lý nhà nước về hải quan đối với hoạt động kinh doanh tạm nhập tái xuất đã đầy đủ, đảm bảo việc thực thi có hiệu quả, như: Luật Quản lý ngoại thương năm 2017; Nghị định số 69/2018/NĐ-CP ngày 15/5/2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của luật quản lý ngoại thương; Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 quy định chi tiết và biện pháp thi hành luật hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan; Thông tư số 38/2015/TT-BTC ngày 25/3/2015 của Bộ Tài chính quy định về thủ tục hải quan; kiểm tra, giám sát hải quan; thuế xuất khẩu, thuế nhập khẩu và quản lý thuế đối với hàng hoá xuất khẩu, nhập khẩu; ...
Tuy nhiên, các biện pháp quản lý đối với loại hình này vẫn cần được tăng cường để đảm bảo hàng hóa tạm nhập tái xuất được kiểm tra, giám sát chặt chẽ từ khi tạm nhập đến khi thực tái xuất.
Ví dụ, lợi dụng sự sơ hở trong khâu giám sát, kiểm tra hàng hóa của các cơ quan chức năng đã dẫn đến một số trường hợp tiến hành phá dỡ container, tẩu tán hàng, đưa vào nội địa tiêu thụ. Hơn nữa, là hành vị tẩu tán hàng hóa đã gây ảnh hưởng lớn đến môi trường, sức khỏe cộng đồng, gây bức xúc trong dư luận.
- Liệu chế tài này đã đủ mạnh để hạn chế các hành vi này chưa?
Hành vi nêu trên là vi phạm pháp luật với giá trị vật phạm pháp trị giá 30.000 tỷ đồng, theo đó, đối tượng vi phạm sẽ bị xử lý theo khung hình phạt về Tội vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới theo khoản 3 và 4 Điều 189 Bộ luật Hình sự năm 2015 (được sửa đổi, bổ sung năm 2017), cụ thể:
“3. Phạm tội trong trường hợp vật phạm pháp trị giá 500.000.000 đồng trở lên, thì bị phạt tiền từ 1.000.000.000 đồng đến 3.000.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 05 năm đến 10 năm. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm".
Như vậy, người phạm tội trong vụ "30.000 tỷ vượt biên" có thể bị phạt tiền lên đến 3 tỷ hoặc đối mặt với mức án tù cao nhất là 10 năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.
Hơn nữa, theo kết quả bước đầu xác định các đồng phạm của vụ "30.000 tỷ vượt biên" thành lập nhiều công ty thực hiện hồ sơ tạm nhập tái xuất lợi dụng vận chuyển hàng hoá, tiền tệ trái phép qua biên giới.
Đối với Pháp nhân thương mại phạm tội này, cụ thể là đối với các công ty được lập ra chỉ để thực hiện tội phạm có thể sẽ phải đối mặt với hình phạt bị đình chỉ hoạt động vĩnh viễn và có thể bị phạt tiền lên đến 5 tỷ đồng theo các điểm c,d,đ Khoản 5 Điều 189, Bộ Luật Hình sự.
Mặc dù mức phạt theo pháp luật của chúng ta tương đối nghiêm khắc, tuy nhiên khi so sánh với giá trị vật phạm pháp quá cao, lên đến 30.000 tỷ đồng thì rất có thể vẫn còn những cá nhân/tổ chức bất chấp thực hiện tội phạm nhằm thu lợi. Hơn nữa, đối với những vụ việc như thế này hoặc tương tự, với tính chất đặc biệt nghiêm trọng và có những tình tiết tăng nặng được bộc lộ khá rõ ràng (có tổ chức, có tính chất chuyên nghiệp, …) cũng như có khả năng gây ảnh hưởng tới an toàn hệ thống tài chính, tiền tệ quốc gia thì tôi cho rằng các chế tài của chúng ta vẫn cần nghiêm khắc hơn nữa mới có thể phát huy được chức năng giáo dục và răn đe.
- Ông có kiến nghị như thế nào để hoàn thiện cơ chế này, đồng thời hạn chế được những vụ việc tương tự có thể tiếp diễn trong tương lai?
Để có thể hạn chế được các tội phạm tương tự có khả năng tiếp diễn trong tương lai, đầu tiên, chúng ta cần các quy định và chế tài pháp luật chặt chẽ, đủ sức nặng để răn đe cũng như cần thực hiện tốt từ khâu giáo dục, phổ biến pháp luật đến người dân.
Tuy nhiên, nếu chỉ có quy định và chế tài trong các văn bản pháp luật thôi là chưa đủ nếu như chúng ta không tổ chức thực hiện pháp luật có hiệu quả. Không chỉ riêng cơ quan hình sự mà tất cả các cơ quan quản lý nhà nước cần thực hiện đúng và đầy đủ trách nhiệm quản lý của mình, đặc biệt là các cơ quan quản lý nhà nước về kinh tế. Có thể thấy rõ ràng những lỗ hổng trong công tác quản lý, đặc biệt là công tác quản lý nhà nước liên quan đến tạm nhập tái xuất trong vụ việc này.
Hơn thế nữa, đối với những vụ việc có tính chất đặc biệt nghiêm trọng và có sức ảnh hưởng lớn người dân trên các phương tiện truyền thông, mạng xã hội như vụ việc này thì rất cần phải xử phạt nghiêm khắc các đối tượng tham gia. Việc xử lý nghiêm khắc sẽ thực hiện chức năng răn đe của pháp luật và cũng củng cố niềm tin của người dân về một hệ thống pháp luật tốt để họ có thể tin tưởng và hạn chế các hành vi phạm pháp.
-Trân trọng cảm ơn ông!
Có thể bạn quan tâm