Chiến tranh thương mại Mỹ Trung có thể tác động tiêu cực tới chuỗi sản xuất, cung ứng toàn cầu và khu vực cũng như Việt Nam và đặc biệt là các doanh nghiệp xuất nhập khẩu.
Theo ông Nguyễn Tuấn Hoa – Chuyên gia CNTT – Thành viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế (VIAC): Năng lực số của doanh nghiệp là một trong những vấn đề rất đáng được quan tâm để ứng phó với các rủi ro luôn hiện hữu. Chúng ta đang đối mặt với các đối thủ mạnh hơn trong công nghệ số. Năng lực của chúng ta đang ở đâu và liệu chúng ta có thể làm gì nếu vướng vào kiện cáo, tranh chấp thương mại?
Năng lực số - Điều kiện cần để ứng phó rủi ro
Đưa ra một ví dụ đơn giản, ông Hoa nói, giả dụ một doanh nghiệp xuất nhập khẩu vướng vào tranh chấp thương mại với một đối tác quốc tế, nhưng trong suốt quá trình kinh doanh vừa qua, doanh nghiệp không hề quan tâm đến chuyển đổi công nghệ số, ứng dụng blockchain, xây dựng cơ sở hạ tầng dữ liệu... vậy họ làm sao có thể trở tay, có thể đối thoại hoặc thậm chí chứng minh ngược lại nếu đối tác bên kia của vụ tranh chấp có thể đưa ra mọi bằng chứng được thu thập bởi robots và blockchain, chứng minh là ta sai, ta vi phạm?
“Chuyển đổi số và cách mạng công nghiệp 4.0 cần năng lực trí tuệ. Việc xây dựng 4 loại cơ sở hạ tầng trong đó có hạ tầng dữ liệu được cho là then chốt đối với hoạt động doanh nghiệp. Không có dữ liệu sẽ không có “số”. Nếu chưa nắm được hay còn mơ màng với “số”, ngay từ bây giờ doanh nghiệp có thể liên kết chặt chẽ với chuyên gia, nhà khoa học thay cho tự tìm hiểu thường sẽ khó khăn hơn. Điều này ứng với mọi loại hình, ngành kinh doanh của các doanh nghiệp, chứ không chỉ khuôn hẹp trong doanh nghiệp xuất nhập khẩu. Có thể nói khi tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp, chúng tôi nhận thấy mọi hoạt động luôn nằm “khoảng giữa” và giao thoa bằng sợi dây công nghệ số. Không có lĩnh vực nào đứng một mình và tách ra khỏi công nghệ số. Sở hữu được “vũ khí” công nghệ số càng sớm, doanh nghiệp càng có cơ hội giảm thiểu và chủ động trong ứng phó với rủi ro”, ông Hoa nói.
Phán quyết trọng tài thương mại – Hiệu lực ở mọi thị trường
Theo Luật sư Lê Thành Kính, Giám đốc CTy Luật Lê Nguyễn -TTV VIAC, trong thực tế kinh doanh, rất nhiều vụ việc tranh chấp thương mại hoặc vi phạm pháp luật do không nắm được các quy định pháp lý của Việt Nam, diễn ra và rất đáng suy nghĩ.
Trên cơ sở thực tiễn bộ hợp đồng chứng từ các rủi ro pháp lý liên quan của doanh nghiệp xuất nhập khẩu, ông Kính cho rằng doanh nghiệp phải chú trọng làm sao có các tài liệu liên quan đến hồ sơ xuất nhập khẩu, hợp đồng thương mại, phải đọc đầy đủ vận đơn. Khi mở L/C, phải quan tâm đến ngân hàng mà đối tác mở L/C bởi đã có trường hợp khi tranh chấp phát sinh, hãng Luật tìm đến ngân hàng quốc tế để giải quyết tranh chấp, mới hay đây là ngân hàng không biết ở đâu, đã còn hay phá sản.
Giám đốc Trường Đại học Ngoại thương Cơ sở 2 - TS Nguyễn Xuân Minh cho rằng rủi ro là điều không ai mong đợi, trong cuộc sống và kinh doanh với nhiều đối tác khác nhau, rủi ro cũng tiềm ẩn nhiều hơn.
Có 2 nhóm rủi ro chính: Rủi ro đến từ phía đối tác kinh doanh và đến từ bản thân doanh nghiệp. Theo đó, doanh nghiệp nếu gặp đối tác thiếu uy tín, không có thiện chí kinh doanh, không kiểm soát được rủi ro, hoặc có ý lừa đảo hoặc ngân hàng phát hành L/C có tính lừa đảo, đều phát sinh rủi ro. Doanh nghiệp Việt Nam cũng có văn hóa trọng tình, không tìm hiểu kỹ về đối tác kinh doanh, ít ý thức rằng đằng sau các đơn hàng hấp dẫn, các bộ chứng từ hoàn hỏa là nguy cơ lừa đảo, TS Minh nói.
Để giải quyết các tranh chấp rất phức tạp, doanh nghiệp khó trang bị đầy đủ các khía cạnh chuyên môn, pháp lý, ngoại ngữ, ngôn từ trong tố tụng. Mặt khác, để đảm bảo “bí mật” khi đàm phán xử lý tranh chấp, tránh “vô phúc đáo tụng đình”, nhiều doanh nghiệp đã chọn xử lý phát sinh tranh chấp qua trọng tài thương mại. Các bên có thể lựa chọn thương lượng, hòa giải, qua VIAC với nhiều trọng tài viên, các thành viên uy tín, đầu ngành trong các lĩnh vực.
VIAC cho biết hiện có tới 46% các tranh chấp liên quan lĩnh vực hàng hóa. Các lĩnh vực xây dựng tài chính bảo hiểm chiếm phần còn lại. Trong đó có hơn 60% liên quan xuất nhập khẩu hàng hóa. Với thống kê này, và với lợi thế từ phía VIAC, việc hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết các tranh chấp thương mại, có phán quyết được công nhận hiệu lực ở cả trong nước quốc tế, đã và đang giúp các doanh nghiệp ngày càng ứng xử chuyên nghiệp và hiệu quả hơn với rủi ro.
(Theo chương trình hợp tác với Sở Tư pháp TP Hồ Chí Minh)