10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum sẽ được Liên hợp quốc tài trợ khẩn cấp cho Việt Nam để điều trị các bệnh nhân đang trong tình trạng hiểm nghèo do nhiễm độc tố Botulinum.
PGS.TS.BS Trần Thị Giáng Hương, Giám đốc Các chương trình Kiểm soát bệnh tật kiêm Giám đốc Các chương trình Y tế khẩn cấp của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), khu vực Tây Thái Bình Dương vừa chỉ đạo Chương trình Y tế Khẩn cấp của WHO khu vực Tây Thái Bình Dương tài trợ khẩn cấp 10 liều thuốc kháng độc tố Botulinum để điều trị cho các bệnh nhân đang trong tình trạng hiểm nghèo do nhiễm độc tố Botulinum.
Theo đó, dự kiến số thuốc này sẽ được chuyển đến Việt Nam trong chuyến bay ngày hôm nay (8/9) từ kho dự trữ thuốc của WHO tại Geneva, Thụy Sỹ về Hà Nội và được bảo quản trong điều kiện đặc biệt của loại huyết thanh này.
Bộ Y tế phối hợp với WHO để giải quyết thủ tục cần thiết cho việc tiếp nhận số thuốc này. Bệnh viện Bạch Mai là đầu mối nhận thuốc, sau đó chuyển tới các đơn vị y tế khác theo nhu cầu điều trị, ví dụ các bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh Nhiệt đới TP HCM. Thuốc dùng để điều trị các bệnh nhân bị ngộ độc botulinum sau khi ăn pate Minh Chay, nhập viện từ tháng 7 đến nay.
Trước đó hồi cuối tháng 8 vừa qua, Văn phòng Tổ chức Y tế Thế giới tại Hà Nội cũng đã tài trợ và hỗ trợ cho Bệnh viện Bạch Mai trong việc vận chuyển và tiếp nhận 2 liều kháng độc tố Botulinum từ Thái Lan về để điều trị cho bệnh nhân tại Bệnh Viện Bạch Mai. Số thuốc này dùng để cứu hai vợ chồng ngộ độc botulinum đang điều trị tại Bệnh viện Bạch Mai. Thuốc có giá 8.000 USD một lọ.
Đến thời điểm hiện tại, sức khỏe hai bệnh nhân này đã khả quan hơn sau khi dùng thuốc giải độc. Người vợ còn liệt nhẹ ở họng, có thể tự ngồi, tự chăm sóc, nói rõ. Người chồng đã vận động nhẹ bàn chân và bàn tay, vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào máy thở, không bị rối loạn cảm giác.
Thông tin về kế hoạch dùng 10 liều thuốc mới được hỗ trợ, PGS.TS.BS Trần Thị Giáng Hương cho biết, 10 liều thuốc nêu trên dự kiến sẽ được dùng để điều trị cho các bệnh nhân trong tình trạng hiểm nghèo tại các bệnh viện ở Việt Nam. Bệnh viện Bạch Mai được Bộ Y tế chỉ định là đơn vị tiếp nhận số thuốc này và sẽ vận chuyển cho các đơn vị y tế khác theo nhu cầu thực tế của việc điều trị bệnh nhân.
TS. Nguyễn Hồng Vũ, Viện Nghiên cứu ung thư, City of Hope, California, USA, Cố vấn khoa học Ruy Băng Tím cho biết, đây là một loại ngộ độc thực phẩm hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm. Cụ thể, ngộ độc do vi khuẩn Clostridium botulinum có tên gọi là “Botulism”. Đây là loại ngộ độc hiếm gặp nhưng nếu bị có thể gây hậu quả nghiêm trọng do loại độc tố được tạo ra bởi vi khuẩn này có thể tấn công các dây thần kinh của cơ thể. Nó xâm nhập vào các tế bào thần kinh, ngăn chặn sự giải phóng chất dẫn truyền acetylcholine. Khi chất dẫn truyền thần kinh này bị chặn, giao tiếp tế bào không được thực hiện, làm cho các cơ bị tê liệt.
Còn theo Bác sĩ Phạm Công Doanh, Khoa Hồi sức tích cực chống độc, Bệnh viện Nhân dân 115, phần lớn sức cơ của bệnh nhân bị ngộ độc botulinum cần thời gian phục hồi rất lâu. Trong khoảng thời gian chờ phục hồi sức cơ, bệnh nhân còn đối diện với các nguy cơ viêm phổi do thở máy lâu ngày, các biến chứng nhiễm trùng đường hô hấp. Trong khi thuốc kháng độc chưa có, phương pháp điều trị hỗ trợ như thay huyết tương, thở máy, truyền dịch... đang là giải pháp tối ưu được thực hiện để điều trị cho bệnh nhân.
Theo ghi nhận, ngay sau khi Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) cảnh báo khẩn cấp thu hồi sản phẩm Pate Minh Chay trên cả nước do sản phẩm này nhiễm vi khuẩn Clostridium Botulinum, vẫn có thêm các trường hợp sử dụng sản phẩm này do không nhận được thông tin và sản phẩm cũng chưa được các địa phương thu hồi hết.
Có thể bạn quan tâm
06:28, 08/09/2020
06:21, 05/09/2020
19:40, 04/09/2020
11:04, 04/09/2020
05:00, 04/09/2020