“Vua cá” Hùng Vương đã vượt qua “giông bão”?

Nguyễn Việt 15/09/2018 06:19

Sau thời gian dài chìm trong thua lỗ và nợ nần kéo dài, ánh sáng cuối đường hầm đang le lói trở lại với vua cá Hùng Vương.

Nhắc đến “vua” cá tra Hùng Vương một thời, người ta nhắc đến một trong những cuộc khủng hoảng kinh điển nhất của doanh nghiệp Việt Nam.

Nhắc đến “vua” cá tra Hùng Vương một thời, người ta nhắc đến một trong những cuộc khủng hoảng kinh điển nhất của doanh nghiệp Việt Nam.

Theo đó, chỉ trong vòng hơn 2 tháng, tài sản của ông Dương Ngọc Minh, Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Thủy sản Hùng Vương đã tăng 147,7 tỉ đồng, đạt gần 358 tỉ đồng.

“Ánh sáng” đang le lói

Vừa qua, cổ phiếu của Thủy sản Hùng Vương đã tăng hơn 70% trong vòng 2 tháng qua, kéo giá trị tài sản của đại gia Dương Ngọc Minh tăng lên tương ứng. Trong phiên giao dịch ngày 10/9/2018, cổ phiếu Hùng Vương tiếp tục tăng mạnh 5,91% lên 4.120 đồng/cổ phiếu.

Đây là phiên tăng thứ 3 liên tiếp tăng trần. Điều này khác với tình hình kinh doanh của Hùng Vương. Từ đầu năm đến nay, ngoài doanh thu đầu năm tăng trưởng khá và có lợi nhuận thì hầu như các tháng gần đây Hùng Vương đều thua lỗ. Trong báo cáo Tài chính 6 tháng, công ty lỗ thêm 115 tỉ đồng, lỗ sau thuế tăng lên 379,8 tỉ đồng.

Tình hình tài chính của Hùng Vương có nhiều biến động trong thời gian qua. Doanh thu thuần của công ty bị điều chỉnh giảm từ mức 5.281 tỉ đồng xuống còn 4.993 tỉ đồng. Trong khi đó, phần lợi nhuận từ công ty liên kết, liên doanh lại đổi từ lãi hơn 11 tỉ đồng thành lỗ 11 tỉ đồng. Thêm vào đó, chi phí quản lý doanh nghiệp tăng vọt hơn 56 tỉ đồng so với báo cáo tự lập. Lỗ lũy kế của Hùng Vương theo đó tăng lên mức 697,3 tỉ đồng. Tính tới thời điểm hiện tại, Hùng Vương đã tăng giá tới 70,25% so với mức đáy 2.420 đồng của ngày 5/7.

Có thể bạn quan tâm

  • Cổ phiếu HVG xuống đáy vì đâu?

    Cổ phiếu HVG xuống đáy vì đâu?

    04:30, 29/06/2018

  • Lỗ chồng lỗ ở HVG

    Lỗ chồng lỗ ở HVG

    04:30, 09/06/2018

  • Thêm tin không vui cho cổ phiếu HVG

    Thêm tin không vui cho cổ phiếu HVG

    04:30, 30/05/2018

  • HVG thoái toàn bộ vốn tại FBT

    HVG thoái toàn bộ vốn tại FBT

    04:20, 07/05/2018

Một tin vui cho ngành thủy sản Việt Nam nói chung và Hùng Vương nói riêng là kết quả thuế chống bán phá giá với cá tra Việt Nam trong giai đoạn xem xét hành chính lần thứ 14 (POR14) giảm mạnh so với đợt xem xét trước.

Trong khi đó, các công ty khác có mức thuế cáo hơn Hùng Vương, chẳng hạn như công ty Nha Trang Seafood là 1,37 USD/kg. Mức thuế CBPG bình quân cho các công ty còn lại là 0,41 USD/kg. Theo các doanh nghiệp xuất khẩu cá tra, mức thuế mới này thấp hơn rất nhiều so với kết quả cuối cùng của POR13 năm ngoài là 3,87USD/kg. Hùng Vương đang có lợi thế đẩy mạnh cá tra vào thị trường Mỹ hơn các doanh nghiệp khác.

Cụ thể, trong giai đoạn xuất khẩu từ 1/6/2016 đến 31/7/2017, công ty cổ phần Hùng Vương có mức thuế CBPG là 0. Đây là mức thuế tôt và là lợi thế để Hùng Vương đẩy mạnh xuất khẩu vào thị trường Mỹ. Năm ngoái, chính mức thuế CBPG từ thị trường Mỹ đã khiến Hùng Vương ngừng cung cấp cá tra vào thị trường này.

Với nhiều cố gắng từ đầu năm đến nay như bán đất, bán dự án nuôi heo, bán công ty con đang tăng trưởng tốt… để giảm lỗ và trả nợ ngân hàng. Liệu ánh sáng đang le lói có đủ cứu vãn hào quang một thời của Vua cá?

"Vua cá" và bài học kinh điển 

Nhắc đến “vua” cá tra Hùng Vương một thời, người ta nhắc đến một trong những cuộc khủng hoảng kinh điển nhất của doanh nghiệp Việt Nam. Chiến lược M&A sai lầm, vay nợ quá nhiều, mở rộng quy mô với tốc độ nhanh khủng khiếp để rồi lãi chồng lãi, cộng thêm công ty con hoạt động không hiệu quả khiến Hùng Vương đang dần phải bán đi từng "khúc ruột" của mình.

Còn nhớ, 5 năm đỉnh cao, Thủy sản Hùng Vương (HVG) thực hiện gần chục cuộc thâu tóm doanh nghiệp cùng ngành. Đến giữa tháng 6/2016, Hùng Vương sở hữu 12 công ty con và hàng chục công ty liên kết trong chuỗi vực sản xuất từ con giống, nuôi trồng, sản xuất thức ăn, chế biến thủy sản, chế biến phụ phẩm đến xuất khẩu. Kỳ vọng ngút trời của nhà đầu tư khiến giá cổ phiếu cứ thế tăng vùn vụt, thậm chí có thời điểm vượt 100.000 đồng/cp (giá trước điều chỉnh).

Tuy nhiên, đời mấy ai lường được chữ ngờ, các thành viên đông đảo của Hùng Vương xếp vừa đủ cho một bàn cờ domino mà khi một quân cờ ngã xuống sẽ kéo theo hiện tượng đổ vỡ hàng loạt. Đế chế tưởng như hùng mạnh mà Hùng Vương xây dựng, hóa ra lại không thể thoát khỏi cơn “giông bão” của ngành thủy sản trong năm 2016. Trong năm này, mặc dù doanh thu kỷ lục trên 18.000 tỷ đồng, Hùng Vương lãi vỏn vẹn 10 tỷ đồng, thấp hơn lần lượt gần 100 tỷ và 280 tỷ đồng của hai năm trước đó.

Một năm sau, 2017, doanh nghiệp này báo lỗ nặng 713 tỷ đồng, đáng chú ý giai đoạn 2015 – 2017, Hùng Vương phải chịu từ 240 – 510 tỷ đồng chi phí lãi vay mỗi năm, chưa kể khoản chi phí tài chính khác. Dự phòng phải thu ngắn hạn khó đòi tính đến cuối 2017 là trên 915 tỷ đồng, lỗ lũy kế nhờ thoái vốn giảm nhẹ còn trên 450 tỷ đồng.

Yếu tố chủ đạo vớt vát lợi nhuận quý I/2018 là bán CTCP Thực phẩm Sao Ta ( FMC), được xem là “gà đẻ trứng vàng” của Hùng Vương. Ông Dương Ngọc Minh – Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng giám đốc Hùng Vương cũng phải thừa nhận, với dư nợ khủng, công ty không thể hoạt động cũng như nuôi được lực lượng lao động lâu dài, do đó việc thoái vốn nhằm giảm nợ vay ngắn hạn cho công ty là điều rất cần thiết.

Sang 2018, “bán con trả nợ” tiếp tục là chiến lược mà Hùng Vương ưu tiên nhằm xóa lỗ lũy kế. Công ty đã thoái vốn toàn bộ tại Thực phẩm Sao Ta, trên 50% vốn Thức ăn Chăn nuôi Việt Thắng, bán các lô đất tại 765 Hồng Bàng (thu về 350 tỷ đồng tháng 2/2018), 94 – 96 Phạm Đình Hổ - TP HCM (190 tỷ đồng tháng 3/2018), đóng cửa nhiều nhà máy chế biến không hiệu quả… Mới nhất công ty lên kế hoạch thoái toàn bộ vốn tại CTCP Xuất nhập khẩu Lâm thủy sản Bến Tre (FBT).

Kế hoạch thời gian tới, Hùng Vương dự định gom vốn lại để thực hiện 2 nhiệm vụ chính là nuôi trồng và chế biến cá tra. Còn tại các lĩnh vực khác, công ty đang tiến hành tất toán hoặc mời đối tác mua lại. Điển hình là dự nuôi heo nghìn tỷ, sau nhiều năm hiện HVG đã chào bán lại cho 2 đối tác, tháng 9 HVG sẽ hoàn tất những hạng mục dở dang để chuyển giao dự án.

M&A không thành công, chính sách vay nợ đầu tư quá rủi ro khiến cho Hùng Vương phải rơi vào cảnh ngặt nghèo. Giờ đây sau nhiều năm, Công ty gần như trở lại vạch xuất phát kèm theo một đống nợ nai lưng. Nhưng dẫu sao, câu chuyện Hùng Vương không phải là hiếm, đây trở thành bài học kinh điển trong giới kinh doanh. Không phải cứ mua bán sáp nhập, mở rộng quy mô doanh nghiệp là có thể trở nên "bá đạo". Mà nó đòi hỏi ban lãnh đạo phải ngày càng tốt hơn cả về quản trị doanh nghiệp, tài chính, có cái nhìn dài hạn về thị trường và có thể là một chút may mắn.

Và sau tất cả, liệu Hùng Vương có thể vượt qua "cơn giông bão", điều đó dựa cả vào tài lèo lái của Chủ tịch Dương Ngọc Minh, hơn ai hết có lẽ ông sẽ là một trong những người thuộc nhất bài học kinh doanh đắt giá này.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
“Vua cá” Hùng Vương đã vượt qua “giông bão”?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO