Cũng như nhiều doanh nghiệp khác, Công ty CP Bến Xe Miền Tây (HNX: WCS) cũng đã và đang chịu tác động tiêu cực từ đại dịch COVID-19.
Trước đại dịch, WCS là một trong những doanh nghiệp niêm yết luôn dẫn đầu về tỷ lệ chia cổ tức và tài chính lành mạnh.
Quá phụ thuộc ngành lõi
Theo báo cáo tài chính quý 2/2020 của WCS, doanh thu thuần đạt 19 tỷ đồng, giảm 43% so với cùng kỳ năm ngoái, và lãi ròng chỉ còn 9 tỷ đồng, thấp nhất trong vòng 5 năm qua. Lũy kế 6 tháng đầu năm 2020, WCS ghi nhận 52 tỷ đồng doanh thu thuần và 25 tỷ đồng lãi ròng, giảm lần lượt 24% và 27% so với cùng kỳ năm ngoái.
Theo báo cáo giải trình của công ty, doanh thu, lợi nhuận sụt giảm mạnh do việc thực hiện giãn cách xã hội trong mùa COVID-19 khiến có thời điểm bến xe phải dừng hoạt động cùng các tuyến liên tỉnh cố định dừng chạy; khi hoạt động trở lại thì chỉ hoạt động 50% biểu đồ xe, số ghế giảm để đảm bảo tiếp tục phòng chống dịch…
25 tỷ đồng là tổng lợi nhuận sau thuế bán niên 2020 của WCS, giảm 27% so với cùng kỳ năm 2019.
Kinh doanh bến xe là ngành lõi của WCS và các hoạt động khác của công ty như bốc dỡ, xếp hàng đóng gói xe khách… đều xoay quanh và phục vụ cho dịch vụ lõi này. Do đó có thể nói 100% nguồn thu của WCS đến từ ngành kinh doanh chính. Việc không đầu tư ra ngoài ngành hoặc có ngành phụ, không có công ty liên kết khiến WCS đặc biệt tập trung mọi năng lực cho hoạt động chính, có điều kiện để khai thác kinh doanh chính hiệu quả cao. Song điều đó cũng khiến công ty hứng chịu rủi ro nặng, cụ thể như ảnh hưởng của COVID-19 là một rủi ro ngoài dự đoán mà đơn vị không thể có hướng xoay chuyển hoặc mở sang lối thoát nào khác để bù đắp nguồn thu.
Như vậy, chốt cứng quá trong ngành lõi vừa là lợi thế bền vững của WCS vừa lại là bất lợi khi biến cố xảy ra. Trường hợp của WCS là ví dụ điển hình mà các doanh nghiệp khác cần lưu ý nhằm tránh rủi ro ngoài dự báo.
WCS là doanh nghiệp có quy mô nhỏ, vốn đầu tư của chủ sở hữu đạt 100%, trong đó Tổng Công ty Cơ khí Giao thông Vận tải Sài Gòn sở hữu 51%, Công ty CP Đầu tư Thái Bình và Quỹ đầu tư America LLC nắm khoảng 27%. Cơ cấu sở hữu tại WCS theo đó cô đặc khi chỉ có khoảng 20% cổ phần nằm ngoài tay cổ đông lớn.
WCS cũng là một doanh nghiệp hiếm hoi trên thị trường hoạt động hoàn toàn bằng vốn góp của các chủ đầu tư, không có khoản vay nào. Tất cả các hệ số thuộc chỉ tiêu thanh toán lẫn năng lực hoạt động của WCS khá tích cực, đặc biệt chỉ tiêu khả năng sinh lời khá cao.
Kinh doanh tốt từ nhu cầu đi lại, giao thương hàng hóa của người dân từ TP HCM đến 13 tỉnh Đồng Bằng sông Cửu Long thuộc địa bàn miền Tây - thị trường đơn sơ mà nhiều dư địa giúp WCS luôn “đẻ trứng vàng” cho các cổ đông. Dù chịu tác động của đại dịch, nhưng nhờ hưởng thành quả của năm 2019, WCS đang tiếp tục dẫn đầu thị trường chia cổ tức cao lên tới 258%, tương ứng mỗi cổ phiếu sẽ mang về cho nhà đầu tư 25.000đ.
Chính việc WCS trả cổ tức cao ngất ngưởng đã hút mạnh dòng tiền của các nhà đầu tư, giúp thị giá cổ phiếu WCS luôn cao hơn so với nhiều cổ phiếu bluechips. Hiện thị giá của WCS đang giao dịch quanh 233.600đ/cp, cao hơn 21% so với SAB của Sabeco có vốn điều lệ 6.412 tỷ đồng, hay cũng cao hơn 117% so với VJC của Vietjet, nhà vận chuyển trên không có vốn điều lệ 5.416 tỷ đồng.
Ăn nên làm ra, WCS đại diện cho trường phái kinh doanh cốt lõi theo hướng “tinh hơn đa”. Tuy nhiên, khó khăn của WCS trong mùa dịch COVID-19 cũng khiến câu chuyện về tính linh hoạt trong hoạt động của bất kỳ doanh nghiệp nào cũng được đặt ra. Việc WCS vẫn quyết định chia cổ tức khủng, thay vì tập trung nguồn lực để tìm hướng giữ vững hoạt động ổn định lại một lần nữa cho thấy WCS còn thiếu một bộ đệm tầm nhìn và dự phòng chiến lược để vươn xa hơn nữa trong tương lai.
Có thể bạn quan tâm
[COVID-19] Ngành vận tải ô tô “kêu cứu”
18:08, 03/04/2020
Thuế xăng dầu tăng kịch trần: Tăng áp lực cho doanh nghiệp ngành vận tải!
11:02, 02/10/2018
Ngành vận tải biển: Vòng xoáy khó khăn vẫn hiện hữu
10:32, 26/09/2018
Xu hướng phát triển kinh tế nền tảng từ thực tiễn ngành vận tải
11:30, 02/09/2018
Ngành vận tải vẫn lao đao vì phí cao Kỳ II: Doanh nghiệp sợ nhất phí cầu đường
08:47, 18/01/2018
Ngành vận tải vẫn lao đao vì phí cao
06:07, 12/01/2018