Xã hội hoá dịch vụ công nhìn từ câu chuyện... nước Sông Đà

Diendandoanhnghiep.vn Vụ khủng hoảng "nước công ty Sông Đà nhiễm bẩn" diễn ra hơn 10 ngày qua đang làm náo loạn nhịp sống của cả thành phố Hà Nội.

Đã từ lâu lắm rồi, người dân thủ đô mới lại phải xếp hàng rồng rắn đi hứng từng xô nước, như cách đây cả 30 năm.

Người dân lo lắng bởi nguồn nước sạch sông Đà bị nhiễm dầu.

Công ty nước sạch Sông Đà, "hạt nhân" của vụ khủng hoảng đẩy cả nghìn người dân Hà Nội vào nguy cơ nhiễm độc vẫn chỉ nói "Chúng tôi là nạn nhân", mà không có một động thái xin lỗi hay bồi thường cho người dân, những khách hàng mang lại doanh thu cho doanh nghiệp này.

Từ vụ việc, người ta đặt lại câu hỏi về việc tư nhân hóa các dịch vụ xã hội. Liệu có ổn không khi giao "cuộc sống" của người dân vào tay các công ty tư nhân, những người hoạt động vì lợi nhuận, thay vì nhà nước, hoạt động vì phúc lợi xã hội?

Cạnh tranh và tuân theo quy luật của thị trường vẫn luôn là giải pháp mang lại lợi ích tốt nhất cho người tiêu dùng. Từ cuối thế kỷ 18, năm 1776, Adam Smith, cha đẻ của kinh tế học hiện đại đã khẳng định điều này với thuyết Bàn tay vô hình. Ông nói rằng, sự cạnh tranh trên thị trường tự do sẽ mang lại hiệu quả cho tất cả mọi người. Như thể có một bàn tay vô hình tự động sắp xếp mọi thứ vào đúng chỗ của mình. Chính phủ can thiệp vào thị trường càng ít càng tốt.

Từ đó đến nay, các nền kinh tế lớn hầu hết đều phát triển dựa trên nền tảng cạnh tranh. Chính phủ các nước đã ban hành nhiều điều luật để bảo vệ tính cạnh tranh của thị trường.

Tuy nhiên, sau một thời gian dài, người ta phát hiện ra có một vài lĩnh vực, thị trường tự do không tạo ra cạnh tranh lành mạnh và không mang lại hiệu quả. Điển hình là các dịch vụ xã hội và công cộng.

Cuối thế kỷ 19, ngành đường sắt Mỹ bùng nổ, các công ty hỏa xa lao vào cạnh tranh gay gắt. Công ty AT&SF xây tuyến đường sắt 300km nối 2 thị trấn nằm ở hai đầu bang Kansas. Lập tức, công ty Missouri Pacific Railroad đối thủ cũng xây luôn một tuyến đường y hệt. Hai tuyến đường sắt này chạy song song, cách nhau có 3km. Ông Charles Adams, Chủ tịch Liên hiệp đường sắt Thái Bình Dương thốt lên "đây là sự lãng phí rồ dại nhất chưa từng có". Sau đó, ông liền xây thêm một... tuyến đường thứ 3.

Trong thị trường cạnh tranh, tuyến đường là tài sản tư nhân, nên nếu muốn kinh doanh, các công ty phải tự xây đường sắt của riêng mình, gây ra sự lãng phí rất lớn, không cần thiết.

Cũng tương tự như vậy đối với một số ngành công nghiệp khác như điện, nước, khí đốt, việc có nhiều nhà cung cấp tư nhân phải tự xây dựng mạng lưới riêng của họ, như hệ thống đường ống nước, mạng lưới tải điện, sẽ làm đội lên chi phí sản xuất, gây ra lãng phí và đẩy giá thành lên cao, gây bất lợi cho người tiêu dùng.

Thành thử, trong những trường hợp như vậy, độc quyền nhà nước là cách sắp xếp hiệu quả nhất về mặt chi phí. Sau nhiều biến động, cuối cùng năm 1917, chính phủ Mỹ cũng đã quyết định quốc hữu hóa các tuyến đường sắt, chấm dứt những cuộc chạy đua lãng phí của các công ty hỏa xa.

Các dịch vụ xã hội, công cộng thường cần vốn đầu tư ban đầu rất lớn. Nhưng ngược lại, theo các nhà kinh tế tính toán, lợi nhuận đem lại từ những dịch vụ này lại không đủ cao tương ứng để hấp dẫn các công ty tư nhân đầu tư.

Thêm vào đó, nếu đầu tư, các công ty sẽ có xu hướng chỉ tập trung dịch vụ vào những khu giàu có, đông dân cư, đô thị lớn để tối đa hóa lợi nhuận. Những vùng xa xôi, nghèo, ít dân cư sẽ bị bỏ quên.

Ngay như nước Mỹ nổi tiếng công nghệ nhất thế giới, nhưng hiện vẫn có đến 39% dân cư vùng nông thôn, tương đương 23 triệu người, ít được tiếp cận với Internet, hoặc được tiếp cận nhưng với tốc độ chậm. Trong khi đó, tỷ lệ này ở thành thị chỉ là 4%. Hoặc việc các đường BOT ở Việt Nam đa phần chỉ nối những khu kinh tế lớn, không xuất hiện ở nơi hẻo lánh xa xôi chính là biểu hiện của sự bỏ quên này.

Những lúc như vậy, cần phải có bàn tay hữu hình của chính phủ can thiệp. Nhà nước can thiệp nhưng để tránh độc quyền, và vẫn giữ lại sự cạnh tranh để mang lại sự hiệu quả và lợi ích cho người dân, các chính phủ thường chọn giải pháp lai, tùy thuộc quan điểm, tính chất của dịch vụ, có thể kể đến như:

Nhà nước đầu tư và vận hành toàn bộ. Mọi chính phủ đều tự đầu tư và vận hành toàn bộ hoạt động an ninh, quốc phòng, đê điều, và hệ thống giao thông công cộng.

Chính phủ lập ra các doanh nghiệp nhà nước và điều hành như thể không phải độc quyền, điều tiết hành vi định giá của công ty đó. EVN là một ví dụ.

Nhà nước lo hạ tầng, các công ty tư nhân điều hành, khai thác. Chính phủ Mỹ quốc hữu hóa hệ thống tuyến đường sắt, nhưng các công ty hỏa xa vẫn là công ty tư nhân. Công ty nước sạch Sông Đà cũng có thể xếp vào dạng này.

Việc nhà nước phải nhúng tay vào một số lĩnh vực công cộng nằm trong hiện tượng gọi là "thất bại của thị trường". Cho tới nay, các nhà kinh tế hầu như đã thừa nhận sự thất bại của thị trường này, nhưng vẫn còn tranh cãi rất nhiều về giải pháp khắc phục. 

Thực tiễn tối ưu đến bây giờ vẫn là phải có sự phối hợp chặt chẽ của cả hai nguồn lực, nhà nước và tư nhân, như cần có hai bàn tay để vỗ lên thành tiếng vậy.

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Xã hội hoá dịch vụ công nhìn từ câu chuyện... nước Sông Đà tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1711697600 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1711697600 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10