Xã hội hoá hạ tầng hàng không...10 năm vẫn bỏ ngỏ

Thy Hằng 09/12/2019 14:42

Xã hội hoá hạ tầng hàng bay đã được đề cập 10 năm nay nhưng chuyển hoá thành dự án thực tế chưa nhiều, cũng chưa có một tổng kết rõ ràng nào về hiệu quả các dự án như Vân Đồn, Cam Ranh...

80% hành khách du lịch Việt Nam đi bằng đường hàng không, tuy nhiên điểm nghẽn quá tải của hạ tầng hàng không đang "kìm chân" du lịch Việt.

Sân bay Vân Đồn là môt trong số ít những dự án

Sân bay Vân Đồn là một trong số ít những dự án được tư nhân thực hiện.

Hàng không quá tải "kìm chân" du lịch

Theo chuyên gia hàng không Lương Hoài Nam, hạ tầng ngành du lịch đang quá tải. Ông dẫn chứng, Việt Nam có 22 sân bay nhưng tổng công suất mới ngang bằng sân bay Changi (Singapore), sân bay Suvarnabhumi (Bangkok, Thái Lan), sân bay quốc tế Kuala Lampur (Malaysia)...  

Trong khi đó, Tổng cục trưởng Du lịch Nguyễn Trùng Khánh cho biết, 80% hành khách du lịch Việt Nam đi bằng đường hàng không, góp phần giúp du lịch Việt Nam những năm qua đạt tốc độ tăng trưởng gấp đôi giai đoạn 2015 - 2018 và tăng hơn 15% so với cùng kỳ trong 11 tháng đầu năm. Tuy nhiên, một trong những hạn chế hiện nay là các thị trường trọng điểm như Hà Nội, TP HCM, Nha Trang... quá tải, nhiều thời điểm chưa được đáp ứng nhu cầu.

Thừa nhận thực tế này, ông Võ Huy Cường, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho biết, tắc nghẽn không riêng tại khu bay, đường tiếp cận vào sân bay cũng quá tải, điển hình là sân bay Tân Sơn Nhất. Do đó, việc phát triển và mở rộng sân bay vệ tinh là cần thiết, nhưng tồn tại hiện nay là chính sách còn khiếm khuyết, chưa tạo động lực cho các doanh nghiệp tham gia đầu tư.

"Cần có chính sách đồng bộ nếu muốn gỡ nút thắt hàng không. Hệ thống cảng hàng không sân bay nếu vài năm tới không gỡ được sẽ càng tắc hơn, ảnh hưởng không chỉ ngành hàng không mà cả du lịch", Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam nhấn mạnh. 

Mở cơ chế để xã hội hoá mạnh mẽ hơn

Theo đó, Phó cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam cho rằng, Việt Nam cần khai thác hiệu quả nhất cơ sở hạ tầng hiện có, tối ưu công suất nhàn rỗi của các sân bay nhỏ bằng cách sử dụng các máy bay ATR nhỏ, tiết kiệm năng lượng để không cần đầu tư nhiều.

Bởi, hiện 4 sân bay quốc tế bắt đầu có dấu hiệu quá tải, trong đó Tân Sơn Nhất đã quá tải. Các sân bay còn lại, Việt Nam có điều kiện khai thác tốt hơn. 

"Do bay Cam Ranh khó khăn, các hãng hàng không Trung Quốc, Nga... bắt đầu bay đến Phú Quốc, Đà Lạt, Quy Nhơn... Đây là tín hiệu đáng mừng", ông Cường cho biết. Như vậy, các hãng lữ hành phải có định hướng cho khách đến các vùng miền mới. 

Đặc biệt, chỉ ra thực tế ở nhiều quốc gia hiện nay như Australia, Anh, Mỹ... đều cho tư nhân tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng hàng không và một số sân bay tại Australia, Thái Lan cho tư nhân quản lý vận hành nên đạt chất lượng rất tốt.

Ông Cường cho rằng: "Chúng ta không nên chỉ chăm chăm chờ vốn Nhà nước trong đầu tư hạ tầng hàng không. Cho phép tư nhân, quỹ đầu tư nước ngoài tham gia phát triển hạ tầng cơ sở sẽ giúp giải bài toán đầu tư này”.

Thực tế ghi nhận, Việt Nam cũng đã đề cập xã hội hoá hạ tầng sân bay 10 năm nay, nhưng chuyển hoá thành dự án thực tế chưa nhiều. Hiện cũng chưa có một tổng kết rõ ràng nào về hiệu quả các dự án này như một số sân bay, cảng hàng không đã được xã hội hoá như Vân Đồn, Cam Ranh... 

Đơn cử câu chuyện cải tạo sân bay Tân Sơn Nhất loay hoay vài năm rồi cuối cùng đề xuất giao Tổng công ty Cảng hàng không Việt Nam (ACV) đầu tư. Hay Long Thành cũng được đề xuất giao ACV – doanh nghiệp Nhà nước làm, các chuyên gia cho rằng, cần có cơ chế và hệ thống pháp lý đủ hấp dẫn, tạo niềm tin cho nhà đầu tư. Chính phủ cần có chính sách biện pháp để biến từ lời nói thành hành động thực tế.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xã hội hoá hạ tầng hàng không...10 năm vẫn bỏ ngỏ
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO