Luật sư Nguyễn Thanh Hà, Chủ tịch Công ty Luật SBLAW cho rằng, quy trình định giá đất còn nhiều “kẽ hở” để lợi ích nhóm trục lợi.
LTS: Giá đất cần thể hiện đúng thước đo giá trị tài sản và là một công cụ vĩ mô phân phối nguồn lực tài chính giữa Nhà nước và người sử dụng đất.
Ông Hà cho rằng, đấu giá quyền sử dụng đất đang được quy định tại rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật từ luật, nghị định, quyết định, đến thông tư. Chưa kể do đặc thù vùng kinh tế, các quyết định của các UBND tỉnh địa phương cũng có sự khác nhau nhất định.
Tuy nhiên, các phương pháp định giá đất đang được áp dụng cũng có sự chênh lệch rất lớn về kết quả, đặc biệt đối với các loại đất có giá trị thương mại cao như đất ở, đất thương mại, dịch vụ tại khu vực đô thị hoặc các khu vực đang được đầu tư, phát triển cơ sở hạ tầng đến kết quả công tác xác định giá đất, thẩm định giá đất thiếu tính chính xác, thiếu độ tin cậy, dễ dẫn đến vận dụng tùy tiện và phát sinh tiêu cực.
Nhà nước cần chỉ đạo các cơ quan xác định cơ chế giá đất và thực hiện nghĩa vụ tài chính đất đai theo hướng minh bạch.
Tuân thủ tất cả hệ thống pháp luật về đấu giá là vô cùng khó khăn, khi mỗi văn lại điều chỉnh một vài khía cạnh khác nhau, thậm chí mâu thuẫn nhau.
Ở nhiều địa phương trên cả nước cho thấy việc xác định giá đất của UBND đều có xu hướng mức giá thấp hơn giá thị trường. Điều này càng thêm phần khó khăn khi xác định giá tài sản được đem đấu giá dẫn đến thiếu minh bạch trong việc xác định giá.
Thêm vào đó ở nhiều nơi, tình trạng cán bộ lạm quyền lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản (ĐGTS) để đưa ra các tiêu chí chủ quan hướng đến doanh nghiệp “sân sau” của mình. Trách nhiệm giám sát tổ chức ĐGTS thực hiện trình tự, thủ tục đấu giá đã được “thông đồng dìm giá”, “quân xanh quân đỏ”.
Phần lớn nguyên nhân dẫn đến tình trạng nêu trên là do cơ quan chịu trách nhiệm giá đất không có bộ phận thẩm định chuyên nghiệp, công tác định giá đất cụ thể trong nhiều trường hợp còn chậm, kéo dài từ 1 - 3 năm, không đáp ứng kịp thời tiến độ tính thu tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, tính bồi thường đất.
Từ đó, có thể dẫn đến quy trình hành chính xác định giá đất thiếu sự minh bạch, có sơ hở tạo ra cơ chế “xin - cho”, làm thất thu ngân sách Nhà nước và ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường kinh doanh.
Biện pháp đầu tiên để ngăn chặn quá trình đấu giá tài sản nói chung và đất nói riêng chính là cơ quan chức năng cần tiếp tục hoàn thiện pháp luật liên quan đến đấu giá trong đó quy định chặt chẽ quy trình định giá đất.
Công tác thanh kiểm tra phải làm nghiêm túc, xử lý nghiêm hành vi lợi dụng đấu giá gây nhiễu loạn thị trường. Nhóm lợi ích cấu kết với người có thẩm quyền nhằm chi phối các cuộc đấu giá, hoạt động mang tính xã hội đen cần được xử lý nghiêm.
Nhà nước và các cơ quan có thẩm quyền sớm ban hành khung pháp lý về giá đất cho phù hợp, trong đó hoàn thiện bảng giá đất với các hệ số phù hợp được công bố công khai làm cơ sở để xác định giá đất cụ thể phù hợp với tình trạng diễn biến về giá đất trên thị trường và phù hợp với thực tế tình hình phát triển của địa phương.
Xây dựng các quy định về xử lý vi phạm trong đấu giá tài sản, trong đó riêng đối với đấu giá sử dụng đất phải có chế tài đủ sức răn đe đối với các cá nhân tổ chức có hành vi thao túng về giá đất. Luật Đất đai cần sửa đổi về chế định đấu giá quyền sử dụng đất, đảm bảo phù hợp với Luật Đấu giá tài sản và các văn bản hướng dẫn. Đặc biệt, thiết lập liên kết với các đơn vị thẩm định độc lập cập nhật thông tin giá đất giữa nhà nước và thị trường hiện tại.
Giá quyền sử dụng đất (giá đất) là một trong những nội dung quan trọng bậc nhất của Luật Đất đai. Giải quyết được cơ chế định giá đất, thì các quy định khác liên quan đến đất đai và bất động sản sẽ được xử lý dễ dàng và thuận lợi. Tuy nhiên, sau 15 năm Luật Đất đai 2003 và 5 năm Luật Đất đai 2013 có hiệu lực, câu chuyện định giá đất sao cho hợp lý vẫn làm đau đầu các nhà quản lý.
Có thể bạn quan tâm