Xăng giảm giá kịch khung: Chỉ là ước mơ!

Diendandoanhnghiep.vn Bỏ tất cả thuế phí để giảm kịch khung giá xăng xuống còn 23.000 đồng/lít, là chuyện chỉ có trong lý thuyết hoặc bàn bạc với nhau cho đỡ căng thẳng.

>> Chuyên gia RMIT nhận định gì về giá xăng tăng kỷ lục?

s

Giá xăng liên tục tăng cao trong những ngày gần đây. Ảnh: Tuấn Vỹ 

Hiện nay mỗi lít xăng, dầu bán ra đang chịu 4 loại thuế: giá trị gia tăng (VAT 10%), nhập khẩu (10%), tiêu thụ đặc biệt (10%) và bảo vệ môi trường (2.000 đồng cho 1 lít xăng và 1.000 đồng cho 1 lít dầu). Theo tính toán thì xăng dầu “cõng” khoảng 7.000 đồng cho 3 loại thuế đầu tiên.

Thực tế là giá xăng vượt 32.000 đồng/lít đặt ra thách thức chưa từng có đối với ổn định kinh tế vĩ mô và kiềm chế lạm phát. Tổng cục Thống kê cho biết, CPI đã tăng cao nhất trong vòng 5 năm trở lại đây vì lý do chính là giá xăng dầu.

Lâu lâu chúng ta vẫn đang tự hỏi và ngạc nhiên, ngỡ ngàng với nhau vì sao mặt hàng thiết yếu mà hầu như nhà nào cũng phải dùng lại phải chịu loại thuế như bia, rượu, hàng xa xỉ cần hạn chế? Câu hỏi ấy vì vô số biện minh và lý do vẫn bị khất hết lần này đến lần khác hàng chục năm qua.

Lo lắng của dân về lạm phát ngày càng lộ rõ trong bối cảnh lạm phát thế giới đang đến cao trào trong hàng chục năm và chưa biết khi nào dừng lại. Các chuyên gia kinh tế cho rằng, cần giảm thuế môi trường, thuế tiêu thụ đặc biệt và thuế VAT đối với xăng dầu mới giữ cho giá của mặt hàng này không vượt ngưỡng quá cao.

Chuyên gia kinh tế Phạm Thế Anh cho rằng: “Xăng là mặt hàng thiết yếu, hầu như phải sử dụng hằng ngày và người dân không có lựa chọn nào khác ngoài việc buộc phải mua để sử dụng nên không thể đánh thuế tiêu thụ đặc biệt cùng với những mặt hàng không khuyến khích sử dụng. Còn lại, cần giảm nữa là thuế nhập khẩu, thuế giá trị gia tăng,… Như vậy, riêng 3 loại thuế vừa đề cập, người tiêu dùng đã đóng hơn 7.000 đồng/lít xăng dầu. Hiện nay, giá xăng thế giới đang tăng, 3 loại thuế nói trên càng tăng theo tỷ lệ thuận. Đây chính là gánh nặng thực sự cho người tiêu dùng và cả nền kinh tế trong thời gian tới”.

Trên nghị trường Quốc hội vừa qua, liên quan đến giá xăng dầu, có ý kiến đề nghị Chính phủ cần sớm can thiệp để hạ nhiệt giá xăng dầu. Tuy nhiên có một đại biểu khác lại muốn giá xăng dầu lên xuống theo thế giới, tức thả nổi và không nên nỗ lực tìm mức giá rẻ nhất so với các nước xung quanh.

Hiện nay phần đông doanh nghiệp cho tới người dân đều đồng tình nếu giảm thuế phí. Lợi ích của việc can thiệp bằng cách giảm thuế giờ đã trở nên quá rõ ràng. Đầu tiên là xoa dịu được tâm lý người dân, bình ổn lại các hoạt động sản xuất, từ đó ghìm cương được lạm phát và thúc đẩy nền kinh tế còn đang phục hồi sau đại dịch.

Ngược lại, nếu thả nổi để mặc giá cả nhảy múa theo thị trường lại càng nguy hiểm hơn. Xăng dầu là mặt hàng cơ bản của nền kinh tế, trong khi Việt Nam lại chưa hoàn toàn kiểm soát được nguồn cung mặt hàng này. Do đó, nếu cứ cho thả nổi, để giá xăng leo thang như giá thế giới thì nền kinh tế đang phát triển của Việt Nam sẽ phải hứng chịu những tác động nặng nề. Trong bối cảnh hiện nay, nếu thả nổi thì không biết bao giờ xăng mới ngừng tăng.

Hệ lụy trước mắt ai cũng thấy rõ, bên cạnh giá xăng, sức mua tăng lên do dỡ phong tỏa, gói kích cầu, gói đầu tư công mở rộng chưa từng có để xây cao tốc Bắc Nam, sân bay Long Thành, tăng trưởng tín dụng cao, trái phiếu doanh nghiệp, tăng lương, tăng học phí, tăng viện phí, tăng giá sách giáo khoa… Tất cả các yếu tố đó đều gây nguy cơ lạm phát cao.

>> Doanh nghiệp vận tải “lao đao” trước bão giá xăng, dầu

>> Vì sao nên nghiên cứu bỏ quỹ bình ổn giá xăng dầu?

>> Giá xăng “tăng tốc” và những câu hỏi khó có trả lời thỏa đáng

Giá xăng, dầu tăng là nguyên nhân dẫn đến chi phí đầu vào của tất cả các ngành nghề tăng theo.

Giá xăng, dầu tăng là nguyên nhân dẫn đến chi phí đầu vào của tất cả các ngành nghề tăng theo. Ảnh: Tuấn Vỹ

Theo biểu giá và cách áp thuế hiện nay thì giá xăng càng tăng, thuế má càng nhiều bởi phải theo tỷ lệ thuận. Điều đó gánh nặng trên vai người dân và doanh nghiệp càng lớn, rồi như một vòng luẩn quẩn trở thành khó khăn chung cho nền kinh tế nước nhà và ngân khố quốc gia.

Cho nên việc can thiệp hay thả nổi đều không có gì là xấu, tất cả đều chỉ là công cụ, nếu các giải pháp đề ra đúng đắn phù hợp thì nền kinh tế Việt Nam sẽ vượt qua được giai đoạn thách thức này. Miễn là đạt được những mục tiêu có lợi chung cho toàn nhân dân, có lợi chung cho nền kinh tế, chứ không cần phải chạy đua theo các nước về giá cả mặt hàng xăng dầu

Điều này cũng có nghĩa, các Bộ ngành cần vào cuộc ngay, nhất là những cơ quan có thẩm quyền liên quan. Ngoài giảm thuế bảo vệ môi trường, cần nghiên cứu thêm phương án điều chỉnh giảm các loại thuế khác. Bởi vì, khi lạm phát mà tăng cao là rất khó để xử lý và làm thui chột nhiều thành quả phát triển. Hơn nữa, người dân đã mòn mỏi vì COVID-19. Giảm giá xăng vừa cứu dân, vừa giúp kiềm chế lạm phát mà lại ghi điểm trong điều hành.

Những ý kiến như vậy, nhiều kêu than như thế không phải lần đầu cũng chẳng phải mới mẻ hay đột phá gì. Nhưng vì nhiều nguyên nhân vẫn chưa được lắng nghe và tiếp thu đúng mức. Người ta cứ nại rằng nếu bỏ hay giảm mạnh các loại thuế như vậy, nguồn thu sẽ sụt giảm, trong khi ngân sách vẫn phải tiết kiệm từng đồng, chắt chiu thu từng tỷ.

Thành thử, giá xăng giảm mạnh kịch khung lúc này, vẫn chỉ là ước mơ của người dân, doanh nghiệp mà thôi!

Đánh giá của bạn:

Mời các bạn tham gia vào group Diễn đàn Doanh nghiệp để thảo luận và cập nhật tin tức.

Bạn đang đọc bài viết Xăng giảm giá kịch khung: Chỉ là ước mơ! tại chuyên mục Thời sự của Tạp chí Diễn đàn doanh nghiệp. Liên hệ cung cấp thông tin và gửi tin bài cộng tác: email toasoan@dddn.com.vn, hotline: 0985698786,
Bình luận
Bạn còn /500 ký tự
Xếp theo: Thời gian | Số người thích
SELECT id,type,category_id,title,description,alias,image,related_layout,publish_day FROM cms_post WHERE `status` = 1 AND publish_day <= 1713264940 AND in_feed = 1 AND top_home <> 1 AND status = 1 AND publish_day <= 1713264940 ORDER BY publish_day DESC, id DESC LIMIT 0,11
1 2 3 4 5 6 7 8 9 10