Theo Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Hà Nội Ngô Thị Thanh Hằng, trên thực tế còn có một số hạn chế, bất hợp lý, cả về phân định nhiệm vụ, quyền hạn; cơ cấu tổ chức bộ máy...
Theo đó, tại các huyện, xã của Hà Nội đang diễn ra quá trình đô thị hóa nhanh chóng, các hoạt động kinh tế, văn hóa, xã hội có sự đan xen giữa các yếu tố của nông thôn và đô thị và ngày càng phát triển theo hướng đô thị hóa....
Mặt khác, việc triển khai mô hình chính quyền điện tử đang diễn ra mạnh mẽ, cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ 4 và việc hình thành khu đô thị thông minh đã tác động đến đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức cũng như các doanh nghiệp.
Trong hội thảo lấy ý kiến góp ý của các quận, huyện, thị xã vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền", Phó Bí thư Thành ủy Hà Nội khẳng định "việc triển khai xây dựng Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị Hà Nội là cần thiết và có ý nghĩa quan trọng trong việc nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý nhà nước của chính quyền TP Hà Nội phù hợp với điều kiện phát triển kinh tế - xã hội của Thủ đô".
Có thể bạn quan tâm
15:04, 06/08/2018
11:00, 03/08/2018
12:30, 02/08/2018
Do đó, trong những năm gần đây, chính quyền Thủ đô luôn tích cực trong việc triển khai lấy ý kiến của người dân cho đề án thí điểm xây dựng chính quyền đô thị mang đặc trưng của Hà Nội. Nhiều đề xuất, mô hình được các chuyên gia, các nhà quy hoạch được tham khảo để đóng góp cho đề án.
New York, Mỹ là thành phố đi theo mô hình "thị trưởng - hội đồng". Đây là hình thái lâu đời nhất của chính quyền thành phố tại Mỹ, và được hầu hết các thành phố ở Mỹ áp dụng.
Berlin, Đức là một đô thị được tổ chức theo nguyên tắc tản quyền thay vì phân quyền, 3 trong 1: vừa là một thành phố, vừa là một bang, vừa là cấp đơn vị hành chính lãnh thổ cuối cùng. Mô hình này đã chứng tỏ tính hiệu quả khi toàn bộ thành phố là một thể thống nhất, nhưng bên trong nội bộ lại thực hiện tản quyền đến từng công chức.
Các chuyên gia cho rằng, Hà Nội có một đặc thù là hai khu vực nông thôn và thành thị rõ ràng nên cần nghiên cứu việc tổ chức hai hệ thống quản trị khác nhau. Theo đó, từ trước đến nay chính quyền ở các quận nội thành được tổ chức và thực hiện các nhiệm vụ, quyền hạn tương tự như chính quyền ở địa bàn nông thôn cùng cấp, dẫn tới nhiều vấn đề cấp thiết của đô thị không được giải quyết kịp thời.
Do vậy, ở Việt Nam chưa có mô hình chính quyền đô thị cụ thể nên chủ trương của Bộ Chính trị dành cho Hà Nội là cơ hội để Thủ đô xây dựng một chính quyền hiện đại hơn, phục vụ người dân đô thị tốt hơn, sát với thực tiễn của Hà Nội hơn là dựa vào một hình mẫu đã có sẵn của các quốc gia khác. Mô hình chính quyền đô thị ở Hà Nội cần được xây dựng theo hướng tinh gọn, giảm bớt các tầng, nấc trung gian, bảo đảm tính nhanh nhạy trong công tác quản lý.
Hiện nay, Hà Nội đang tiếp tục lấy ý kiến vào dự thảo Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị. Dự kiến, tháng 10, Hà Nội trình Đề án thí điểm mô hình chính quyền đô thị lên Bộ Chính trị.
Trước đó, dự kiến mô hình tổ chức thí điểm chính quyền đô thị của thành phố Hà Nội sẽ được thiết kế theo 3 phương án.
Trong đó, phương án 1 và phương án 2 là xây dựng mô hình tổ chức một cấp chính quyền (thành phố), một cấp hành chính (quận) và một cơ quan hành chính đại diện (phường), riêng cơ quan hành chính nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế Thủ trưởng hành chính hoặc thiết chế Ủy ban.
Còn phương án 3 là xây dựng mô hình tổ chức hai cấp chính quyền ở đô thị (thành phố và quận), một cơ quan hành chính đại diện (phường), cơ quan hành chính nhà nước tại các đơn vị hành chính tổ chức theo thiết chế Ủy ban.