Xây dựng tiêu chí an toàn theo ngành

HUYỀN TRANG thực hiện 06/10/2021 15:28

Dự thảo hướng dẫn "Thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19" đang được Bộ Y tế xây dựng đề xuất cho phép nhiều hoạt động được thực hiện kể cả khi có dịch.

Ông Nguyễn Quang Đồng – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Chính sách và Phát triển Truyền thông (IPS) cho rằng, Chính phủ nên xây dựng các tiêu chí an toàn và kiểm soát dịch bệnh theo ngành nghề, lĩnh vực thay vì các tiêu chí cho vùng địa lý như hiện nay.

- Theo ông, Việt Nam cần đạt điều kiện gì về kiểm soát dịch bệnh để mở cửa trở lại?

Trước khi bàn đến điều kiện, tiêu chí cụ thể, cần thống nhất trước một nguyên tắc là: chấp nhận có F0 trong cộng đồng, chấp nhận tiếp tục có dịch trong cộng đồng. Chấp nhận rồi, thì đối với lãnh đạo các địa phương, tiêu chí đánh giá công việc sẽ chuyển từ chỗ “kiểm soát dịch” (không có dịch, không có F0) sang tiêu chí “hỗ trợ F0 nặng tốt hay không tốt”.

Ngoài ra, một điểm yếu trong suốt tiến trình chống dịch vừa qua mà Bộ Y tế và các bộ phụ trách lĩnh vực chưa làm được, đó là chỉ mới có hướng dẫn an toàn, tiêu chí an toàn cho từng địa bàn (theo phạm vi địa lý), chứ không có hướng dẫn và tiêu chí cho từng ngành, gắn liền với đặc thù cơ sở sản xuất, cơ sở dịch vụ. Vì vậy, dẫn đến đóng cửa phạm vi rộng: đóng toàn bộ vùng (địa lý), bất kể trong vùng đó, có những cơ sở sản xuất, dịch vụ vẫn an toàn.

- Như vậy, bộ tiêu chí an toàn của Bộ Y tế cần thay đổi căn bản, thưa ông?

Đúng vậy! Nên là bộ Tiêu chí an toàn của Chính phủ thay vì của Bộ Y tế. Nguyên tắc, như trên đã nói là chấp nhận có F0 trong cộng đồng; ưu tiên kiểm soát ca nặng, tử vong. Và tiêu chí là tiêu chí cho từng ngành, không nên theo địa bàn dân cư – hành chính. Muốn làm được như vậy, nên là tổ công tác của ban chỉ đạo phòng chính dịch - với chuyên gia từ nhiều ngành, trong đó ngành y tế là nòng cốt – soạn thảo bộ tiêu chí.

- Nhiều nước trên thế giới áp dụng mở cửa theo từng bước, từng khu vực. Theo ông, Việt Nam nên áp dụng mở cửa từng bước theo lộ trình, thứ tự ra sao?

Đúng như vậy, các nước đều đã tiến hành mở cửa theo từng ngành, với từng bước và mức độ khác nhau. Nên lưu ý, khu vực ở đây không phải là khu vực địa lý cứng mà có hàm ý là ngành, lĩnh vực. Kể cả trong lúc phong toả khắt khe nhất, sản xuất vẫn được ưu tiên vận hành liên tục. Khu vực dịch vụ gồm làm việc ở văn phòng ở đô thị, trường học, địa điểm giải trí (nhà hàng, rạp chiếu phim, sân vận động …) mới bị phong toả chặt chẽ. Đây là sự khác biệt với Việt Nam, phong tỏa cứng theo vùng địa lý, dẫn đến tê liệt, đứt gãy nghiêm trọng khu vực sản xuất. Lưu ý rằng, nhà máy có thể được mở cửa nhưng người lao động không được đi lại thì nhà máy cũng “chết” theo.

Do đó, ưu tiên cao nhất của Việt Nam lúc này là mở cửa lại khu vực sản xuất thông suốt, song song với đó là tính đến từng ngành nhỏ cụ thể trong lĩnh vực dịch vụ. Cần phải xác định sớm “ngành an toàn” thay cho địa bàn an toàn, từ đó mở cửa khi các ngành, các cơ sở trong ngành đáp ứng được tiêu chí an toàn.

 Chỉ mới có hướng dẫn tiêu chí an toàn cho từng địa bàn, chứ chưa có tiêu chí gắn liền với đặc thù từng ngành sản xuất, dịch vụ. Ảnh: Đỗ Tâm.

Chỉ mới có hướng dẫn tiêu chí an toàn cho từng địa bàn, chứ chưa có tiêu chí gắn liền với đặc thù từng ngành sản xuất, dịch vụ. Ảnh: Đỗ Tâm.

- Với cách tiếp cận mới này, trách nhiệm của Chính phủ và địa phương về việc mở cửa nền kinh tế ra sao, thưa ông?

Giai đoạn mới, không nên quy trách nhiệm chung chung “để bùng phát dịch bệnh” cho lãnh đạo địa phương. Trách nhiệm ở cấp địa phương trong giai đoạn mới là không để xảy ra tình trạng F0 không được hỗ trợ kịp thời, đầy đủ. Kinh nghiệm đầu tư nhiều quốc gia, việc mở cửa trở lại kinh tế là trách nhiệm chính của Chính phủ ở 2 khía cạnh. Thứ nhất, xây dựng được tiêu chí an toàn cho ngành thay vì cho địa bàn lãnh thổ. Thứ 2, bảo đảm di chuyển an toàn liên quốc gia, liên vùng, liên tỉnh.

Thực tế hiện nay, sản xuất ở khu vực Đông Nam Bộ - trung tâm công nghiệp lớn nhất cả nước vẫn đình trệ. Vì mở cửa mới chỉ diễn ra từng tỉnh nên người lao động không di chuyển được. Điều đó vượt ra ngoài phạm vi chính quyền cấp tỉnh. Nó đòi hỏi Trung ương phải hành động, không chỉ là “khoán trách nhiệm” của các tỉnh. Khi đã có tiêu chí an toàn chi tiết thì địa phương cần tổ chức kiểm tra, đảm bảo doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh tuân thủ các tiêu chí đó.

- Xin cảm ơn ông!

Ông Phạm Phú Ngọc Trai, Chủ tịch Công ty tư vấn kinh doanh Hội nhập toàn cầu:

Doanh nghiệp nên có đánh giá lại toàn bộ “sức khỏe” nội tại của mình để quản trị hoạch định doanh nghiệp. Bởi, đây là giai đoạn hết sức quan trọng của bất cứ doanh nghiệp nào. Doanh nghiệp cần được chủ động trong đăng ký vaccine để tiêm cho người lao động (NLĐ). Nhà nước cần ban hành quy trình, theo dõi kiểm tra và làm về vấn đề tuân thủ, nhưng việc quản trị, lo y tế cho doanh nghiệp để sản xuất an toàn là của doanh nghiệp. Chính sách hỗ trợ NLĐ của Nhà nước rất cần có sự tham gia của doanh nghiệp để cũng giải quyết vấn đề.

Ông Thân Đức Việt, Tổng Giám đốc Tổng Công ty May 10:

Với đầy đủ y tế cơ sở như May 10 cùng hệ thống trang thiết bị vật chất tại May 10, chúng tôi xin được tự chủ động trong việc điều trị F0 và trong công tác phòng, chống dịch bệnh. Bởi vì trước kia chúng ta không có khái niệm F0 chữa tại nhà, bây giờ chúng ta có khái niệm này rồi, do đó, chúng tôi có thể tự chủ động được. Nếu có vaccine nội địa, May 10 sẽ xung phong tiêm đầu tiên, bởi nếu không đảm bảo được tiêm vaccine cho lao động, chúng tôi chắc chắn vẫn bị động.

Có thể bạn quan tâm

  • Tăng cường tuyên truyền cho công tác phòng, chống dịch COVID-19

    10:21, 06/10/2021

  • Vốn FDI trong đại dịch COVID: (Kỳ 1) Thấy gì từ FDI 9 tháng năm 2021?

    11:00, 05/10/2021

  • Doanh nghiệp kỳ vọng chiến lược tổng thể trong phòng, chống COVID-19

    10:00, 05/10/2021

  • Kinh nghiệm tiêm trộn vaccine phòng COVID-19 từ thế giới

    11:00, 03/10/2021

  • Chống dịch COVID-19: Lấy nhân trị trung hòa pháp trị

    10:46, 03/10/2021

  • Bộ y tế nói gì về Dự thảo "thích ứng an toàn, kiểm soát dịch COVID-19"?

    18:42, 02/10/2021

  • Hoàn thiện hệ thống "Thẻ xanh COVID" để hỗ trợ người lao động

    03:15, 02/10/2021

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng tiêu chí an toàn theo ngành
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO