Xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp FDI: Thách thức phát triển mới

Minh Lê – Đức Vũ 29/05/2018 05:05

Trong các doanh nghiệp FDI ngoại trừ Công đoàn hiển nhiên được thành lập theo pháp luật, còn tổ chức Đảng và đoàn thanh niên được xem như “chuyện riêng” của phía Việt Nam.

Vẫn biết nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một hình thái kinh tế chính trị chưa có tiền lệ trong lịch sử. Nhưng cũng chính vì thế càng đòi hỏi cấp thiết hơn sự khẳng định vai trò của tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp tư nhân, gồm cả các doanh nghiệp FDI.

Có thể nói, những năm đầu của sự nghiệp đổi mới, Hải Phòng cũng như cả nước đứng trước những khó khăn rất lớn. Kinh tế sa sút, lạm phát tăng với tốc độ phi mã, đặc biệt trong giai đoạn 1989-1992 khi hệ thống XHCN ở Liên Xô và Đông Âu tan vỡ. Hải Phòng lúc đó là một trong những địa phương bị ảnh hưởng lớn nhất, chỉ vài năm một trung tâm công nghiệp với những ngành sản xuất mũi nhọn như giày dép, may mặc, cơ khí, dịch vụ cảng biển… hầu như bị tê liệt. Lao động thất nghiệp khiến hoạt động của các tổ chức Đảng – Đoàn ở không ít doanh nghiệp phải ngừng hoạt động. Tư tưởng một bộ phận đảng viên, đoàn viên giao động.

Có thể bạn quan tâm

  • "Lấy cái đẹp dẹp cái xấu” trong công tác xây dựng Đảng

    17:10, 29/03/2018

  • Phát động giải báo chí toàn quốc về xây dựng Đảng

    12:35, 19/05/2016

Trong khi đó, nền kinh tế bước đầu vận hành theo cơ chế thị trường đã nảy sinh nhiều vấn đề mới, các cơ chế cũ đã không còn phù hợp với mô hình có sự tham gia của mọi thành phần kinh tế. Nhất là vào thời điểm có nhiều nhà đầu tư đến từ các nước tư bản, không ít quan điểm tỏ ra thận trọng, nghiêng về thu hút đầu tư mà sao nhãng công tác xây dựng Đảng, khiến sức chiến đấu của các tổ chức cơ sở Đảng trong doanh nghiệp giảm sút đáng kể.

Ông Đặng Văn Minh - một đảng viên của Xí nghiệp Giày dép số 1 Hải Phòng (cũ) tâm sự: “Khi người Đài Loan vào mở liên doanh sản xuất, một trong những yêu cầu đầu tiên họ tuyển nhân lực là không tuyển đảng viên…”. Câu chuyện ấy phần nào đã nói lên khó khăn lúc đó.

Tuổi trẻ Công ty liên doanh xi măng Chinfon Hải Phòng

Tuổi trẻ Công ty liên doanh xi măng Chinfon Hải Phòng

Nhưng càng nhiều thách thức, tính kiên trung càng được khẳng định. Ông Minh nhớ lại, thời điểm đó Xí nghiệp Giày dép số 1 liên doanh với Đài Loan thành lập Cty TNHH Kai-Nan (1/1/1993). Tiếp sau đó, xí nghiệp triển khai thành lập nhiều mô hình sản xuất với các đối tác nước ngoài khác và đổi tên là Công ty da giày Hải Phòng. Mặc dù yêu cầu phía đối tác quá khắt khe, nhưng cấp ủy Đảng và ban giám đốc Công ty vẫn quyết tâm kiện toàn, phát triển tổ chức Đảng tại các đơn vị có yếu tố nước ngoài.

Nhận thấy phía đối tác chỉ do chưa hiểu thể chế chính trị Việt Nam nên họ e ngại, Đảng ủy đã chỉ đạo sinh hoạt Đảng - Đoàn ở liên doanh tạm thời duy trì ngoài giờ, thậm chí ngoài nhà máy, đồng thời kiên trì thuyết phục, giải tỏa những băn khoăn của phía đối tác. 

Điều căn bản đối với họ là, trong các doanh nghiệp FDI ngoại trừ tổ chức Công đoàn hiển nhiên được thành lập theo pháp luật, còn tổ chức Đảng và đoàn thanh niên được xem như “chuyện riêng” của phía Việt Nam. Xét về bản chất, dù là người của tổ chức nào thì trong doanh nghiệp cũng là người làm thuê theo đúng nghĩa. Do vậy phản ứng ban đầu từ phía đối tác khá tiêu cực. Họ chấm dứt hợp đồng với các cán bộ, đảng viên chủ chốt (trong đó có Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch công đoàn, Bí thư Đoàn thanh niên). Tuy vậy, nhờ chủ động sáng tạo kết hợp với phẩm chất đã thấm nhuần, dù bị đẩy ra ngoài, bị tước nguồn thu nhập, những cán bộ, đảng viên, đoàn viên ở đây vẫn tiếp tục kiên trì lãnh đạo, chỉ đạo, duy trì tổ chức. Phía đối tác nước ngoài sau đó đã nhượng bộ, đồng nghĩa với việc liên doanh Kai-Nan trở thành doanh nghiệp vốn FDI đầu tiên của Hải Phòng có đầy đủ hệ thống chính trị hoạt động.

Nhà máy giày Aurora (vốn FDI) tại Thủy Nguyên – Hải Phòng, nơi đã thành lập đầy đủ các tổ chức đảng – đoàn

Nhà máy giày Aurora (vốn FDI) tại Thủy Nguyên – Hải Phòng, nơi đã thành lập đầy đủ các tổ chức Đảng – Đoàn

Từ thành công ở liên doanh Kai-Nan, Đảng uỷ Công ty da giầy Hải Phòng đã nhân rộng mô hình sang các cơ sở trực thuộc khác, như: giày Khải Hoàn Môn, giày Lê Lai 2, giày nữ Niệm Nghĩa, mút xốp Khải Thắng (đều đối tác Đài Loan), bóng Montel và xí nghiệp găng tay Witco (đối tác Nhật Bản)… Đến thời điểm này, nhiều nhà đầu tư lớn khác của nước ngoài đã có mặt tại Hải Phòng như: xi măng Chinfon (Đài Loan), giày Giant-V (Đài Loan), khu công nghiệp Nomura (Nhật Bản)… Đáng chú ý là, lần lượt các doanh nghiệp này đều thiết lập được hoạt động của các tổ chức đảng - đoàn. Trong một chuyến công tác tại Hải Phòng, sau khi khảo sát thực tiễn, ông Nguyễn Ngọc Lâm – Phó trưởng ban tổ chức Trung ương đã đánh giá: “Hải Phòng đã xây dựng những mô hình thành công đầu tiên của cả nước”. Đã trải qua hơn 20 năm, tại các doanh nghiệp FDI nêu trên, hệ thống chính trị vẫn tiếp tục được duy trì và ngày càng được củng cố.

Ông Lê Sỹ Huỳnh - một đảng viên thuộc Đảng bộ liên doanh Kai-Nan hiện nay chia sẻ: “kinh nghiệm rút ra là, ngoài mỗi cá nhân phải nhiệt huyết, tổ chức phải chủ động, kiên định lập trường, điều quan trọng nhất là phát huy quyền dân chủ mới có lực lượng mạnh để phát triển hoạt động”.

Thành công từ những mô hình trên cũng là kinh nghiệp quý báu, là cơ sở quan trọng để Hải Phòng trở thành địa phương đầu tiên của cả nước ban hành Nghị quyết chuyên đề về xây dựng, củng cố và phát triển tổ chức Đảng, đoàn thể trong các loại hình doanh nghiệp ngoài nhà nước, hợp tác xã, đơn vị sự nghiệp ngoài công lập.

Kỳ 2- Không đơn thuần áp đặt lên nhà đầu tư

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xây dựng tổ chức Đảng trong các doanh nghiệp FDI: Thách thức phát triển mới
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO