Xe “made in Việt Nam” có thể được giảm thuế?

Thy Hằng 28/03/2018 08:00

Bộ Tài chính vừa cho biết đã nhận được và đang xem xét cân nhắc đề xuất sửa đổi chính sách thuế TTĐB trong văn bản từ Bộ Công Thương cũng như kiến nghị trước đó mà Tập đoàn Thành Công đưa ra.

Theo đó, Bộ Tài chính bày tỏ cân nhắc bãi bỏ thuế Tiêu thụ đặc biệt (TTĐB) phần giá trị sản xuất trong nước cho ô tô và giảm thuế nhập khẩu nguyên liệu sản xuất linh kiện ô tô trong nước theo như kiến nghị của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công.

Thành Công dự kiến sẽ mở nhà máy sản xuất thứ 2 tại Ninh Bình vào năm 2018.

Đề xuất miễn thuế TTĐB được cho là giúp giảm giá xe, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.

Về nội dung quan trọng nhất là miễn thuế TTĐB, theo văn bản của Vụ Chính sách thuế (Bộ Tài chính), cơ quan này khẳng định đã nhận được công văn của Bộ Công Thương về đề xuất này. Tuy nhiên, trong thời gian xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung, cũng có ý kiến cho rằng nếu việc sửa đổi quy định là miễn thuế TTĐB cho phần giá trị trong nước, áp dụng đối với sản phẩm ô tô có thể sẽ vi phạm cam kết của WTO.

Chính vì thế, Bộ Tài chính ghi nhận ý kiến của của Tập đoàn Thành Công và Bộ Công Thương, đồng thời hứa sẽ phối hợp với các bộ, ngành liên quan có nghiên cứu và báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.

Về miễn giảm thuế nhập khẩu nguyên, vật liệu cho các nhà máy sản xuất linh kiện ô tô tại Việt Nam, Bộ Tài chính cho rằng, các chế độ ưu đãi thuế quan và việc miễn giảm cho các doanh nghiệp sản xuất và sản phẩm đã có trong các quy định của pháp luật. Ví như Nghị định 118/2015/NĐ-CP quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Đầu tư, có phần nêu rõ, ngành nghề sản xuất công nghiệp hỗ trợ ô tô thuộc ngành nghề ưu đãi đặc biệt về đầu tư, theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ.

Bộ cho biết rõ, Trong Khoản 11, Điều 16. Luật Thuế xuất khẩu và thuế nhập khẩu số 107/2016/QH13, các dự án đầu tư vào ngành nghề sản xuất sản phẩm công nghiệp hỗ trợ còn được miễn thuế nhập khẩu trong 5 năm, kể từ khi bắt đầu sản xuất hoặc nhập khẩu để sản xuất.

Hơn nữa, Bộ Tài chính cho biết, trong giai đoạn 2018 - 2025, 10 Hiệp định thương mại tự do song và đa phương (FTA) mà Việt Nam ký kết, bước vào giai đoạn cắt giảm thuế nhập khẩu mạnh (cơ bản về 0%), trong đó mức thuế suất về 0% đối với linh kiện ô tô sẽ áp dụng ở ATIGA (Việt Nam - ASEAN), ACFTA (Việt Nam, các nước ASEAN và Trung Quốc).

Bên cạnh đó, thẩm quyền quy định mức thuế suất thuế nhập khẩu thuộc Chính phủ nên Bộ Tài chính đã đề nghị Thành Công cung cấp chi tiết danh mục các nguyên, vật liệu trong nước chưa sản xuất được nhập khẩu để sản xuất linh kiện, đồng thời hứa phối hợp với các bộ liên quan, báo cáo Chính phủ xem xét quyết định trong thời gian tới.

Trước đó, trong dự thảo sửa đổi các luật thuế, ý kiến của Bộ Tài chính là phản bác thẳng thừng đề nghị sửa đổi quy định giá tính thuế TTĐB đối với giá trị trong nước của sản phẩm ô tô.

Bởi cho rằng, việc đề xuất ưu đãi thuế TTĐB với phần giá trị trong nước của sản phẩm ô tô của Bộ Công Thương, một số doanh nghiệp trong nước chưa phù hợp với các Quy tắc đối xử quốc gia (NT) nêu tại Điều III, Hiệp định chung về thuế quan và thương mại - GATT.

Liên quan tới vấn đề này, tháng 2 vừa qua, Bộ Công Thương lại vừa có văn bản gửi Bộ Tài chính đề xuất một số giải pháp phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam. Trong đó đưa ra một loạt các đề nghị ưu ái cho doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô trong nước, kiểm soát tình trạng nhập siêu…

Bộ Công Thương cũng cho rằng, đề xuất một số giải pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp ô tô Việt Nam của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công mới đây là có cơ sở.

Do vậy, Bộ Công Thương đề nghị Bộ Tài chính trong quá trình xây dựng Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp, Luật Thuế thu nhập cá nhân và Luật Thuế tài nguyên, nghiên cứu sửa đổi, bổ sung một số nội dung như đề xuất của Công ty cổ phần Tập đoàn Thành Công.

Cụ thể như miễn thuế tiêu thụ đặc biệt cho phần giá trị sản xuất trong nước áp dụng đối với sản phẩm ô tô. Điều này giúp giảm giá xe “made in Việt Nam”, khuyến khích các hãng xe nâng cao hàm lượng giá trị gia tăng được sản xuất trong nước.

Đồng thời đề xuất miễn thuế nhập nguyên, vật liệu cho các nhà sản xuất linh kiện đầu tư tại Việt Nam cùng với cam kết của doanh nghiệp về đầu tư dài hạn, sản lượng và sử dụng nhân lực, chuyển giao công nghệ. Bộ này cũng kiến nghị việc áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế thời hạn 8 tháng thay vì 30 ngày như hiện hành.

Tập đoàn Thành Công kiến nghị áp dụng bảo lãnh thanh toán thuế thời hạn 8 tháng thay vì 30 ngày như hiện nay, tuy nhiên Bộ Tài chính đã viện dẫn quy định tại Khoản 1 Điều 9 Luật thuế xuất khẩu, nhập khẩu và Khoản 11, Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Quản lý thuế số 21/2012/QH13 và cho rằng thời hạn bảo lãnh tối đa là 30 ngày làm việc kể từ ngày đăng ký tờ khai hải quan. Kiến nghị của Thành Công thuộc thẩm quyền quyết định cùa Quốc hội. Do đó Bộ Tài chính đề nghị Thành Công thực hiện theo đúng quy định hiện hành.
(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Xe “made in Việt Nam” có thể được giảm thuế?
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO