Việc Văn phòng Chính phủ đồng ý cho Quảng Ninh mở rộng xe tự lái từ TP Đông Hưng - Trung Quốc đến TP Hạ Long (Quảng Ninh) hứa hẹn du khách Trung Quốc đến Việt Nam sẽ tăng mạnh trong năm 2018. Tuy nhiên, chiến lược nào để khách Trung Quốc “rút hầu bao” tại Việt Nam cao như các thị trường khác ?
Theo báo cáo của Sở Du lịch tỉnh Quảng Ninh, năm 2017, llượng khách quốc tế đến tỉnh này đạt 4,28 triệu lượt, trong đó khách Trung Quốc chiếm đại đa số, tăng 23% cùng kỳ.
Lượng “khủng” nhưng chất còn ít
Nhìn rộng ra trên toàn quốc, lượng khách du lịch quốc tế đến Việt Nam tăng cao kỷ lục và đạt 12,9 triệu lượt trong năm 2017, trong đó, khách Trung Quốc có tỷ lệ lớn nhất, với trên 4 triệu lượt, chiếm 30%. Nói cách khác, cứ 10 khách đến Việt Nam năm qua thì có 3 người từ Trung Quốc.
Khách du lịch đến từ Trung Quốc đã tăng rất nhanh chỉ sau 1 năm. Nếu như năm 2016, Việt Nam đón 2,7 triệu lượt khách Trung Quốc thì năm 2017 đã tăng gấp rưỡi (48,6%). Riêng trong tháng 12/2017, Việt Nam đã đón 414.000 khách Trung Quốc, tăng gần gấp đôi tháng 12/2016.
Theo ông Nguyễn Thế Huế, Phó Chủ tịch, Tổng thư ký Hiệp hội du lịch Quảng Ninh: Điều Quảng Ninh cần làm là phải chuẩn bị sẵn sàng một chiến lược, một kế hoạch hành động để đón thị trường Trung Quốc. Cần phải làm tất cả để cho khách du lịch Trung Quốc có thể chi trả thật nhiều khi đi du lịch Việt Nam, chứ không phải chỉ khoảng 790 USD cho cả chuyến đi, chỉ bằng 40% so với mức chi tiêu trung bình của họ trên thế giới.
Trông người, ngẫm ta
“Hãy học Nhật Bản, họ có cả một nghiên cứu về hành vi tiêu dùng của khách du lịch Trung Quốc để doanh thu du lịch của khách Trung Quốc chiếm 40% tổng doanh thu du lịch; mỗi khách Trung Quốc tiêu trung bình 2.750 USD, cao hơn rất nhiều so với mức chi tiêu trung bình của khách du lịch khác tới Nhật Bản” - ông Huế gợi ý và dẫn chứng thêm: “Hàng xóm của chúng ta - Thái Lan, đã khiến mỗi du khách Trung Quốc tiêu đến 1.300 USD/ chuyến đi”.
Thực tế, ở các siêu thị Nhật Bản, người ta dễ thấy rất nhiều khách du lịch Trung Quốc kéo theo va li chứa đầy các đồ dùng của Nhật như mỹ phẩm, sữa Meiji, hay các đồ điện tử... Thậm chí, ở các sân bay, nồi cơm điện hay sôcôla tươi Nhật Bản được bày sẵn để bán.
Nhìn về Quảng Ninh, bên cạnh nhiều lợi thế như kỳ quan thế giới vịnh Hạ Long và các di tích, danh lam thắng cảnh, Quảng Ninh có những sản vật OCOP đặc sắc (OCOP là mô hình “Mỗi xã, phường một sản phẩm”, được học tập từ phong trào “Mỗi làng một sản phẩm của của Nhật Bản”). “Nếu chúng ta có chiến lược hiệu quả, chắc chắn những sản vật OCOP cũng sẽ lấp đầy vali và du khách Trung Quốc” - ông Huế nhìn nhận.
Ở góc độ một doanh nghiệp làm du lịch, bà Lý Lan Hương, Giám đốc khách sạn Riverside cho rằng, để du khách Trung Quốc có thể hiểu rõ hơn về văn hóa cảnh đẹp và những dịch vụ tại Quảng Ninh, đặc biệt là các sản vật OCOP, bên cạnh lực lượng hướng dẫn viên, đối với khách sạn, bên cạnh hướng dẫn tiếng Anh, cũng nên để sẵn những hướng dẫn bằng tiếng Trung Quốc. “Cách này cũng nên làm ở khu vực công cộng, các nhà hàng và quầy bar...” - bà Hương đề xuất.
"Tôi nghĩ những điều này sẽ làm cho khách lưu trú Trung Quốc có thông tin dễ dàng hơn và sử dụng dịch vụ chi trả nhiều hơn. Tuy nhiên, bên cạnh các giải pháp này, các nhà quản lý không quên công cụ quản lý giảm sát, đảm bảo an ninh trật tự, văn hóa, môi trường... đối với những vị khách vốn nổi tiếng “ồn ào” này” - bà Hương nhấn mạnh.