Bộ KH&ĐT đang tham mưu cho Chính phủ đưa dự án cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng vào danh mục các dự án trọng điểm quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020 – 2025.
Bộ KH&ĐT vừa đồng ý với phương án do tỉnh Lạng Sơn đề xuất là triển khai dự án đến Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị với quy mô và tổng mức đầu tư hơn 7.600 tỷ đồng. Bộ đang tham mưu với Chính phủ đưa dự án này vào danh mục các dự án trọng điểm quốc gia trong kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2020-2025 để hỗ trợ tỉnh thực hiện dự án.
Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng đề nghị tỉnh Lạng Sơn xây dựng phương án thực hiện dự án này bảo đảm tối ưu nhất, có lợi nhất, ngân sách của tỉnh cũng như nhà đầu tư bỏ ra ít nhất, hỗ trợ của Nhà nước cũng ít nhất nhưng vẫn đạt mục tiêu thông tuyến từ Chi Lăng lên Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị.
Bởi nếu không thực hiện dự án này, đường cao tốc từ Hà Nội lên Lạng Sơn đang bị ngắt quãng tại Chi Lăng, thành đường cụt. Việc nối đường cao tốc lên Cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị còn mở ra cho tỉnh Cao Bằng thực hiện tuyến cao tốc Đồng Đăng-Trà Lĩnh. Vì vậy, dự án Hữu Nghị-Chi Lăng mang nhiều ý nghĩa.
Nhà đầu tư tuyến cao tốc Chi Lăng - Hữu Nghị cũng cam kết góp đủ phần vốn chủ sở hữu và vay ngân hàng để dự án thực hiện đúng tiến độ. Theo đó, đảm bảo không để dự án bị sự cố chậm giải ngân như cao tốc Trung Lương - Mỹ Thuận hay Bắc Giang - Lạng Sơn.
Trước đó, ông Hồ Tiến Thiệu, Phó chủ tịch UBND tỉnh Lạng Sơn cho biết, tỉnh đã tiếp thu ý kiến các bộ ngành để bổ sung phương án phân kỳ đầu tư dự án Chi Lăng - Hữu Nghị. Cụ thể, UBND tỉnh Lạng Sơn sẽ thực hiện giải phóng mặt bằng và đầu tư nền đường, công trình trên tuyến theo quy mô 4 làn xe hoàn chỉnh với bề rộng nền đường 22m; mặt đường phân kỳ đầu tư thành 2 đoạn.
Trong đó, đoạn từ Km44+750 (Chi Lăng) - Km17+420 (nút giao với Quốc lộ 4B thuộc thành phố Lạng Sơn), dài 27,3km, quy mô xây dựng 4 làn xe, bề rộng mặt đường 16 m; đoạn từ Km17+420 (thành phố Lạng Sơn) - Km1+800 (cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị), dài 15,7km, quy mô xây dựng 2 làn xe, bề rộng mặt đường 12,5m.
Với phương án phân kỳ như trên, tổng mức đầu tư Dự án còn khoảng 7.609 tỷ đồng, trong đó vốn chủ sở hữu của nhà đầu tư BOT là 1.609 tỷ đồng; vốn vay ngân hàng thương mại là 2.000 tỷ đồng; vốn ngân sách địa phương là 1.000 tỷ đồng; vốn ngân sách trung ương là 3.000 tỷ đồng. Thời gian thu phí hoàn vốn cho Dự án dự kiến khoảng 19 năm 5 tháng.
Liên quan đến phương án phân kỳ đầu tư Dự án, Bộ trưởng đề nghị lãnh đạo tỉnh Lạng Sơn cần lựa chọn phương án tối ưu nhất, để làm sao tỉnh bỏ vốn ít nhất, nhà đầu tư bỏ vốn ít nhất, nhà nước hỗ trợ ít nhất nhưng vẫn đạt được mục tiêu của dự án.
Hiện nay đoạn cao tốc Hà Nội - Bắc Giang đã khai thác từ đầu năm 2016, đoạn tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn (Chi Lăng) cũng đã đưa vào vận hành từ ngày 15/1/2020, chính thức thu phí từ ngày 18/2/2020, nhưng còn 30km nữa mới đến thành phố Lạng Sơn, cách cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị 43km (thuộc phạm vi đoạn tuyến cao tốc Hữu Nghị - Chi Lăng). Việc bị “đứt gẫy” nguyên một cung đường như vậy sẽ làm ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả đầu tư của tuyến cao tốc Bắc Giang - Lạng Sơn và chưa có cơ sở để kết nối và triển khai tuyến cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).
Có thể bạn quan tâm
06:00, 21/06/2020
05:10, 16/06/2020
11:00, 03/06/2020
11:00, 27/11/2019
11:00, 01/10/2019