Những năm qua, gần 400 dự án treo tại Hà Nội liên tục được “chỉ mặt điểm tên”, thậm chí nhiều dự án có kết quả thanh tra, đề xuất thu hồi nhưng đến nay việc xử lý vẫn dậm chân tại chỗ.
Mới đây, qua thực tế giám sát của HĐND TP.Hà Nội, đến thời điểm tháng 4/2021 vẫn có gần 400 dự án sử dụng đất chậm triển khai theo kế hoạch được phê duyệt.
Trong khi đó, số lượng thống kê của UBND TP Hà Nội những năm 2018, 2019, 2020, cũng ghi nhận con số dự án “treo” tương tự. Ngay từ năm 2019, TP Hà Nội đã hoàn thành công tác thanh tra, kiểm tra 383 dự án, 161 dự án (theo báo cáo của Sở TN&MT) chậm triển khai, trình HĐND thành phố xem xét điều chỉnh nâng mức xử phạt.
Đến năm 2020, trong tổng danh mục 383 dự án có sử dụng đất chậm tiến độ trên địa bàn thành phố, đến nay mới chấm dứt hoạt động 30 dự án, đang thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động của 5 dự án.
Theo các chuyên gia, Luật Đất đai từ năm 1993, 2003, 2013 đều quy định, nếu dự án quá 1 năm không sử dụng đất hoặc chậm tiến độ quá 24 tháng theo tiến độ được duyệt thì sẽ bị thu hồi. Song, không ít các dự án chậm triển khai kéo dài hàng chục năm vẫn không bị thu hồi bởi còn vướng nhiều cơ chế.
Tất cả các dự án bỏ hoang trên đều có điểm chung là kéo dài do điều chỉnh quy hoạch, điều chỉnh địa giới hành chính. Dựa vào việc điều chỉnh này, chủ đầu tư cũng kéo dài thời gian làm thủ tục khiến cơ quan chức năng khó xử lý.
Ngoài ra, theo đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội, nhiều chủ đầu tư chỉ xây dựng một phần nhỏ hoặc chỉ san nền, quây tôn rồi bỏ đấy. Có chủ đầu tư chờ hết thời hạn theo Luật Đất đai rồi chuyển nhượng cho một nhà đầu tư khác, sau đó dự án lại tiếp tục nằm im.
“Quy định cho phép chủ đầu tư 24 tháng để thanh lý tài sản trên đất hoặc bán cho nhà đầu tư khác. Tuy nhiên, cái khó ở đây là Luật không hướng dẫn có được triển khai tiếp không hay lập dự án mới”, đại diện Sở KH&ĐT Hà Nội cho hay.
Theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Giảng viên Cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội, Thành viên Ban Pháp chế (Hiệp hội BĐS Việt Nam), phương pháp hữu hiệu nhất là kiên quyết thu hồi, không phê duyệt điều chỉnh theo nguyện vọng của chủ đầu tư. Việc thu hồi các dự án chậm tiến độ theo quy định của pháp luật cần công khai, minh bạch.
Bà Nhung đề xuất, trong nội dung sửa đổi Luật Đất đai năm 2013, Ban soạn thảo cần nghiên cứu bổ sung chế tài đối với hành vi: “nếu gây thiệt hại cho người dân khi chậm triển khai quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất thì phải bồi thường cho người sử dụng đất”.
Đối với các quy hoạch và các dự án đang “bị treo”, Bộ Xây dựng cần tăng cường kiểm tra, rà soát để kịp thời phát hiện, xử lý các vi phạm với một hạn định rõ ràng, tránh việc chỉ đạo xong rồi để đấy.
Đồng quan điểm, GS. TSKH. Đặng Hùng Võ - nguyên Thứ trưởng Bộ TN&MT cho rằng, đã đến lúc, các cơ quan phải đưa ra chiến lược phát triển, quy hoạch tổng thể từng khu vực. Các dự án thu hồi để tiếp tục triển khai thì cần đấu thầu, đấu giá chặt chẽ, minh bạch để lựa chọn được chủ đầu tư đủ năng lực, nếu không dự án “treo” lại tái diễn.
“Tốt nhất nên có chế tài xử phạt thật nặng đối với chủ đầu tư om đất, chậm một năm phạt 25% tiền sử dụng đất. Nếu như vậy, chủ đầu tư tự khắc sẽ phải có cách giải quyết đối với dự án” – GS Đặng Hùng Võ bày tỏ quan điểm.
Có thể bạn quan tâm
"Chìa khóa" xóa dự án treo
11:00, 19/06/2021
BẤT ĐỘNG SẢN CUỐI TUẦN: "Dự án treo” vẫn là căn bệnh mãn tính
05:14, 21/03/2021
Bắt buộc thu hồi dự án treo
10:32, 09/11/2020
BẤT ĐỘNG SẢN TUẦN TỪ 25/10-01/11: Sẽ thanh tra các dự án treo
06:00, 01/11/2020
Bộ TN&MT lên kế hoạch thanh tra việc sử dụng đất tại các "dự án treo"
06:34, 31/10/2020