Chủ sử dụng huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá thời gian quy định có thể bị xử phạt hành chính lên tới 75 triệu đồng, thậm chí còn bị đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng.
Đây là một trong những nội dung được đưa ra trong dự thảo Nghị định xử phạt vi phạm hành chính về lao động, bảo hiểm xã hội, đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng mà Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đang lấy ý kiến đến hết ngày 16/5.
Đảm bảo thời gian nghỉ ngơi cho người lao động
Theo đề xuất của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, chủ sử dụng có hành vi huy động người lao động làm thêm giờ vượt quá số giờ quy định (200 giờ/năm và 300 giờ/năm trong trường hợp đặc biệt) hoặc quá 12 giờ trong 1 ngày khi làm thêm vào ngày nghỉ lễ, Tết và ngày nghỉ hàng tuần sẽ bị xử phạt hành chính từ 5 - 75 triệu đồng tùy thuộc vào số lượng người lao động vi phạm.
Đặc biệt, đối với những chủ sử dụng huy động từ 101 người lao động trở lên làm thêm quá thời gian quy định, ngoài xử phạt hành chính còn bị đình chỉ hoạt động từ 1-3 tháng.
Trường hợp giờ làm việc bình thường quá số giờ quy định hoặc huy động làm thêm giờ không được sự đồng ý của người lao động, chủ sử dụng lao động có thể bị phạt tiền từ 20 - 25 triệu đồng.
Ngoài ra, dự thảo cũng quy định chủ sử dụng nếu không bảo đảm cho người lao động nghỉ trong giờ làm việc, nghỉ chuyển ca, nghỉ về việc riêng, nghỉ không hưởng lương đúng quy định… thì bị xử phạt từ 2 - 5 triệu đồng.
Hành vi vi phạm quy định về nghỉ hàng tuần, nghỉ hàng năm, nghỉ lễ, Tết cũng bị phạt tiền từ 500.000 đồng đến 15 triệu đồng.
Xử phạt sử dụng "chui" lao động người nước ngoài
Theo dự thảo, người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam có một trong các hành vi sau đây sẽ bị trục xuất: 1- Làm việc nhưng không có giấy phép lao động theo quy định của pháp luật, trừ trường hợp không thuộc diện cấp giấy phép lao động; 2- Sử dụng giấy phép lao động đã hết hạn.
Phạt tiền từ 5 – 10 triệu đồng đối với người sử dụng lao động không thông báo tình hình sử dụng lao động là người nước ngoài cho cơ quan quản lý nhà nước về lao động hoặc báo cáo nhưng chưa đảm bảo những nội dung, thời hạn theo quy định của pháp luật.
Phạt tiền người sử dụng lao động sử dụng lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam mà không có giấy phép lao động hoặc không có giấy xác nhận không thuộc diện cấp giấy phép lao động hoặc sử dụng người lao động nước ngoài có giấy phép lao động đã hết hạn theo một trong các mức sau đây: Từ 30 – 45 triệu đồng với vi phạm từ 1 người đến 10 người; từ 45 – 60 triệu đồng với vi phạm từ 11 người đến 20 người; từ 60 – 75 triệu đồng với vi phạm từ 21 người trở lên. Ngoài ra, dự thảo còn đề xuất hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động từ 1 - 3 tháng đối với người sử dụng lao động có hành vi vi phạm này.
Người sử dụng lao động có hành vi làm giả, làm sai lệch nội dung hồ sơ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp để trục lợi chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp mà chưa đến mức truy cứu trách nhiệm hình sự đối với mỗi hồ sơ hưởng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp làm giả, làm sai lệch nội dung bị phạt từ 5 – 10 triệu đồng.