Xu hướng kinh tế toàn cầu có thể xấu đi trong năm 2019 nhưng Việt Nam lại là nước được hưởng lợi từ những biến động này, nhất là trong hoạt động xuất khẩu.
Cuộc chiến tranh thương mại Mỹ- Trung trong năm 2018 đã tác động tiêu cực đến kinh tế toàn cầu, nhưng đã đem lại một số cơ hội cho Việt Nam, như xuất khẩu và FDI tăng mạnh.
Lợi thế trong xuất khẩu
Năm 2019 kéo theo được những lợi ích từ năm 2018, điều này thể hiện ở 2 điểm. Thứ nhất, hiện nay vẫn chưa biết cuộc đàm phán thương mại Mỹ- Trung Quốc sẽ diễn biến theo chiều hướng nào, nhưng có một điểm đáng chú ý là Trung Quốc cởi mở thị trường hơn so với trước đây. Điều này có thể làm tăng xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc ở nhiều góc độ. Nếu xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc tăng có thể sẽ góp phần giúp Việt Nam đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng nông sản của Việt Nam. Trong bối cảnh này, xuất khẩu nông sản sẽ tích cực hơn, góp phần giúp hoạt động xuất khẩu của Việt Nam tiếp tục "thăng hoa" trong năm 2019.
Có thể bạn quan tâm
05:45, 28/12/2018
06:25, 21/12/2018
11:07, 05/09/2018
Với những mối quan hệ khác cũng đang có một số chuyển biến tích cực hơn cho Việt Nam, như chính sách hướng Nam của Hàn Quốc, Đài Loan... Họ lấy ASEAN làm điểm đến để đầu tư, trong đó có Việt Nam. Điều này sẽ mang lại nhiều cơ hội cho Việt Nam về đầu tư và thương mại trong năm 2019.
Thứ hai, Mỹ đang cố gắng thắt chặt chính sách kinh tế đối ngoại, cho nên các nước, như Nhật Bản, Hàn Quốc... bắt buộc phải nhìn nhận lại ASEAN. Đây có thể là những cơ hội tốt cho Việt Nam, thông qua kênh đầu tư nước ngoài và thương mại với các quốc gia này.
Nhìn chung, dự báo kinh tế thế giới có giảm nhưng không quá nhiều và không có những cú sốc quá lớn trong năm 2019. Do đó, tác động của kinh tế thế giới đến kinh tế Việt Nam không quá lớn.
Xác định trọng tâm với câu chuyện trong nước
Đối với Việt Nam, trong năm 2019 cần xác định 2 trọng tâm. Thứ nhất, đánh giá và xem xét cổ phần hóa DNNN, xây dựng lại chiến lược cổ phần hóa đến đâu, cổ phần hóa như thế nào để thực hiện một cách rốt ráo. Tái cơ cấu DNNN, trong đó câu chuyện cổ phần hóa đến nay không được đánh giá là thành công, từ kết quả, con số đến tình hình triển khai vẫn chưa có sự đột phá. Bởi vậy trong năm 2019, Việt Nam cần đẩy mạnh và nâng cao hiệu quả của công cuộc cổ phần hóa DNNN. Bởi vì tín hiệu cổ phần hóa sẽ kéo theo các tín hiệu khác, với nhà đầu tư nước ngoài, họ nhìn vào cổ phần hóa để xem cải cách của Việt Nam đến đâu để có chiến lược đầu tư ở Việt Nam.
Đặc biệt, cổ phần hóa DNNN cũng cần phải được thực hiện như thế nào để giữ lại được các doanh nghiệp hoạt động hiệu quả và biến các doanh nghiệp này thành thương hiệu của Việt Nam, có sức cạnh tranh không chỉ ở trong nước mà vươn ra toàn cầu. Cổ phần hóa DNNN, nếu không có hiệu quả, sẽ “xé nhỏ” các doanh nghiệp, làm yếu sức cạnh tranh của doanh nghiệp.
Thứ hai, cần rút kinh nghiệm những năm trước đây, cứ khi chỉ số lạm phát thấp thì các cơ quan quản lý Nhà nước lại tranh thủ nâng phí dịch vụ mà Nhà nước cung cấp. Điều này khiến người dân không được hưởng lợi nhiều, đặc biệt những người có thu nhập thấp.