Hôm nay, Quốc hội chất vấn đại diện ngành y về những vấn đề nóng của ngành này nhưng những "vấp ngã" của cán bộ ngành y thời gian qua được cho là những bài học nhãn tiền cần xem xét…
Mặc dù đã đề lại những hình ảnh đẹp trong suốt 2 năm qua với những cống hiến “thầm lặng” trong công tác phòng, chống dịch COVID-19, thế nhưng, ngành y vẫn để lại một vài hình ảnh khiến dư luận vô cùng quan ngại, khi chính các y, bác sĩ đầu ngành lại “dính chàm” bởi hàng loạt tiêu cực.
Dù “ghi điểm” với cộng đồng bằng tâm huyết chuyên môn, bằng sự hy sinh thầm lặng, thế những, phía sau những hy sinh đã được cả cộng đồng ghi nhận, hình ảnh ngành y vẫn để lại một vài “vết gợn”.
Chưa bao giờ ngành này lại vướng phải nhiều lao lý đến vậy, từ phát ngôn của một lãnh đạo đầu ngành, “Tôi suốt đời hành nghề trong sự vô tư và thân thiết”… Thế nhưng, trước sức mạnh của đồng tiền lăn tròn trên y đức, người đứng trước các sai phạm của vụ án nâng giá thiết bị y tế “xã hội hóa” để ăn trên đầu bệnh nhân, rút ruột bảo hiểm y tế xảy ra ở Bệnh viện Bạch Mai lại là Giám đốc Bệnh viện Nguyễn Quốc Anh – Một PGS.TS, từng được phong Anh hùng Lao động, là Thầy thuốc nhân dân.
Chưa kể, ông Nguyễn Quang Tuấn, đương kim giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cũng vừa bị khởi tố để điều tra, làm rõ trách nhiệm liên quan sai phạm về “thổi giá” thiết bị y tế xảy ra tại Bệnh viện Tim Hà Nội - nơi trước đó ông Tuấn làm Giám đốc.
Hay như trước đó, khi dịch COVID-19 bắt đầu bùng phát ở nước ta hồi tháng 04/2020, PGS-TS Nguyễn Nhật Cảm - Giám đốc Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Hà Nội, đứng trước vành móng ngựa vì nâng giá mua máy xét nghiệm PCR.
Và mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra - Bộ Công an cũng đang thụ lý điều tra vụ án về “Vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng” xảy ra tại Bệnh viện TP. Thủ Đức, TP. Hồ Chí Minh đã gióng lên những hồi chuông cảnh tỉnh đối với các vi phạm của ngành y.
Từ những thực trạng đã nêu, theo Đại biểu Quốc hội (ĐBQH) - Nguyễn Công Long chia sẻ, một bác sĩ được cất nhắc làm quản lý, lãnh đạo một bệnh viện hội tụ nhiều yếu tố: phẩm chất chính trị, đạo đức nghề nghiệp, uy tín cá nhân và đặc biệt là năng lực chuyên môn. Với chức trách, nhiệm vụ quản lý, điều hành một bệnh viện công, ngoài vấn đề chịu trách nhiệm cao nhất về chuyên môn, giám đốc bệnh viện phải chịu trách nhiệm điều hành toàn bộ hoạt động khác về hành chính, cơ sở vật chất…
Phải chăng cơ chế quản lý chưa phù hợp, thiếu sự phân định trách nhiệm, tổ chức thực hiện giữa các nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi chuyên môn khác nhau là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công trong thời gian qua?
Trong khi đó, tham chiếu vị Giám đốc bệnh viện công lập thì không chỉ bảo đảm sinh mạng cho từng bệnh nhân, không chỉ trực tiếp cầm dao mổ ở những ca phẫu thuật phức tạp nhất mà còn phải chịu trách nhiệm cả những việc từ gửi xe, xử lý rác, mua sắm sinh phẩm, vật tư y tế, chịu trách nhiệm trong việc đấu thầu các thiết bị y tế…
"Với những yêu cầu đặt ra đó, chỉ những bác sĩ có kỹ năng đặc biệt, với trình độ đặc biệt mới đảm đương được toàn mỹ những nhiệm vụ đặt ra cho họ", ông Long chia sẻ.
Ngoài thực trạng đã nêu, dẫn chứng mô hình y tế một số nước, các chuyên gia cho rằng, các bác sĩ dù giữ cương vị quản lý cũng chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi chuyên môn của mình. Họ có quyền đưa ra yêu cầu về thuốc, trang thiết bị, vật tư y tế cần thiết trong việc bảo đảm hoàn thành nhiệm vụ chữa bệnh, phòng bệnh còn nhiệm vụ cung ứng, đấu thầu, mua sắm do hội đồng chuyên trách khác đảm nhiệm.
Tuy nhiên, thực tế hiện nay, cơ chế quản lý chưa phù hợp, thiếu sự phân định trách nhiệm, tổ chức thực hiện giữa các nhiệm vụ hoàn toàn khác nhau, đòi hỏi chuyên môn khác nhau là một trong những nguyên nhân dẫn đến sai phạm của cán bộ quản lý bệnh viện công trong thời gian qua.
Từ đó, theo một số chuyên gia đề xuất, cùng với việc xử lý nghiêm các sai phạm, cần khẩn trương hoàn thiện hành lang pháp lý cho công tác quản lý, điều hành hệ thống y tế, nhất là điều hành hệ thống bệnh viện công. Khi phương án này không chỉ nâng cao năng lực ngành y tế, mà còn ngăn ngừa hiệu quả những hành vi vi phạm tiêu cực trong nền kinh tế.
Thực tế, liên quan đến hàng loạt sai phạm, tiêu cực trong ngành y thời gian qua, nếu không có những cơ chế giám sát nghiêm ngặt thời gian qua, cũng khó thể nào phát hiện dù đây là ngành vô cùng “nhạy cảm” khi hàng năm có vô vàn gói đấu thầu liên quan đến thuốc và trang thiết bị phục công tác khám – chữa bệnh, chưa kể, hàng loạt dược phẩm, thực phẩm chức năng, thực phẩm bảo vệ sức khỏe được đưa ra để xin cấp phép thường niên.
Vì vậy, từ những vụ việc “nhãn tiền” thì đây được cho là bài học của ngành y để có thể tự soi xét và tự chuyển mình trong thời gian tới.
Có thể bạn quan tâm
12:37, 09/11/2021
05:00, 09/11/2021
17:47, 08/11/2021
11:00, 08/11/2021
07:06, 08/11/2021
04:00, 08/11/2021
03:00, 07/11/2021