Nguồn cung mở rộng, tỷ lệ lấp đầy cao, giá thuê ổn định và dòng vốn FDI tăng mạnh đang giúp bất động sản công nghiệp trở thành điểm sáng trong chu kỳ phát triển mới.
Chiều ngày 15/7, Viện Nghiên cứu Đánh giá thị trường Bất động sản Việt Nam (VARS IRE) tổ chức buổi Họp báo công bố báo cáo thị trường Q2 & 6T/2025 với chủ đề “ Đọc vị thị trường” nhằm cung cấp bức tranh toàn diện về thị trường trong Q2 & 6T/2025, đồng thời đưa ra những dự báo cho giai đoạn tiếp theo.
Phát biểu khai mạc, TS Nguyễn Văn Đính, Viện trưởng VARS IRE, Chủ tịch Hội Môi giới bất động sản Việt Nam (VARS) cho biết, thị trường bất động sản Việt Nam đã bứt đầu chu kỳ mới với nhiều kết quả khả quan. Nguồn cung và lượng giao dịch được phục hồi trên diện rộng, số lượng doanh nghiệp bất động sản thành lập mới và quay trở lại thị trường tăng mạnh. Tuy nhiên, đây là quỹ đạo hoàn toàn mới, với nhiều đặc điểm chưa từng có tiền lệ, đòi hỏi tất cả các chủ thể tham gia thị trường phải duy trì trạng thái sẵn sàng và khả năng thích ứng linh hoạt trước mọi diễn biến có thể xảy ra.
Tại buổi Họp báo, các chuyên gia đã nhấn mạnh, phân khúc công nghiệp tiếp tục là điểm sáng của thị trường, nổi bật cả về nguồn cung, tốc độ phát triển và tiềm năng thu hút dòng vốn đầu tư.
Trình bày kết quả nghiên cứu thị trường bất động sản Việt Nam Q2 & 6T/2025 - Diễn tiến các phân khúc & Dự Báo Nguồn cung bất động sản nhà ở, bà Phạm Thị Miền, Phó Ban Nghiên cứu thị trường & Tư vấn xúc tiến đầu tư VARS và ông Lê Đình Chung, Thành viên Tổ Công tác Nghiên cứu thị trường VARS đánh giá, bất động sản công nghiệp đang bước vào giai đoạn cao trào mới với tốc độ tăng trưởng ấn tượng cả về cung lẫn cầu.
Theo đó, nhu cầu thuê đất, nhà xưởng và kho bãi tại các khu công nghiệp (KCN) tiếp tục tăng mạnh, trong khi các doanh nghiệp trong nước cũng đẩy nhanh quá trình mở rộng quỹ đất nhằm đón đầu dòng vốn đầu tư. Việt Nam tiếp tục là điểm đến hấp dẫn của các nhà đầu tư nước ngoài, nhờ kỳ vọng vào hạ tầng kết nối đang được đẩy mạnh, thủ tục hành chính ngày càng thông thoáng và không gian phát triển được mở rộng sau chủ trương sáp nhập tỉnh, thành.
Đáng chú ý, Nghị quyết 68 cùng với việc tinh gọn bộ máy hành chính và tái cấu trúc địa giới hành chính đang tạo ra cú hích lớn cho bất động sản công nghiệp. Những chính sách này không chỉ mở rộng dư địa phát triển mà còn tạo điều kiện thuận lợi cho khối doanh nghiệp tư nhân, hướng tới mục tiêu thu hút có chọn lọc, ưu tiên các dự án công nghệ cao, thân thiện với môi trường, mang lại giá trị gia tăng cho nền kinh tế.
Bên cạnh đó, các mô hình KCN thế hệ mới đang dần chuyển dịch theo hướng tích hợp đa tầng, bao gồm hạ tầng thông minh, hệ sinh thái phụ trợ và các tiện ích đa chức năng. Xu hướng phát triển này đặc biệt chú trọng đến yếu tố bền vững, nhằm nâng cao năng lực cạnh tranh trong bối cảnh chi phí thuê đất tại Việt Nam không còn quá vượt trội so với các quốc gia trong khu vực. Đây cũng là cách để các chủ đầu tư tận dụng hiệu quả hơn những ưu đãi từ chính sách mới.
Mặc dù một số thông tin về khả năng áp thuế đối ứng từ thị trường quốc tế đã khiến giới đầu tư tỏ ra thận trọng, song trong 6 tháng đầu năm 2025, thị trường bất động sản công nghiệp vẫn duy trì sự ổn định và chưa ghi nhận tác động đáng kể nào từ các yếu tố bên ngoài này.
Theo nghiên cứu của VARS, tính đến nay, cả nước có 465 KCN được thành lập, trong đó 305 KCN đã đi vào hoạt động. Các “ông lớn” tiếp tục cuộc đua mở rộng đất công nghiệp. Chỉ riêng quý 1/2025, cả nước ghi nhận thêm 15 dự án đầu tư hạ tầng KCN được Chính phủ phê duyệt hoặc điều chỉnh chủ trương đầu tư, với tổng diện tích lên đến 4.930 ha, gấp gần 3 lần so với cùng kỳ năm 2024 và bằng 54% tổng diện tích của cả năm ngoái.
Đáng chú ý, miền Bắc tiếp tục giữ vai trò trung tâm trong cuộc đua phát triển KCN khi chiếm tới 60% số lượng dự án và 52% tổng diện tích KCN được thành lập trong quý 1/2025. Trong khi đó, các KCN thành lập mới tại miền Nam lại cho thấy xu hướng quy mô lớn, với diện tích trung bình đạt 393 ha, cao hơn khoảng 38% so với các KCN mới ở miền Bắc.
Kết quả nghiên cứu cũng cho thấy, nhu cầu thuê đất và nhà xưởng công nghiệp vẫn đang duy trì ở mức cao, được thúc đẩy bởi dòng vốn FDI vào các lĩnh vực công nghệ cao như bán dẫn, AI, logistics… Ngoài ra, xu hướng dịch chuyển chuỗi cung ứng ra khỏi Trung Quốc (vốn là chiến lược dài hạn của các tập đoàn đa quốc gia) tiếp tục mang lại lợi thế cho Việt Nam nhờ vị trí địa lý thuận lợi, chi phí nhân công cạnh tranh, hạ tầng giao thông đang được nâng cấp và môi trường chính trị ổn định. Cùng với đó, nhu cầu thuê đang chuyển dần sang các KCN xanh, sinh thái, đáp ứng các tiêu chuẩn bền vững nhằm phù hợp với yêu cầu ESG (môi trường - xã hội - quản trị) từ các tập đoàn toàn cầu. Đây là những yếu tố nền tảng giúp nhu cầu thuê đất công nghiệp và nhà xưởng vẫn duy trì ở mức cao.
Bên cạnh đà tăng trưởng mạnh của nguồn cung và cầu, giá thuê đất công nghiệp hiện vẫn ổn định ở mức cao và tiếp tục xu hướng đi lên. Cụ thể, giá cho thuê trung bình tại miền Bắc hiện đạt khoảng 138 USD/m²/chu kỳ thuê; tại miền Nam là 190 USD/m²/chu kỳ thuê. Giá thuê nhà kho xây sẵn dao động trong khoảng 4,5 – 5 USD/m²/tháng, một mức giá được đánh giá hợp lý trong bối cảnh giá đất, chi phí xây dựng và vận hành có xu hướng tăng do áp lực lạm phát.
Tỷ lệ lấp đầy tiếp tục duy trì ở mức cao, phản ánh sức hấp thụ tốt của thị trường. Trung bình, tỷ lệ lấp đầy tại các KCN đang hoạt động đạt khoảng 75%, trong đó các tỉnh trọng điểm phía Bắc đạt khoảng 83% và phía Nam đạt tới 92%. Đối với nhà kho xây sẵn, tỷ lệ lấp đầy đạt 69%, còn nhà xưởng là 88%.