Nghiên cứu - Trao đổi

Cần gia hạn cơ cấu nợ để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế

Yến Nhung 16/09/2024 04:30

Trước khó khăn trong hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, theo chuyên gia, cần tiếp tục gia hạn cơ cấu nợ để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế.

Ngày 10/9/2024, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ký Công điện số 92/CĐ-TTg về việc tập trung khắc phục hậu quả bão số 3 và mưa lũ sau bão. Trong văn bản này, Thủ tướng yêu cầu Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng kịp thời áp dụng các chính sách hỗ trợ lãi suất, khoanh nợ, giãn nợ, tiếp tục cho vay để người dân, doanh nghiệp có điều kiện khôi phục sản xuất kinh doanh.

Việc áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế là một điều tất yếu để hàng hóa Việt Nam có thể tiếp cận các thị trường lớn trên thế giới - Ảnh minh họa: ITN
Thực tế cho thấy, hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, người dân còn gặp nhiều khó khăn, nhất là sau cơn bão số 3 - Ảnh minh họa: ITN

Thực tế, trước đó Ngân hàng Nhà nước đã ban hành văn bản chỉ đạo các tổ chức tín dụng triển khai các giải pháp để hỗ trợ khách hàng khắc phục hậu quả do cơn bão số 3 gây ra. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các tổ chức tín dụng chỉ đạo chi nhánh, phòng giao dịch chủ động rà soát, tổng hợp thiệt hại của khách hàng đang vay vốn để kịp thời áp dụng các biện pháp hỗ trợ, tháo gỡ khó khăn, trong đó có chính sách cơ cấu lại thời hạn trả nợ, xem xét miễn giảm lãi vay, tiếp tục cho vay mới khôi phục sản xuất kinh doanh sau bão theo các quy định hiện hành...

Trong những ngày qua ngân hàng đều chủ động triển khai cơ cấu nợ lại dư nợ bị ảnh hưởng theo quy định tại Thông tư 06/2024/TT-NHNN (Thông tư 06) sửa đổi Thông tư 02/2023/TT-NHNN (Thông tư 02) về thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ hỗ trợ khách hàng, giảm lãi suất... Có thể nói, thời gian qua, việc Ngân hàng Nhà nước ban hành Thông tư 02 (nay là Thông tư 06) được đánh giá là rất kịp thời, tháo gỡ phần nào khó khăn trong xử lý nợ xấu cho các tổ chức tín dụng cũng như giảm áp lực trả nợ, tạo điều kiện tiếp cận vốn vay mới cho người dân và doanh nghiệp. Qua đó đóng góp tích cực, giúp nền kinh tế trong nước giai đoạn vừa qua có thêm động lực để tiếp tục phục hồi cả từ phía cung các doanh nghiệp sản xuất kinh doanh cũng như từ phía cầu người tiêu dùng.

Theo quy định tại Thông tư 06, tổ chức tín dụng thực hiện cơ cấu lại thời hạn trả nợ, giữ nguyên nhóm nợ cho khách hàng đến 31/12/2024. Tuy nhiên, theo các chuyên gia, thời hạn trên là chưa đủ dài để giúp doanh nghiệp cũng như người dân phục hồi năng lực sản xuất kinh doanh cũng như khả năng chi tiêu. Nhất là trong bối cảnh hiện nay nhiều người dân, doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nặng nề do cơn bão số 3 gây ra.

Nhiều ý kiến cho rằng, cần thiết lập Quỹ hỗ trợ chuyển đổi xanh để doanh nghiệp có nguồn lực - Ảnh minh họa: ITN
Theo chuyên gia, cần tiếp tục gia hạn cơ cấu nợ để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế - Ảnh minh họa: ITN

Liên quan đến vấn đề này, nhóm nghiên cứu của Saigon Ratings nhận định, tuy tăng trưởng kinh tế năm 2024 với sự phục hồi mạnh mẽ trong lĩnh vực sản xuất, tiêu dùng, xuất khẩu và FDI, nhưng vẫn còn một số khó khăn, thách thức trong đó có khả năng hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn chưa khởi sắc, ảnh hưởng tăng trưởng tín dụng. Mặc dù tăng trưởng tín dụng đang cao hơn so với mức tăng cùng kỳ năm 2023 nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với kế hoạch và đặc biệt là tỷ lệ nợ xấu tại các tổ chức tín dụng vẫn tăng.

“Nguyên nhân lớn nhất dẫn đến tín dụng tăng trưởng chậm trong thời gian qua là do hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp ở một số ngành, lĩnh vực kinh tế, đặc biệt là bất động sản vẫn chưa thực sự phục hồi. Điều này đã khiến các tổ chức tín dụng buộc phải thực hiện chính sách thận trọng tăng dư nợ trong bối cảnh tỷ lệ nợ xấu đang tiếp tục có xu hướng gia tăng. Do đó, cần tiếp tục gia hạn thời gian cơ cấu lại nợ”, nhóm nghiên cứu này nhấn mạnh.

Theo nhóm nghiên cứu Saigon Ratings, khi tỷ lệ nợ xấu tăng cao, các tổ chức tín dụng sẽ phải tăng chi phí trích lập dự phòng và lợi nhuận của các tổ chức tín dụng suy giảm. Theo đó, ảnh hưởng tới niềm tin của người dân cũng như các nhà đầu tư trong nước và quốc tế vào hệ thống ngân hàng nói riêng cũng như nền kinh tế nước ta nói chung. Điều này có thể sẽ kéo theo những hệ lụy rất khó lường về tỷ giá, lạm phát, đầu tư trực tiếp, đầu tư gián tiếp và tăng trưởng kinh tế trong trung hạn và dài hạn.

“Do đó, Ngân hàng Nhà nước cần gia hạn thời gian cơ cấu nợ thêm ít nhất là 1 năm nữa. Đây là khoảng thời gian cần thiết để kinh tế thế giới cũng như trong nước thực sự đi vào chu kỳ tăng trưởng ổn định, thị trường bất động sản trong nước đạt được độ ngấm chính sách, tạo ra tác động lan tỏa thực sự đáng kể đến hoạt động sản xuất, tiêu dùng và khả năng trả nợ của doanh nghiệp và người dân trong nước”, nhóm nghiên cứu này đề xuất.

Đồng quan điểm, PGS TS Nguyễn Hữu Huân, Trường đại học kinh tế TP Hồ Chí Minh cho rằng, việc nợ xấu vẫn ở mức cao thì khả năng Ngân hàng Nhà nước phải tiếp tục gia hạn tái cơ cấu nợ thêm một thời gian, tạo điều kiện cho xử lý nợ xấu.

“Nếu không gia hạn, nợ xấu nội bảng cao có thể ảnh hưởng đến tâm lý của người gửi tiền và sự ổn định của hệ thống ngân hàng”, PGS TS Nguyễn Hữu Huân nhấn mạnh.

Được biết, câu chuyện của việc thực hiện các giải pháp giãn, hoãn nợ cũng được giới chuyên môn trao đổi nhiều và từng có nhiều ý kiến về việc cân nhắc trong việc lạm dụng giải pháp này. Bởi lẽ, thực chất việc cho phép thực hiện giãn, hoãn nợ sẽ làm “ẩn” đi những khoản nợ lẽ ra đã phải chuyển nhóm thành nợ xấu và giải pháp chỉ có thể có tác dụng nếu đi kèm theo các giải pháp đồng bộ khác.

Về các giải pháp đồng bộ lâu dài trong việc xử lý nợ của các ngân hàng, nhiều ý kiến cho rằng, các ngân hàng cần tiếp tục có sự tập trung nguồn lực nhiều hơn cho việc xây dựng được các hệ thống quản trị rủi ro, hệ thống với công nghệ tiên tiến. Trong đó, việc các ngân hàng trong nước hợp tác với các định chế tài chính quốc tế để nhận chuyển giao công nghệ sẽ là một giải pháp tối ưu về mặt chi phí lẫn thời gian.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cần gia hạn cơ cấu nợ để hỗ trợ phục hồi nền kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO