Để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả, VCCI đề nghị cân nhắc quy định về lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết khi sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập.
Theo đó, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa có văn bản trả lời Công văn số 10048/BTC-QLCS của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 144/2017/TT-BTC ngày 29/12/2017 của Bộ Tài chính hướng dẫn một số nội dung của Nghị định 151/2017/NĐ-CP ngày 26/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Quản lý, sử dụng tài sản công (Dự thảo).
Tại văn bản góp ý, về lựa chọn đối tác để thực hiện liên doanh, liên kết khi sử dụng tài sản công tại đơn vị sự nghiệp công lập vào mục đích liên doanh, liên kết (khoản 2 Điều 1 Dự thảo bổ sung Điều 6a), VCCI cho biết, khoản 2 Điều 6a Dự thảo quy định, đơn vị có tài sản liên doanh, liên kết thông báo về việc lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết theo quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP, khoản 42 Điều 1 Nghị định 114/2024/NĐ-CP trong thời hạn ít nhất là 03 ngày làm việc trước ngày quyết định lựa chọn.
Theo quy định tại Nghị định 151/2017/NĐ-CP, Nghị định 114/2024/NĐ-CP, Dự thảo đề xuất quy trình để lựa chọn đối tác liên doanh gồm: thông báo công khai về việc lựa chọn đối tác trên phương tiện điện tử (Trang thông tin của đơn vị, Cổng thông tin điện tử của cơ quan quản lý trung ương, địa phương, Trang thông tin điện tử về tài sản công của Bộ Tài chính); Thành lập tổ đánh giá để chấm điểm; Quyết định lựa chọn đối tác.
“Với quy định trên, Dự thảo quy định thời hạn thông báo về việc lựa chọn đối tác là 03 ngày làm việc trước ngày quyết định lựa chọn, có nghĩa từ khi thông báo về việc lựa chọn cho đến khi có quyết định lựa chọn có thể là 03 ngày làm việc. Nói cách khác, cả quy trình lựa chọn liên doanh, liên kết chỉ trong 03 ngày làm việc. Đây là khoảng thời gian quá ngắn để thực hiện quy trình lựa chọn đối tác, có thể gây khó cho các đối tác khi chuẩn bị các hồ sơ, tài liệu tham gia vào việc lựa chọn”, VCCI góp ý.
Từ đó, VCCI đề nghị Ban soạn thảo phân tách các bước thực hiện lựa chọn đối tác liên doanh, liên kết và xác định một số mốc thời hạn bắt buộc để đảm bảo tính minh bạch và hiệu quả của hoạt động lựa chọn đối tác này.
Bên cạnh đó, về lựa chọn đối tác trong trường hợp chỉ có một tổ chức, cá nhân đăng ký, theo VCCI, đoạn 3 khoản 3 Điều 6a quy định “trường hợp hết thời hạn nộp hồ sơ đăng ký tham gia liên doanh, liên kết mà chỉ có một tổ chức, cá nhân đăng ký thì đơn vị có tài sản xem xét, quyết định lựa chọn tổ chức, cá nhân đó nếu đáp ứng các tiêu chí quy định tại khoản 3 Điều 47 Nghị định 151/2017/NĐ-CP, khoản 42 Điều 1 Nghị định số 114/2024/Đ-CP, Thông tư này và pháp luật có liên quan”.
Quy định này là chưa rõ ở điểm, có cần mức tối thiểu đáp ứng các tiêu chí theo bảng chấm điểm quy định tại Phụ lục I Dự thảo hay không? Các đề xuất của tổ chức, cá nhân này đối với hoạt động kinh doanh, liên doanh, liên kết có cần đối chiếu với Đề án kinh doanh, liên doanh, liên kết của đơn vị sự nghiệp công lập đã được phê duyệt trước đó hay không? Hay là chỉ cần có các tiêu chí tại Phụ lục, không cần quan tâm mức điểm là như thế nào?
“Để đảm bảo tính minh bạch và thuận lợi trong quá trình thực hiện, đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ về vấn đề trên”, VCCI góp ý.
Cùng với những nội dung, vấn đề đã nêu, tại văn bản góp ý, VCCI cũng đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc nội dung liên quan đến Bảng tiêu chí đánh giá, chấm điểm tổ chức, cá nhân liên doanh, liên kết (Phụ lục 1).