Nghiên cứu - Trao đổi

Cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia

Gia Nguyễn 10/11/2024 04:30

Được cho sẽ đóng góp quan trọng vào sự phát triển, tuy nhiên, góp ý Dự thảo Luật Dữ liệu, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia...

Theo đó, để đảm bảo công tác chuyển đổi số quốc gia, nhằm phục vụ quản lý Nhà nước, đồng thời không chỉ khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, mà còn thắt chặt dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, đảm bảo an ninh, an toàn thông tin, nhiều ý kiến cho rằng, việc xây dựng Luật Dữ liệu là rất quan trọng, cần thiết.

can-nhac-viec-thanh-lap-quy-phat-trien-du-lieu-quoc-gia-09.11.1.1.jpg
Dự thảo Luật Dữ liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 gồm 07 Chương, 67 Điều với nhiều kỳ vọng - Ảnh minh họa: ITN

Dự thảo Luật Dữ liệu trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 8 gồm 07 Chương, 67 Điều được xây dựng dựa trên quan điểm quán triệt và cụ thể hóa quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng về xây dựng, hoàn thiện hệ thống pháp luật về dữ liệu; phù hợp với tiến trình hội nhập, mở rộng giao lưu và hợp tác quốc tế; phục vụ sự nghiệp phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh trật tự, an toàn xã hội.

Nêu quan điểm về Dự thảo Luật này, cơ quan soạn thảo cho hay, hiện có 69 luật có quy định về cơ sở dữ liệu (bao gồm cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu chuyên ngành), hồ sơ đề nghị xây dựng luật có quy định liên quan đến dữ liệu như: Luật Giao dịch điện tử năm 2023, Luật An ninh mạng, Luật An toàn thông tin mạng, Luật Viễn thông năm 2023, Luật Công nghệ thông tin, Hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Công nghiệp công nghệ số…

Thực tế, qua phân tích, thống kê tại các văn bản luật đã nêu thì các luật này đã quy định về 33 cơ sở dữ liệu quốc gia, 39 cơ sở dữ liệu chuyên ngành. Vì vậy việc xây dựng Dự án Luật Dữ liệu nhằm mục đích tạo sự thống nhất, đồng bộ trong sử dụng hiệu quả dữ liệu phục vụ công tác quản lý Nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội, phục vụ phát triển Chính phủ số và cải cách, cắt giảm thủ tục hành chính, phát triển Trung tâm dữ liệu quốc gia.

can-nhac-viec-thanh-lap-quy-phat-trien-du-lieu-quoc-gia-09.11.1.2.jpg
Tuy nhiên, bên cạnh những mặt tích cực, nhiều ý kiến cho rằng, cần cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia - Ảnh minh họa: ITN

Đánh giá cao những nội dung được cơ quan soạn thảo đề xuất luật hóa, tuy nhiên, bên cạnh những điểm tích cực, một trong những vấn đề nhận được sự quan tâm đặc biệt là quy đinh về Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia. Trong đó, góp ý Dự thảo Luật này, nhiều ý kiến cho hay, cần cân nhắc việc thành lập Quỹ bởi hầu hết các nội dung chi của quỹ đã được đảm bảo từ ngân sách Nhà nước.

Theo đại biểu Phạm Văn Hòa - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đồng Tháp, dữ liệu quốc gia là phạm vi trách nhiệm của Nhà nước phải chi từ ngân sách, bởi nhiệm vụ chi của quỹ cũng trùng lấp với một số Quỹ khác. Ngoài ra, nếu thành lập sẽ phát sinh bộ máy và biên chế, tăng áp lực tài chính bổ sung cho quỹ của người dân, mà nhất là doanh nghiệp.

Đồng tình với vấn đề đã nêu, đại biểu Trần Văn Tiến - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Vĩnh Phúc cho rằng, cần làm rõ về cơ sở pháp lý, cơ sở thực tiễn để thành lập Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia. Cụ thể, Quỹ này được thành lập ở Trung ương, thuộc cơ quan nào quản lý? Đặc biệt, về mô hình tổ chức bộ máy, biên chế và hoạt động của quỹ cần được làm rõ hơn.

Đại biểu Trần Văn Tiến đề nghị, cơ quan soạn thảo Dự án Luật rà soát các ưu tiên chi các hoạt động tại khoản 3 của Điều 29 để tránh trùng lặp với các với hoạt động chi của các loại quỹ khác, bao gồm cả Quỹ đổi mới công nghệ quốc gia, Quỹ dịch vụ viễn thông công ích Việt Nam,…

Về vấn đề này, tham gia góp ý hoàn thiện Dự thảo Luật, đại biểu Nguyễn Thị Lệ Thủy – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bến Tre cũng cho hay, dữ liệu vừa là tài nguyên, vừa là cơ sở, nền tảng để phát triển công nghệ số quốc gia.

Cũng giống như hạ tầng giao thông phải được ngân sách Nhà nước đảm bảo, tổ chức cá nhân khi khai thác sử dụng phải trả phí theo các hình thức phù hợp với từng loại phương tiện và mục đích khai thác, sử dụng như quy định về thu phí khai thác dữ liệu và nguồn thu từ cung cấp dịch vụ lưu trữ dữ liệu, trong khi phải phát sinh bộ máy và chi phí cho bộ máy quản lý Quỹ không cần thiết. Vì vậy, cần hết sức cân nhắc việc thành lập quỹ này.

Trong khi đó, theo đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh An Giang, nguồn kinh phí để Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia hoạt động rất quan trọng, tuy nhiên, khi cùng các luật được ban hành, nhiều Quỹ đã được hình thành để hỗ trợ phát triển nhưng hiệu quả hoạt động cũng cần làm rõ.

Cho nên, cần đánh giá kỹ về cơ sở pháp lý, thực tiễn, tính hiệu quả để xem việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu Quốc gia đã phù hợp với Luật Ngân sách chưa và có trùng với một số quỹ khác hay không?

Đại biểu Trình Lam Sinh cho rằng, dữ liệu là một dạng “tài sản” mới rất quan trọng, có thể xem như “tài sản” quốc gia. Vậy khi có các nguồn tài chính hỗ trợ, tài trợ từ trong nước và nước ngoài, chúng ta có chịu tác động gì hay không? Vì vậy, cần đánh giá các tác động này để đảm bảo không bị chi phối hay lộ lọt thông tin khi tìm kiếm thông tin của các nhà tài trợ.

Được biết, Dự thảo Luật Dữ liệu đang trình tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội khóa XV dự kiến được thông qua theo quy trình một kỳ họp với trình tự, thủ tục rút gọn và có hiệu lực từ ngày 01/01/2026.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cân nhắc việc thành lập Quỹ phát triển dữ liệu quốc gia
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO