Kinh tế địa phương

Cao Bằng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế

Thùy Linh 02/11/2024 10:55

Cao Bằng đã và đang triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm thu hút đầu tư, thúc đẩy kinh tế - xã hội tỉnh phát triển.

Xuất nhập khẩu hàng hóa qua lối thông quan Nà Đoỏng - Nà Ráy, Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh (Trùng Khánh).
Xuất nhập khẩu hàng hóa qua lối thông quan Nà Đoỏng - Nà Ráy, Cửa khẩu quốc tế Trà Lĩnh, Trùng Khánh. Ảnh: Minh Ngọc

Cao Bằng đặt mục tiêu trở thành tỉnh có nền kinh tế phát triển nhanh, năng động, xanh, bền vững và toàn diện; từng bước hình thành trung tâm trung chuyển hàng hóa, logistics Việt Nam - Trung Quốc của vùng, trung tâm giao thương kinh tế, văn hoá, đối ngoại giữa Việt Nam với các tỉnh phía Tây, Tây Nam của Trung Quốc và các nước ASEAN.

Điểm sáng về phát triển kinh tế

Báo cáo của UBND tỉnh Cao Bằng, 9 tháng đầu năm, mặc dù có nhiều khó khăn nhưng kinh tế Cao Bằng tiếp tục phát triển ổn định. Một số chỉ tiêu, lĩnh vực có mức tăng trưởng khá so với cùng kỳ năm 2023 như: Tổng sản phẩm trên địa bàn tỉnh (GRDP) 9 tháng tăng 7%; tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 17,75%; giá trị sản xuất công nghiệp tăng 17,5%; tổng kim ngạch xuất nhập khẩu qua địa bàn tăng 47%; tổng lượt khách du lịch tăng 11%, tổng thu du lịch tăng 24%.

Công tác thu ngân sách Nhà nước (NSNN) có nhiều chuyển biến tích cực, tổng thu NSNN tăng 33%, đặc biệt thu cân đối từ hoạt động xuất nhập khẩu vượt dự toán được giao (vượt 39% dự toán Trung ương, vượt 35% dự toán HĐND tỉnh giao).

Tỉnh Cao Bằng tiếp tục chỉ đạo đẩy mạnh thực hiện Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng (giao thông, du lịch, cửa khẩu, đô thị, hạ tầng số...) và Đề án phát triển giao thông nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2022 – 2025 nhằm giải quyết các vấn đề về kết nối giao thông liên vùng; tăng tốc thực hiện các công trình hạ tầng giao thông quan trọng, trọng tâm là Dự án đường bộ cao tốc Đồng Đăng (Lạng Sơn) - Trà Lĩnh (Cao Bằng).

Bên cạnh đó, tỉnh Cao Bằng đã triển khai quyết liệt, nghiêm túc chỉ đạo của Chính phủ tại Nghị quyết số 143/NQ-CP, ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất, kinh doanh; tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.

Tỉnh cũng đẩy mạnh triển khai các nhiệm vụ, giải pháp về cải cách hành chính, triển khai các giải pháp cụ thể cải thiện môi trường đầu tư và kinh doanh, nâng cao chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh; tăng cường kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung cải cách hành chính gắn với kỷ luật, kỷ cương hành chính và văn hoá công vụ.

Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư

Ông Lưu Công Hữu - Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Cao Bằng cho biết, ngay từ đầu năm, UBND tỉnh Cao Bằng đã ban hành các văn bản chỉ đạo để định hướng các hoạt động thu hút đầu tư nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đâu tư, nắm bắt kịp thời các thông tin cần thiết và tìm kiếm cơ hội đầu tư.

Đồng thời, tiếp tục thực hiện có hiệu quả Chương trình số 09-CTr/TU của Tỉnh ủy Cao Băng về “Xây dựng và đổi mới cơ chế, chính sách nhằm cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, thu hút các nhà đầu tư chiến lược”; phát huy vai trò tham mưu Tổ công tác tiếp nhận và hỗ trợ triển khai dự án đầu tư, thực hiện nhiệm vụ hỗ trợ các nhà đầu tư đẩy nhanh tiến độ triển khai dự án trên địa bàn tỉnh, kịp thời tháo gỡ khi có phát sinh vướng mắc về đất đai, cơ chế chính sách, thủ tục hành chính; thường xuyên rà soát danh mục các dự án kêu gọi đầu tư của từng lĩnh vực, từng ngành đã được quy hoạch để đưa vào kế hoạch hỗ trợ hằng năm; tổ chức gặp mặt, tiếp xúc và thông tin cho nhà đầu tư chiến lược về môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh; hỗ trợ nhà đầu tư tìm hiểu, nghiên cứu cơ hội đầu tư và lựa chọn địa điểm phù họp theo quy hoạch.

Cùng với các biện pháp tháo gỡ khó khăn trong công tác đầu tư, chỉ đạo tổ công tác tiếp nhận và hỗ trợ triển khai dự án đầu tư chiến lược, Cao Bằng đã triển khai nhiều hoạt động xúc tiến đầu tư như: quảng bá, giới thiệu tiềm năng của tỉnh tại Chương trình gặp gỡ, làm việc với Đoàn công tác của Hiệp Hội doanh nhân Việt Nam ở nước ngoài; tham dự Diễn đàn Kinh tế Việt Nam - Thụy Sỹ (SVEF) 2024 tại thành phố Zurich (Thụy Sỹ).

Bên cạnh đó, tỉnh đã trực tiếp làm việc, trao đổi về chính sách đầu tư của tỉnh Cao Bằng với Đại sứ quán Việt Nam tại Thụy Sỹ; Đại sứ quán Việt Nam tại Cộng hòa Italia; chính quyền tỉnh Reggio Emilia (vùng Emilia-Romagna, Italia; thăm, làm việc với Thành phố Bách Sắc, Quảng Tây, Trung Quốc; tổ chức Hội nghị giao lưu doanh nghiệp trong và ngoài nước, thực hiện cửa khẩu số, thúc đẩy xuất nhập khẩu...

Đặc biệt, với sự chủ động, tích cực của các ngành, địa phương, tỉnh đã phối hợp với các cơ quan Trung ương và các địa phương khác tổ chức thành công nhiều hội nghị quy mô lớn, có sức lan tỏa rộng rãi giới thiệu về Cao Bằng với các đối tác trong nước và quốc tế góp phần thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, khai thác hợp lý các nguồn tài nguyên, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, tạo việc làm tăng thu nhập và cải thiện đời sống của nhân dân.

Đến nay, trên địa bàn tỉnh Cao Bằng có 252 dự án với tổng vốn đăng ký 34.861 tỷ đồng được đăng ký theo Luật Đầu tư.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cao Bằng đẩy mạnh xúc tiến đầu tư, phát triển kinh tế
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO