Thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ giúp rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng, qua đó, hỗ trợ cho tăng trưởng tín dụng của OCB đạt cao hơn trung bình ngành...
Năm 2024 tình hình thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp, khó lường với nhiều yếu tố rủi ro, bất định. Tuy nhiên, kinh tế thế giới đang dần ổn định khi thương mại hóa toàn cầu được cải thiện trở lại, áp lực lạm phát bớt căng thẳng hơn, điều kiện tài chính tiếp tục được nới lỏng. Trong bối cảnh đó, OCB nhanh chóng có những bước chuyển mình mạnh mẽ theo hướng phát triển bền vững, ông Trịnh Văn Tuấn - Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Phương Đông (HoSE: OCB) phát biểu tại Đại hội đồng cổ đông (ĐHĐCĐ) thường niên OCB năm 2025.
Báo cáo tại ĐHĐCĐ, ông Tuấn cho biết, ngân hàng đã triển khai loạt chương trình tín dụng ưu đãi với tổng hạn mức hơn 65.000 tỷ đồng, giúp 15.000 khách hàng doanh nghiệp và cá nhân nhằm hỗ trợ những nhóm khách hàng cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) tiếp cận nguồn vốn với chi phí hợp lý, lãi suất cạnh tranh.
OCB đã thực hiện chuyển đổi số mạnh mẽ giúp rút ngắn thời gian giao dịch cho khách hàng. Những hoạt động này đã giúp OCB giữ được mức tăng trưởng tín dụng thị trường 1 đạt gần 20%, cao hơn trung bình ngành (15,08%), trong đó dư nợ tín dụng của khách hàng cá nhân tăng 11,4%, SME tăng 51,7% so với đầu năm. Nhờ vậy, tổng tài sản của OCB cải thiện đáng kể, đạt 280.712 tỷ đồng tăng 17% so với năm 2023.
Huy động thị trường 1 đạt 192.413 tỷ đồng, tăng 14,5% so với năm 2023, hoàn thành 98% kế hoạch về quy mô của năm 2024. Trong đó, tăng trưởng tiền gửi từ khách hàng dân cư và tổ chức kinh tế đạt 13,1% cao hơn mức trung bình <10 % của toàn ngành. Tiền gửi từ khách hàng cá nhân tiếp tục tăng trưởng ổn định với tốc độ xấp xỉ 16%, đóng góp 65% tổng quy mô tiền gửi khách hàng.
Năm 2024, mặc dù thị trường có dấu hiệu gia tăng lãi suất nhưng OCB vẫn tiếp tục duy trì nền lãi suất huy động thấp nhằm hỗ trợ cho tín dụng. Từ đó, lãi suất cho vay cũng được giảm đáng kể, góp phần thúc đẩy các sản phẩm tín dụng tăng trưởng bền vững theo đúng định hướng từ Chính phủ.
Đáng chú ý, theo lãnh đạo OCB, ngân hàng đã và đang thực hiện hiệu quả hoạt động dẫn vốn trong cuộc “cách mạng xanh”, thể hiện vai trò tiên phong khi là một trong những TCTD hàng đầu về chiến lược phát triển bền vững. Tính đến 31/12/2024, tín dụng xanh tại OCB tăng 30% so với năm 2023, đây được đánh giá là mức tăng trưởng tín dụng cao so với các ngân hàng trên toàn hệ thống.
Tổng thu thuần của OCB đạt 10.069 tỷ đồng tăng đến 12,7% so với cùng kỳ năm trước nhờ vào hoạt động cốt lõi không ngừng tăng trưởng mạnh mẽ, đặc biệt là thu thuần từ lãi đạt 8.607 tỷ đồng, tăng 27,2% so với năm 2023, nhờ quy mô tín dụng tăng trưởng gần 20% và NIM cải thiện lên mức 3,5% vào cuối năm 2024. Đáng chú ý, với sự linh hoạt trong điều hành, tái cơ cấu lại danh mục kinh doanh theo hướng đa dạng nguồn thu, nâng cao chất lượng tài sản, đẩy mạnh hiệu quả công tác quản trị nợ, thu hồi cũng như xử lý nợ… trong quý IV/2024, tình hình kinh doanh của ngân hàng đã có những chuyển biến tích cực khi lợi nhuận trước thuế tăng 230% so với quý trước. Kết quả, lợi nhuận trước thuế năm 2024 của OCB đạt 4.006 tỷ đồng.
Tuân thủ chặt chẽ các giới hạn, tỷ lệ đảm bảo an toàn trong hoạt động ngân hàng, OCB đã duy trì hoạt động an toàn, hiệu quả và kiểm soát tốt các rủi ro xuyên suốt năm 2024. Ngoài ra, OCB còn thực hiện đánh giá nội bộ về mức đủ thanh khoản (ILAAP) kết hợp với kiểm tra sức chịu đựng thanh khoản theo các kịch bản. Qua đó, khẳng định có đủ tài sản thanh khoản cao để thực hiện các nghĩa vụ tài chính cho khách hàng và đối tác trong những tình huống phát sinh có thể xảy ra.
Trong năm 2024, theo báo cáo của ông Trịnh Văn Tuấn, các điểm sáng trong hoạt động công nghệ thông tin và ngân hàng số của OCB ghi nhận sự tăng trưởng tích cực, góp phần nâng cao trải nghiệm khách hàng, đáp ứng hiệu quả hơn nhu cầu của Khách hàng và tối ưu hóa quy trình vận hành. Theo đó, OCB đã ra mắt phiên bản OCB OMNI 4.0 – một nền tảng ngân hàng số hiện đại được phát triển trên công nghệ tiên tiến của Backbase, một trong những nền tảng Engagement Digital Banking (ngân hàng tương tác) hàng đầu thế giới. Đây là nền tảng để OCB có thể triển khai nhanh được sản phẩm dịch vụ, tính năng số đáp ứng đúng và kịp thời nhu cầu của khách hàng trên kênh số.
Trong năm 2024, OCB đã chuyển sang sử dụng công nghệ bảo mật FIDO, với thuật toán mã hóa mạnh mẽ, bảo mật đa lớp cho từng giao dịch. Đồng thời triển khai loạt giải pháp nâng cao tính bảo mật trong thanh toán trực tuyến và giao dịch thẻ qua xác thực sinh trắc học khuôn mặt, đồng thời với hệ thống chống gian lận giao dịch, giúp tăng cường an toàn và gia tăng trải nghiệm công nghệ mới cho khách hàng cũng như tiên phong tuân thủ các quy định mới của NHNN. Đây là những điều kiện kiện toàn quan trọng để khách hàng tin tưởng, yên tâm khi trải nghiệm các giao dịch, sử dụng các sản phẩm dịch vụ trên không gian số qua OCB.
Lãnh đạo ngân hàng cũng cho biết đã và sẽ tiếp tục phát triển các tiện ích và sản phẩm số nhằm nâng cao trải nghiệm khách hàng trên kênh online. Trong đó, đáng chú ý ngân hàng đã triển khai giải pháp cấp thẻ tín dụng và khoản vay tiêu dùng trực tuyến, khách hàng có thể được cấp thẻ tín dụng Igen hoặc cấp khoản vay tín chấp từ payroll trong vài giờ làm việc qua hệ thống thẩm định và quản lý quy trình tự động.
Cùng với đó, triển khai áp dụng công nghệ Al trong công cụ Marketing Automation để hỗ trợ phân tích hành vi và nhu cầu của khách hàng trên các dữ liệu và sự kiện từ đó đề xuất sản phẩm dịch vụ, tính năng phù hợp và nâng cao hiệu quả chăm sóc khách hàng. Tích hợp Al Chat Bot nhằm nâng cao tương tác, hỗ trợ khách hàng nhanh chóng và tiết kiệm chi phí cho việc chăm sóc khách hàng trên kênh số. Nhận biết và phân loại giao dịch chủ động giúp khách hàng kiểm soát chi tiêu hiệu quả và đi đến quản lý tài chính cá nhân. • Các tính năng mới được triển khai đáp ứng cho các phân khúc khách hàng khác nhau như gợi ý giao dịch theo từng khách hàng, tách lệnh giao dịch lớn để chuyển tiền nhanh, rút tiền qua mã QR Cash ...
Một bước tiến của ngân hàng trong thúc đẩy và khai thác các cơ hội từ ứng dụng số, là mở rộng hệ sinh thái số với việc ra mắt tính năng “OCB Cà phê”, kết nối với gần 8000 cửa hàng bán lẻ để mang đến cho khách hàng những ưu đãi thiết thực trong hệ sinh thái dịch vụ của OCB và thúc đẩy cho hoạt động thanh toán không tiền mặt. Tiếp tục mở rộng hợp tác với các trường đại học hàng đầu, các công ty fintech và các doanh nghiệp lớn, cung cấp giải pháp thanh toán và quản trị dòng tiền toàn diện qua OPEN API. Giải pháp này giúp tối ưu hiệu quả, tiết kiệm chi phí và đẩy nhanh tốc độ, tự động hóa giao dịch, đồng thời mở rộng hệ sinh thái, mang đến cho khách hàng OCB trải nghiệm trực tuyến liền mạch trên đa kênh với đa điểm chạm.
Đặc biệt, số hóa cũng hỗ trợ để OCB tăng trưởng tiền gửi và đánh giá hiệu quả hồ sơ khách hàng. "Chúng tôi định vị cơ cấu nguồn vốn và nguồn thanh khoản của ngân hàng ở mức 'Trung bình' để phản ánh mạng lưới khách hàng khiêm tốn nhưng đang phát triển nhanh chóng thông qua các kênh chi nhánh và nền tảng số giúp ngân hàng tăng trưởng hơn nữa về nguồn tiền gửi cốt lõi, cũng như phản ánh hồ sơ thanh khoản được quản lý khá tốt của ngân hàng.
Vào cuối năm 2023, tiền gửi không kỳ hạn chi phí thấp (CASA) của OCB chiếm 10.4% tổng dư nợ, thấp hơn mức trung bình ngành là 19,8%", ông Trịnh Văn Tuấn cho biết.
Theo Ban lãnh đạo ngân hàng OCB, chiến lược số hóa đã giúp tăng trưởng đáng kể tiền gửi CASA mới từ cá nhân. Sau khi ra mắt nền tảng OMNI vào năm 2018 và Liobank – ngân hàng kỹ thuật số – vào năm 2023, ngân hàng chứng kiến gần 40% tiền gửi CASA cá nhân được thu hút thông qua các kênh ngân hàng số của mình trong năm 2023. Ngân hàng cũng đang tích cực cung cấp các giải pháp thanh toán và quản lý tiền mặt cho các doanh nghiệp lớn để tăng cường tiền gửi cốt lõi của mình.
"Chúng tôi kỳ vọng những nỗ lực này, nếu được tiếp tục, sẽ giúp cải thiện nguồn vốn cốt lõi chi phí thấp của ngân hàng", ông Tuấn báo cáo.
HĐQT OCB trình ĐHĐCĐ các kế hoạch kinh doanh năm 2025, phương án tăng vốn điều lệ và bầu bổ sung thành viên HĐQT, thành viên BKS nhiệm kỳ 2025 – 2030.
Các chỉ tiêu tham vọng OCB dự kiến trình ĐHĐCĐ: Đặt mục tiêu tổng tài sản đạt 316.779 tỷ tăng 13%, tổng huy động thị trường 1 đạt 218.842 tỷ tăng 14%. Đặc biệt, với nền tảng vững chắc từ năm 2024, thông qua sự chuyển dịch cơ cấu mạnh mẽ sang nhóm khách hàng có tiềm năng tăng trưởng tốt, OCB dự kiến tổng dư nợ thị trường 1 tăng 16%, đạt 208.472 tỷ. Lợi nhuận trước thuế tăng 33% so với năm 2024, đạt 5.338 tỷ.