Được đánh giá là đang tồn tại nhiều bất cập, vướng mắc, thế nhưng, Luật đất đai 2013 lại chưa có đề xuất đưa vào chương trình xây dựng luật 2 năm đầu tiên của Quốc hội khóa XV...
Theo đó, sáng nay 14/6, Ủy ban Thường vụ Quốc hội khai mạc phiên họp thứ 57 cho ý kiến về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh năm 2022 và điều chỉnh chương trình năm 2021, Bộ trưởng Bộ Tư pháp - Lê Thành Long đã trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về chương trình xây dựng Luật, Pháp lệnh của Quốc hội.
Cụ thể, Chính phủ xác định nguyên tắc ưu tiên đề xuất vào chương trình năm 2022 và bổ sung chương trình năm 2021 những dự án cần sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới nhằm: Tiếp tục thể chế hóa kịp thời, đầy đủ chủ trương, đường lối của Đảng và yêu cầu của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội; Thực hiện các cam kết quốc tế; Bảo đảm quyền con người, quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân theo quy định của Hiến pháp; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh.
Dự kiến, kỳ họp thứ 2 của Quốc hội (cuối năm 2021) sẽ thảo luận và đến kỳ họp thứ 3 (giữa năm 2022) sẽ xem xét thông qua 6 dự án luật, gồm: Luật thi đua, khen thưởng (sửa đổi); Luật điện ảnh (sửa đổi); Luật thanh tra (sửa đổi); Luật kinh doanh bảo hiểm (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật sở hữu trí tuệ; Luật cảnh sát cơ động.
Đồng thời, tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội dự kiến cho ý kiến 3 dự án luật khác, gồm: Luật thực hiện dân chủ ở xã, phường, thị trấn và Luật phòng, chống bạo lực gia đình (sửa đổi); Luật dầu khí (sửa đổi). Cả 3 dự án luật này dự kiến sẽ được xem xét thông qua tại kỳ họp thứ 4, ngoài ra, kỳ họp thứ 4 sẽ cho ý kiến dự án Luật bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng (sửa đổi).
Thẩm tra tờ trình của Chính phủ, thường trực Ủy ban Pháp luật cơ bản đồng ý với các nội dung kiến nghị. Đồng thời lưu ý về sự chậm trễ trong việc chuẩn bị các Luật, Pháp lệnh cần ban hành để triển khai thi hành Hiến pháp năm 2013 (ban hành kèm theo nghị quyết số 718/NQ-UBTVQH13), hiện còn 18 dự án Luật, Pháp lệnh chưa được ban hành, trong đó, dự án chậm ban hành lâu nhất là 6 năm, ngắn nhất là 1 năm, các dự án khác ban hành chậm 2-5 năm.
Bên cạnh đó, Thường trực Ủy ban Pháp luật cũng đồng ý với Chính phủ là không tiếp tục xây dựng 8/18 dự án luật, pháp lệnh nêu trên do nhiều nội dung đã được điều chỉnh trong các văn bản pháp luật khác.
Còn lại 10 dự án Luật, Pháp lệnh gồm: Luật về hàm, cấp ngoại giao; Luật tình trạng khẩn cấp; Luật bình đẳng giới (sửa đổi); Luật công nghiệp quốc phòng và động viên công nghiệp; Luật năng lượng nguyên tử; Luật dân số; Luật đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt; Luật về hội; Luật biểu tình; Pháp lệnh đào tạo một số chức danh tư pháp.
Cơ quan của Quốc hội đề nghị "Chính phủ cần xác định rõ thời gian đưa các dự án luật, pháp lệnh trên vào chương trình để các cơ quan của Quốc hội có cơ sở để giám sát và xây dựng kế hoạch công tác". Như vậy, chương trình xây dựng luật, pháp lệnh của Quốc hội đến hết năm 2022 chưa thấy kế hoạch sửa đổi, bổ sung Luật Đất đai 2013.
Cho ý kiến về nội dung này, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế - Vũ Hồng Thanh bày tỏ băn khoăn khi “chưa thấy bóng dáng việc sửa Luật đất đai”, trong khi nội dung này đã được đưa vào kế hoạch hành động của Đảng đoàn Quốc hội và dự kiến được sửa vào cuối tháng 5/2022.
“Thực tế địa phương nêu nhiều vướng mắc liên quan đến luật. Khi sửa Luật Doanh nghiệp, Luật Đầu tư có cái đã sửa, nhưng có những vấn đề cốt lõi phải sửa trong Luật Đất đai”, ông Vũ Hồng Thanh nhấn mạnh, và đề nghị Chính phủ làm rõ hơn việc có kịp chuẩn bị trình sửa luật này hay không.
Có thể bạn quan tâm
Sửa Luật Đất đai 2013: Xác định rõ các thành viên đối với quyền sử dụng đất cấp cho hộ gia đình
04:00, 14/06/2021
Sửa Luật Đất đai 2013: Thống nhất thẩm quyền phê duyệt kế hoạch sử dụng đất cấp tỉnh
04:00, 13/06/2021
Sửa Luật Đất đai 2013: Lấp khoảng trống doanh nghiệp ngoại lách luật sở hữu đất tại Việt Nam
11:00, 12/06/2021
Sửa Luật Đất đai 2013: Gỡ bất cập tách thửa đất
16:58, 11/06/2021
Sửa Luật Đất đai cho mục tiêu phát triển mới
11:00, 20/05/2021