Cửa thoát hiểm của GTN

Nha Trang 10/01/2018 12:16

Gặp trở lực khi phát triển theo mô hình nông nghiệp sạch nhưng có thể nói M&A và tái cấu trúc thời gian qua đã trở thành động lực tăng trưởng của Công ty cổ phần GTNFoods (GTN).

Được thành lập từ năm 2011, CTCP GTNFoods (HOSE: GTN) hoạt động trong các lĩnh vực như sản xuất tre công nghiệp, xây dựng hạ tầng, nông sản, khoáng sản, vật liệu xây dựng,... Tuy nhiên, nhận thấy tiềm năng của ngành nông nghiệp, năm 2014, GTN đã quay sang đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực này và mở rộng thêm ngành hàng tiêu dùng.

Hiện GTN đang sở hữu 95% cổ phần tại Tổng công ty Chè Việt Nam (Vinatea), 35% vốn tại CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (Ladofoods), 65% vốn tại Tổng công ty Chăn nuôi Việt Nam (VLC) - doanh nghiệp đang sở hữu 51% CTCP Giống bò sữa Mộc Châu (Mộc Châu Milk).

Ngoài ra, GTN hiện sở hữu 89% CTCP Sản xuất tre công nghiệp Mộc Châu, 90% CTCP Nhựa miền Trung và 35% CTCP Lâm nghiệp Sài Gòn (Forimex).

GTNfoods đã sở hữu (gián tiếp) được Mộc Châu Milk - một doanh nghiệp sữa tươi sạch lâu đời của Việt Nam.

GTNfoods đã sở hữu (gián tiếp) được Mộc Châu Milk - một doanh nghiệp sữa tươi sạch lâu đời của Việt Nam.

Bài toán của GTN

Để có nguồn vốn cho hoạt động mua bán - sáp nhập (M&A), trong năm 2016, GTN đã thực hiện 2 đợt tăng vốn thông qua phát hành riêng lẻ, qua đó,huy động gần 100 triệu USD. Năm 2017, GTN đã bỏ ra hơn 1.300 tỷ đồng để nâng sở hữu tại VLC lên 65%.

Theo kế hoạch, quá trình tái cơ cấu của GTN dự kiến sẽ hoàn thành vào năm 2018. Thời gian không còn nhiều đã đặt ra áp lực lớn đối với Ban lãnh đạo GTN trong việc hoàn thành các kế hoạch kinh doanh cũng như chứng minh với cổ đông Công ty hiệu quả của các khoản đầu tư góp vốn này.

Đối với Tổng công ty chè Việt Nam (Vinatea) mặc dù có lợi thế về quy mô cũng như thương hiệu, nhưng tăng trưởng của Vinatea trong những năm gần đây khá khiêm tốn. Năm 2016, Vinatea đạt doanh thu hợp nhất 374 tỷ đồng, nhưng lợi nhuận sau thuế hợp nhất chỉ vỏn vẹn 180 triệu đồng.

Trong khi đó, giá trị xuất khẩu chè của Việt Nam đang ở mức rất thấp so với khu vực, bởi chủ yếu là xuất thô, vì vậy biên lợi nhuận của các công ty chè Việt Nam, trong đó có Vinatea rất thấp. Bên cạnh đó, tồn kho lớn cũng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh doanh của Vinatea trong những năm gần đây. Sau gần 2 năm tái cơ cấu, GTN đã cơ bản giải quyết hàng tồn kho hơn 8.000 tấn chè. Năm 2017, Vinatea đặt kế hoạch doanh thu 404 tỷ đồng, lợi nhuận sau thuế 8,9 tỷ đồng.

Về Công ty sữa Mộc Châu, sau khi chi mạnh để nắm 65% vốn VLC, GTN đang nắm quyền kiểm soát tại Mộc Châu Milk, hiện đơn vị này đang triển khai kế hoạch liên kết với hơn 600 hộ nông dân trong chăn nuôi bò nhằm hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng đàn bò 15 - 20%/năm; trong đó số lượng bò chăn nuôi tại Công ty là 3.000 con và nuôi ngoài 19.000 con.

Bài toán ở Mộc Châu Milk lúc này không phải là mở rộng sản xuất mà ở khâu phát triển kênh phân phối. Hiện, GTN lựa chọn hướng đi là kiểm soát kênh phân phối, thay vì mở các điểm bán trực tiếp, nhằm tiết giảm chi phí đầu tư cửa hàng. Tuy nhiên, trước tiềm năng của thị trường sữa tươi Việt Nam và đặc biệt là sự cạnh tranh khốc liệt của các "ông lớn" như Vinamilk và TH True Milk thì bài toán đẩy mạnh tiêu thụ của Mộc Châu Milk không dễ giải.

Với Ladofoods - một doanh nghiệp nhà nước đã cổ phần hóa và dẫn đầu thị trường với thương hiệu Vang Đà Lạt, tuy chỉ sở hữu 35% vốn tại đây nhưng rõ ràng GNT vẫn phải đối mặt với những khó khăn về sản xuất và xây dựng thương hiệu của đơn vị này. Bởi, Việt Nam không phải đất nước có truyền thống sản xuất rượu vang, không có lợi thế về nguồn nguyên liệu và người Việt vẫn thích uống bia hơn rượu vang. Đặc biệt, nguồn nguyên liệu là yếu tố quyết định chất lượng sản phẩm, chỉ cần khác giống nho thì chất rượu vang cũng đã khác. Mặt khác, người tiêu dùng Việt Nam vẫn chưa tin Vang Đà Lạt có thể sản xuất những loại vang cao cấp nên sản phẩm của Công ty tiêu thụ khó hơn so với vang ngoại nhập.

Theo chia sẻ từ Giám đốc Đầu tư của GTNFoods, dự kiến GTNFoods sẽ bán CTCP Nhựa miền Trung, dự kiến thu về hàng trăm tỷ đồng tiền mặt, bổ sung nguồn vốn tiếp tục thâu tóm các doanh nghiệp phù hợp. Hiện tại Công ty đang rất cố gắng để thoái vốn tại những doanh nghiệp ngoài ngành, tuy nhiên việc này thực sự rất khó khăn.

Điểm sáng của GTN

Với một thị trường có tốc độ tăng trưởng như thị trường thực phẩm và hàng tiêu dùng nhanh của Việt Nam chính là cơ hội cho những công ty dẫn đầu ngành như GTN phát triển nhanh về quy mô cũng như lợi nhuận. 

Theo lãnh đạo GTN chia sẻ GTN đang tập trung vào 3 mảng Sữa, Trà và Vang và hiện đang tái cấu trúc từ bên trong để nâng cao sức mạnh nội tại của cả 3 mảng kinh doanh cốt lõi này.

Kể từ khi bước chân vào ngành nông nghiệp sạch và hàng tiêu dùng khi trên thị trường đã có nhiều doanh nghiệp lớn khác cũng đã đầu tư mạnh vào lĩnh vực nông nghiệp sạch như Vingroup, Vinasoy, Lasuco… GTNfoods đã chọn rút ngắn con đường đến nông nghiệp sạch bằng cách đầu tư vào các doanh nghiệp lớn của nhà nước có thương hiệu lâu đời với bề dày lịch sử hoạt động cùng các sản phẩm phổ biến và chất lượng tài sản tốt nhưng gặp nhiều rào cản trong phát triển kênh phân phối, bán hàng và marketing.

Chỉ sau chưa đầy 3 năm miệt mài M&A, GTNfoods đã sở hữu (gián tiếp) được Mộc Châu Milk - một doanh nghiệp sữa tươi sạch lâu đời của Việt Nam. Trong năm 2017 công ty đã thực hiện nâng sở hữu tại VLC lên 73,7% tính tới hiện tại, và có kế hoạch tiếp tục gia tăng tỷ lệ sở hữu tại Mộc Châu Milk thông qua tăng sở hữu cổ phiếu VLC hoặc MCM. Hiện, đàn bò của Mộc Châu Milk đạt 23.000 con bò sữa và còn mở rộng trong thời gian tới và mảng Sữa của Mộc Châu Milk cũng đã đóng góp lớn vào doanh thu của GTNfoods với 80%.

Bên cạnh đó, GTNfoods cũng tham gia mạnh mẽ vào việc tái cơ cấu CTCP Thực phẩm Lâm Đồng (“Ladofoods”) - một doanh nghiệp lâu đời với sản phẩm đã ghi dấu ấn tên tuổi là Vang Đà Lạt. Đến nay Ladofoods cũng đã đầu tư thành công dự án vùng nguyên liệu nho rượu chất lượng cao đầu tiên tại Việt Nam với diện tích trồng là 20ha tại Ninh Sơn, Ninh Thuận với phương pháp canh tác nông nghiệp công nghệ cao. GTN đã dành 2 năm để tái cấu trúc Ladofoods và hiện nay đang tiếp tục tái cấu trúc các đơn vị thành viên còn lại.

Với Tổng công ty chè Việt Nam - CTCP (Vinatea). Từ khi GTNfoods tiếp quản, Vinatea đã nhanh chóng thay đổi mạnh mẽ từ một doanh nghiệp nhà nước với phương thức quản lý cũng như canh tác lạc hậu thành một doanh nghiệp thay đổi hoàn toàn từ nhân sự đến nhận diện thương hiệu…Vinatea được xây dựng hệ thống quản trị nông nghiệp tập trung, áp dụng nghiêm ngặt các quy định về canh tác và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật tại các vùng nguyên liệu có diện tích lên đến 4.700ha, an toàn với người sản xuất và cả môi trường, tiết kiệm chi phí.

Theo báo cáo của VPBS, kết quả kinh doanh của Công ty tiếp tục tăng trưởng, theo kết quả kinh doanh 9 tháng đầu năm 2017, doanh thu hợp nhất đạt khoảng 2.959 tỷ đồng, tăng 119% so với cùng kỳ năm trước, và đạt 75% kế hoạch năm. Lợi nhuận sau thuế đạt 134 tỷ đồng, tăng trưởng 1.575% so với cùng kỳ năm trước, và đạt 67% kế hoạch năm.

Tính tới thời điểm hiện tại, GTN có số dư tiền gửi khoảng trên 1.000 tỷ đồng. Dự kiến GTN sẽ tiếp tục thực hiện các hoạt động M&A các doanh nghiệp phù hợp với tầm nhìn chiến lược trong năm 2018, sẽ là động lực tăng trưởng cho kết quả kinh doanh của Công ty.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Cửa thoát hiểm của GTN
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO