Đào tạo kỹ năng xanh giúp nhân lực logistics nhận thức, thực hành các phương pháp tối ưu hóa nguồn lực, tiết kiệm năng lượng, giảm thải và bảo vệ môi trường.
>>>VILOG 2024: Logistics Việt Nam thành điểm nóng thu hút đầu tư
Diễn đàn Đào tạo nhân lực Logistics Việt Nam (VLET) Lần thứ IV vừa được tổ chức bởi Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), Hiệp hội Phát triển nhân lực Logistics Việt Nam (VALOMA) và Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI) trong khuôn khổ của Triển lãm Quốc tế Logistics Việt Nam (VILOG 2024).
Phát biểu tại Diễn đàn Đào tạo nhân lực Logistics Việt Nam (VLET) Lần thứ IV với chủ đề “Đào tạo kỹ năng xanh cho nhân lực ngành logistics và SCM – gắn kết ESG”, ông Trần Thanh Hải, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu Bộ Công Thương nhấn mạnh, đào tạo kỹ năng xanh giúp nhân lực logistics có được nhận thức, kỹ năng thực hành tốt, ko chỉ là kỹ năng về vận hành, dự báo, điều hành mà còn là kỹ năng bảo vệ môi trường.
Thời gian qua, các doanh nghiệp đã quan tâm nhưng nhận thức của doanh nghiệp và cơ sở đào tạo về kỹ năng xanh còn chưa đồng đều, một số nơi còn thấp. Chúng tôi muốn thông qua hội thảo để thống nhất nhận thức về ESG, đưa vào các nội dung đào tạo của các cơ sở đào tạo, và đưa nội dung tập huấn cho nhân lực về logistics của các doanh nghiệp.
“Đào tạo kỹ năng xanh giúp nhân lực logistics nhận thức và thực hành các phương pháp tối ưu hóa nguồn lực, tiết kiệm năng lượng, giảm thải khí nhà kính, và sử dụng tài nguyên một cách hiệu quả. Điều này không chỉ giúp doanh nghiệp tuân thủ các quy định về môi trường mà còn nâng cao hiệu quả hoạt động và giảm chi phí”, Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu nhấn mạnh.
Bà Võ Thị Phương Lan, Phó Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) cho rằng, những thách thức hiện tại đang đòi hỏi sự chuyển mình mạnh mẽ cho đội ngũ nhân lực ngành logistics. Chủ đề Diễn đàn hôm nay hướng tới các kỹ năng xanh, giảm thiểu các kỹ năng ảnh hưởng tiêu cực đến môi trường, không chỉ giúp bảo vệ môi trường mà còn là yếu tố then chốt giúp doanh nghiệp logistics và chuỗi cung ứng đáp ứng yêu cầu của thị trường.
Theo bà Võ Thị Phương Lan, kỹ năng xanh không chỉ là một yêu cầu thiết yếu để phát triển, mà đối với Việt Nam chúng ta, đó còn là đòi hỏi cấp bách để có thể không bị tụt hậu so với các nước phát triển. Vì vậy, Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA) là tổ chức liên kết, hợp tác những nhà cung cấp dịch vụ giao nhận vận tải, logistics trong và ngoài nước nhằm kiến tạo vai trò một ngành kinh tế mũi nhọn và nâng cao tính chuyên nghiệp, phát triển dịch vụ logistics hiện đại, kết nối logistics khu vực và toàn cầu, đóng góp hiệu quả vào việc phát triển doanh nghiệp trong ngành, trong đó kỹ năng xanh là vấn đề cấp bách cần được chú trọng.
"Thông qua Viện Nghiên cứu và Phát triển Logistics Việt Nam (VLI), là đơn vị đào tạo của Hiệp hội Doanh nghiệp Dịch vụ Logistics Việt Nam (VLA), đang cung cấp các khóa đào tạo kỹ năng xanh ngắn hạn và dài hạn do VLI thiết kế theo nhu cầu thực tế của ngành logistics. Bên cạnh công tác đào tạo, để phát triển kỹ năng xanh cho nguồn nhân lực Việt Nam, VLI còn tích cực tham gia vào các công tác nghiên cứu và tư vấn nhiều công trình có tính ứng dụng và giá trị cao đối với lĩnh vực Logistics trong và ngoài nước", Phó Chủ tịch VLA nhấn mạnh.
>>>Hạ tầng logistics đang "kìm chân" xuất nhập khẩu hàng hoá vùng Đông Nam Bộ
Từ góc độ doanh nghiệp, ông Trương Tấn Lộc, Giám đốc Marketing Tổng Công ty Tân Cảng Sài Gòn (SNP) cho biết, trong suốt 35 năm hoạt động, doanh nghiệp luôn đặt trọng tâm vào phát triển bền vững, không ngừng ứng dụng công nghệ mới và phát triển nguồn nhân lực phù hợp.
Hiện nay, hệ thống cảng biển Việt Nam được phân thành 5 nhóm với 45 cảng biển gồm 298 bến cảng với 107km chiều dài bến tàu. Theo thông tin từ ông Lộc, sản lượng thông qua cảng biển năm 2023 đạt 756,8 triệu tấn (tăng 5% so với cùng kỳ); sản lượng container thông qua năm 2023 (nội địa/quốc tế) đạt 24,7 triệu Teu (tăng 27% so với cùng kỳ) và sản lượng thông qua 6 tháng đầu năm 2024 đạt 427,645 triệu tấn (tăng 18% so với cùng kỳ).
Cụ thể, về phát triển cảng xanh, ông Trương Tấn Lộc nhấn mạnh: “Tân Cảng luôn chú trọng đầu tư cơ sở hạ tầng cơ sở hạ tầng, nâng cấp thiết bị để xây dựng Cảng Xanh. Sử dụng năng lượng sạch và tiết kiệm năng lượng. Đồng thời, ứng dụng công nghệ thông tin giúp quản lý năng lượng hiệu quả”. Đồng thời cho biết doanh nghiệp luôn quan tâm công tác thực hiện Trách nhiệm xã hộI và Quản trị doanh nghiệp.
Đặc biệt chia sẻ về những giá trị mà thực hành ESG mang lại cho doanh nghiệp, ông Trương Tấn Lộc cho biết, thực hành ESG giúp nâng cao uy tín doanh nghiệp, tạo giá trị thương hiệu, mở rộng kinh doanh và tăng cơ hội thu hút đầu tư.
Đồng thời, nâng cao tiềm năng mở rộng thị trường đến những thị trường khó, tiêu chuẩn cao. Giúp giảm chi phí, tăng doanh thu lợi nhuận, tăng năng lực cạnh tranh, cải thiện hiệu quả làm việc của nhân viên.
Tuy nhiên, Giám đốc Marketing SNP cũng thẳng thắn chia sẻ về những thách thức chính mà công ty logistics có thể gặp phải khi áp dụng các tiêu chuẩn ESG. Ông Trương Tấn Lộc chia sẻ, doanh nghiệp logistics có thể gặp nhiều khó khăn và thuận lợi khác nhau đối với những doanh nghiệp lớn nhỏ khác nhau.
“Nhìn chung, các doanh nghiệp gặp thách thức về nhận thức, ý thức của nhân lực cũng như ban lãnh đạo trong việc quản lý và phát triển nhân lực theo hướng ESG. Các doanh nghiệp cần phải quyết tâm hơn nữa trong chính sách chuyển đổi số theo hướng xanh của doanh nghiệp và phải có kế hoạch phát triển phù hợp theo định hướng ESG”, ông Trương Tấn Lộc nhận định.
Đề xuất giải pháp cho vấn đề này, từ góc độ cơ sở đào tạo, PGS. TS. Nguyễn Thị Thu Hà, Phó Giám đốc Trường Đại Học Ngoại Thương Cơ sở II nhấn mạnh, trong bối cảnh hội nhập toàn cầu, để đào tạo kỹ năng xanh cho nguồn nhận lực Logistics và SCM cần tập trung vào thiết lập các bộ kỹ năng xanh cho nhân lực, cần có tiêu chuẩn đầu ra cho các cơ sở đào tạo nguồn nhân lực gắn kết với kỹ năng xanh trong Logistics.
Trong khi đó, PGS. TS. Lê Hoài Quốc, Chủ tịch Hội tự động hóa TP.HCM cho rằng, doanh nghiệp cần có nhận thức đúng đắn và định hướng từ ban đầu cho nhân lực. Bên cạnh đó, đào tạo kiến thức và kỹ năng xanh và có những tiêu chuẩn đầu ra cụ thể, những kiến thức chuyên môn sâu cho nguồn nhân lực, đặc biệt là nhận thức về ESG. Bên cạnh đó tìm giải pháp để các công ty cắt giảm khí thải có hại cho môi trường, cùng nhau chung tay bảo vệ môi trường. Sử dụng AI như một trợ lý ảo tìm kiếm lời giải cho các vấn đề đào tạo kỹ năng xanh, bảo vệ môi trường.
Có thể bạn quan tâm
03:30, 02/08/2024
12:23, 01/08/2024
10:36, 31/07/2024
13:09, 23/07/2024
18:30, 19/07/2024
14:00, 13/07/2024