Để đáp ứng nhu cầu thực tiễn, góp ý Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi), nhiều ý kiến đề nghị bổ sung vào Dự thảo Luật (sửa đổi) loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh...
Tiếp tục Chương trình Hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 6, các đại biểu thảo luận và cho ý kiến về Dự án Luật Công chứng (sửa đổi).
Thông tin về Dự thảo Luật (sửa đổi), Phó Chủ tịch Quốc hội – Nguyễn Khắc Định cho biết, sau khi tiếp thu, chỉnh lý, Dự thảo Luật Công chứng (sửa đổi) có 79 Điều (sửa đổi, bổ sung 70 Điều; giữ nguyên 08 Điều; bổ sung 01 Điều 36a; do đó, số lượng điều tăng lên 01 Điều so với Dự thảo Luật Chính phủ trình Quốc hội).
Thảo luận tại Hội nghị, đa số ý kiến đại biểu Quốc hội cơ bản tán thành với các nội dung lớn đã được tiếp thu, chỉnh lý của Dự thảo Luật; đồng thời, góp ý vào một số vấn đề cụ thể khác, trong đó có quy định về mô hình tổ chức của Văn phòng công chứng (Điều 20).
Tham gia góp ý Dự thảo, đại biểu Nguyễn Trường Giang – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Đắk Nông đề nghị, bổ sung vào Dự thảo Luật loại hình tổ chức hành nghề công chứng là doanh nghiệp tư nhân bên cạnh công ty hợp danh.
Theo đại biểu, có thể nghiên cứu quy định theo hướng, loại hình doanh nghiệp tư nhân và công ty hợp danh được áp dụng đối với Văn phòng công chứng thành lập ở vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, đặc biệt khó khăn; đối với các địa bàn khác chỉ áp dụng loại hình công ty hợp danh. Việc bổ sung mô hình Văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân có ưu điểm là mở rộng sự lựa chọn của Công chứng viên khi thành lập tổ chức hành nghề công chứng.
Đối với một số bất cập của mô hình doanh nghiệp tư nhân, đại biểu cho rằng, có thể khắc phục được, bởi Luật hiện hành và Dự thảo Luật đều quy định cho phép Văn phòng công chứng được thuê Công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng, qua đó đã giải quyết những bất cập của mô hình doanh nghiệp tư nhân do phụ thuộc vào một Công chứng viên duy nhất…
Đồng quan điểm, đại biểu Nguyễn Minh Tâm – Phó Trưởng đoàn chuyên trách Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Quảng Bình cho rằng, việc bổ sung mô hình Văn phòng công chứng là doanh nghiệp tư nhân có ưu điểm là tạo hướng mở cho việc thành lập văn phòng công chứng, góp phần tiếp tục đẩy mạnh việc xã hội hoá hoạt động công chứng, tăng tính cạnh tranh, tạo thuận lợi cho người dân trong việc lựa chọn tổ chức công chứng khi thực hiện các giao dịch mà pháp luật yêu cầu phải công chứng, giảm chi phí tuân thủ pháp luật.
Mặt khác, Luật hiện hành và Dự thảo Luật đều quy định cho phép Văn phòng công chứng được thuê công chứng viên làm việc theo hợp đồng lao động, ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động công chứng và Luật không giới hạn phạm vi, thẩm quyền công chứng của Công chứng viên theo địa hạt nơi Tổ chức hành nghề công chứng đặt trụ sở.
“Việc quy định văn phòng công chứng phải có từ hai thành viên hợp danh trở lên như hiện nay dẫn đến tình trạng hợp danh hình thức, gây khó khăn trong thời gian qua, có địa phương số việc công chứng không nhiều, chỉ cần 01 công chứng viên hành nghề có thể đáp ứng được...”, đại biểu bày tỏ.
Liên quan đến nội dung này, đại biểu Đặng Bích Ngọc – Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Hòa Bình cũng đề nghị, nên sửa đổi quy định theo hướng cho phép Văn phòng công chứng được tổ chức theo 02 loại mô hình doanh nghiệp là doanh nghiệp tư nhân hoặc công ty hợp danh.
Lý giải cho đề xuất đã nêu, đại biểu cho biết, theo quy định tại Điều 177, 188 của Luật Doanh nghiệp, cả hai loại hình doanh nghiệp là công ty hợp danh và doanh nghiệp tư nhân tuy có sự khác nhau về số lượng thành viên làm chủ doanh nghiệp, nhưng có sự giống nhau là chủ doanh nghiệp đều phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về mọi hoạt động, nghĩa vụ của doanh nghiệp. Như vậy, về mặt mô hình cả 2 loại hình doanh nghiệp này đều có thể tạo sự tin tưởng cho đối tác, khách hàng bởi chế độ trách nhiệm vô hạn.
Theo đại biểu, thực tiễn hiện nay, rất nhiều Phòng công chứng hoạt động chỉ có 1 công chứng viên duy nhất, vẫn đảm bảo hoạt động thường xuyên, đảm bảo nhu cầu của người dân.