Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 được hình thành với mục tiêu “phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”.
>>CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: 4 đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế
Chiều 2/11, thực hiện chủ trương của Uỷ ban thường vụ Quốc hội, Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội phối hợp với Ban Kinh tế TW và Viện Hàn Lâm Khoa học Xã hội Việt Nam tổ chức Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021: Phục hồi và Phát triển bền vững.
Báo cáo tóm tắt về Chương trình, nội dung Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021, ông Nguyễn Minh Sơn, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho biết, thời gian vừa qua, Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ đã ban hành nhiều chính sách kịp thời về phòng, chống dịch bệnh, hỗ trợ doanh nghiệp, người dân chịu tác động của dịch COVID-19.
Chính phủ và các Bộ, ngành đã chủ động, tích cực triển khai nhiều giải pháp để ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp và người dân.
Tuy nhiên, nền kinh tế của nước ta vẫn đang chịu tác động mạnh mẽ và tiêu cực của dịch COVID-19, đặc biệt từ đợt bùng phát dịch bệnh lần thứ tư, đã ảnh hưởng cả trong ngắn hạn, trung hạn và dài hạn, đến tất cả các ngành, lĩnh vực, nền kinh tế phải đối mặt với không ít rủi ro, nguy cơ, thách thức về lạm phát, thiếu nguyên, vật liệu đầu vào, ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn, lao động việc làm, an sinh xã hội, an ninh, trật tự xã hội…
Tăng trưởng GDP Quý III năm 2021 giảm sâu chưa từng có (-6,17%), sản xuất của doanh nghiệp bị đình trệ, chuỗi cung ứng bị đứt gãy, lao động, việc làm, đời sống của người dân gặp rất nhiều khó khăn, gây ảnh hưởng đến các cân đối vĩ mô và việc thực hiện các mục tiêu phát triển kinh tế-xã hội năm 2021 và giai đoạn 5 năm 2021-2025.
Nghị quyết số 32/2021/QH15 về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2022 đã xác định: Tận dụng mọi cơ hội để thúc đẩy phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội trên cả nước, trong từng ngành, lĩnh vực, địa phương và duy trì các động lực tăng trưởng trong dài hạn.
Kiên trì giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao tính tự chủ, khả năng chống chịu, thích ứng của nền kinh tế. Nghị quyết đặt ra chỉ tiêu Tốc độ tăng tổng sản phẩm trong nước (GDP) khoảng 6-6,5%. Nghị quyết số 34/2021/QH15 về dự toán ngân sách nhà nước năm 2022 đã xác định mức bội chi ngân sách nhà nước tương đương 4% tổng sản phẩm trong nước (GDP).
Để thực hiện thành công các nghị quyết của Quốc hội, cấp thiết, khẩn trương phải có các chính sách hỗ trợ cả vềkinh tế và xã hội trên cơ sở phù hợp với điều kiện, bối cảnh thực tiễn của đất nước để bảo vệ thành quả đã đạt được trong thời gian qua, tránh nguy cơ tụt hậu và gia tăng khoảng cách với các nước phát triển trên thế giới, đạt được các mục tiêu trước mắt cũng như trong dài hạn.
“Xuất phát từ mong muốn và nhu cầu thực tiễn, Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 được hình thành với mục tiêu “phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”. Thông qua Diễn đàn sẽ có thêm căn cứ khoa học và thực tiễn, đồng hành cùng Chính phủ trong việc xây dựng, thảo luận và ban hành chính sách hỗ trợ nền kinh tế sớm vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng, phát triển, thích ứng tốt hơn với trạng thái bình thường mới, không “lỡ nhịp” xu thế phát triển của thế giới”, ông Sơn nói.
Trao đổi về vục tiêu và mục đích của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam, theo ông Nguyễn Minh Sơn, Diễn đàn sẽ mở rộng về nội dung, quy mô, không chỉ về các vấn đề kinh tế, mà còn đề cập sâu sắc về các vấn đề xã hội, môi trường. Đứng về phía Quốc hội, Diễn đàn bao hàm các mục đích sau.
Tiếp tục đổi mới, cải tiến, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội; các cơ quan của Quốc hội trong tăng cường giám sát việc thi hành Hiến pháp, luật, pháp lệnh, nghị quyết; nâng cao chất lượng quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, năng lực dự báo với tầm nhìn dài hạn, tổng thể, nhất là các vấn đề về kinh tế vĩ mô, tài chính, ngân sách nhà nước, đầu tư công, tài nguyên, môi trường, lao động, việc làm…
Góp phần đề xuất, kiến nghị giải pháp nhằm thể chế hóa Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng, Chiến lược phát triển kinh tế - xã hội 10 năm giai đoạn 2021-2030; triển khai các nghị quyết của Quốc hội; nâng cao chất lượng, tính đồng bộ, khả thi của các đạo luật…
Phát huy tối đa, tập hợp được đầy đủ trí tuệ, đóng góp không chỉ của các vị đại biểu Quốc hội mà đông đảo Nhân dân, cử tri; thu hút, hình thành mạng lưới các chuyên gia, nhà khoa học, nhà quản lý chuyên sâu, hàng đầu trong nước, các chuyên gia của các tổ chức quốc tế.
Hình thành các luận cứ khoa học, thực tiễn có chất lượng, là đầu vào quan trọng để các cơ quan của Quốc hội tham vấn trong quá trình xây dựng báo cáo ý kiến đánh giá việc thực hiện các nghị quyết của Quốc hội và các chức năng, nhiệm vụ khác theo quy định.
Trao đổi về một số mục tiêu, kết quả gắn với “Phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội”, ông Sơn cho biết, thứ nhất đưa các hoạt động sản xuất, kinh doanh, đời sống văn hóa, xã hội của người dân, doanh nghiệp trở lại trạng thái hoạt động bình thường mới trong thời gian ngắn nhất.Lan tỏa, cũng cố niềm tin cho người dân, doanh nghiệp cũng các nhà đầu tư.
Thứ hai, phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội mạnh mẽ theo lộ trình 02 năm trên cơ sở thực hiện hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 để thích ứng “an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch COVID-19”.
Thứ ba, bảo đảm giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, các cân đối lớn; thúc đẩy tăng trưởng nhanh, mở rộng quy mô nền kinh tế, nỗ lực thực hiện mục tiêu tăng trưởng kinh tế bình quân giai đoạn 2021-2025 khoảng 6,5 - 7%/năm.
Thứ tư, điều hành các chính sách tài khóa, tiền tệ linh hoạt, hiệu quả để hỗ trợ phục hồi hoạt động sản xuất, kinh doanh, thúc đẩy xuất khẩu, tiêu dùng nội địa, đẩy mạnh đầu tư…
Thứ năm, nuôi dưỡng và củng cố nguồn thu cho ngân sách nhà nước trong trung và dài hạn, tiếp tục cơ cấu lại thu, chi ngân sách nhà nước, bảo đảm tính chủ đạo của ngân sách trung ương, tăng tính chủ động của ngân sách địa phương; duy trì ổn định hệ thống các tổ chức tín dụng, trọng tâm là hệ thống ngân hàng, phát triển cân bằng hơn giữa thị trường vốn và thị trường tiền tệ.
Thứ sáu, phát triển thị trường lao động, tạo việc làm, cơ cấu lại, nâng cao chất lượng lực lượng lao động.
Thứ bảy, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, đời sống của người dân, người lao động, nhất là người nghèo, người yếu thế, đối tượng chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch bệnh COVID-19…
Chia sẻ về một số nội dung trọng tâm của Diễn đàn, ông Sơn cho biết, Diễn đàn sẽ đánh giá toàn diện, khách quan thực trạng nền kinh tế Việt Nam trong năm 2020 và năm 2021; các chính sách đã thực hiện để ứng phó đối với dịch COVID-19 và kết quả.
Làm rõ bối cảnh quốc tế, dự báo, đánh giá về diễn biến của dịch COVID-19 với biến thể, biến chủng mới; xu hướng cơ cấu lại nền kinh tế do tác động của COVID-19; xu hướng sản xuất, kinh doanh thay đổi do tác động của dịch bệnh; nghiên cứu các chính sách ứng phó với dịch COVID-19 đã được thực hiện trên thế giới, hiệu quả và những rủi ro đi kèm, từ đó rút ra các bài học kinh nghiệm cho Việt Nam;
Đưa ra các gợi ý về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ, sự phối hợp giữa các chính sách nhằm hỗ trợChương trình tổng thể phục hồi kinh tế - xã hội (đối tượng, phạm vi, quy mô…); huy động và sử dụng tối đa, đồng bộ, hiệu quả nguồn lực; thực hiện linh hoạt, phù hợp, tận dụng tối đa những dư địa của của nền kinh tế; đề xuất các nhiệm vụ, giải pháp, cơ chế thực hiện cụ thể với nguồn lực kèm theo.
Đề xuất giải pháp có trọng tâm, trọng điểm, tập trung vào các chính sách tác động ngay, một số chính sách dài hạn tác động đến động lực tăng trưởng nền kinh tế, cũng như xuất khẩu, tiêu dùng nội địa và một số ngành, lĩnh vực, đối tượng ưu tiên… gắn kết hữu cơ với giải quyết các vấn đề xã hội.
>>Khuyến nghị chính sách phục hồi nền kinh tế: (Kỳ II) Hình thành và chú trọng chuỗi cung ứng ngắn độc lập
Tại cuộc họp báo, ông Bùi Văn Cường, Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội đã giới thiệu Trang thông tin điện tử Diễn đàn Kinh tế Việt Nam 2021. Theo ông Cường, để góp phần tuyên truyền hiệu quả về ý nghĩa, mục đích, chương trình, nội dung của Diễn đàn Kinh tế Việt Nam năm 2021 tới đông đảo cử tri, Nhân dân cả nước và bạn bè quốc tế, Ban Tổ chức trân trọng giới thiệu tới các vị đại biểu, các vị khách quý, phóng viên các cơ quan thông tấn, báo chí về website chính thức của Diễn đàn với tên miền là: diendankinhte.quochoi.vn.
Website được thiết kế hiện đại, với 2 ngôn ngữ Tiếng Việt và Tiếng Anh, là công cụ để Ban Tổ chức tổng hợp, cung cấp các thông tin chính thống về Diễn đàn Kinh tế Việt Nam không chỉ trong năm 2021 mà còn duy trì vận hành, cập nhật thông tin cho các kỳ tổ chức Diễn đàn tiếp theo.
Trang thông tin điện tử sẽ giúp các chuyên gia, nhà khoa học, các cơ quan, tổ chức, đơn vị, các cơ quan thông tấn báo chí trong và ngoài nước cũng như các cá nhân có nhu cầu khai thác, tìm hiểu thông tin, tài liệu tham khảo đa dạng và phong phú liên quan đến diễn đàn Kinh tế Việt Nam.
Đặc biệt, Website Diễn đàn kinh tế Việt Nam sẽ cung cấp kịp thời các tài liệu, ảnh, video tạo điều kiện thuận lợi cho các phóng viên, nhà báo khai thác, phục vụ công tác đưa tin về Diễn đàn đảm bảo tính thời sự, chính xác, đầy đủ và thu hút sự quan tâm của đông đảo cử tri, Nhân dân cả nước cũng như của các cơ quan, tổ chức nước ngoài về các vấn đề kinh tế, xã hội của Việt Nam và thế giới.
Để các thông tin về Diễn đàn được liên tục, hiệu quả, ngày càng phong phú, đa dạng, Văn phòng Quốc hội giao Vụ Thông tin là đơn vị chủ trì, phối hợp với các Vụ, đơn vị trong Văn phòng Quốc hội, các cơ quan hữu quan tổ chức và vận hành Website Diễn đàn Kinh tế Việt Nam.
Có thể bạn quan tâm
CẢI CÁCH THỦ TỤC HÀNH CHÍNH: 4 đề xuất hỗ trợ doanh nghiệp và phục hồi nền kinh tế
16:18, 30/11/2021
Khuyến nghị chính sách phục hồi nền kinh tế: (Kỳ II) Hình thành và chú trọng chuỗi cung ứng ngắn độc lập
04:00, 22/11/2021
Khuyến nghị chính sách phục hồi nền kinh tế: (Kỳ I) Phối hợp chính sách tài khoá và tiền tệ
04:00, 19/11/2021
Phục hồi nền kinh tế phải có giải pháp mạnh và thông suốt
03:00, 12/11/2021