Kinh tế địa phương

Đón cơ hội từ chuyển đổi số

Phương Anh 13/12/2024 13:43

Tuyên Quang xác định lấy người dân và doanh nghiệp làm trung tâm của quá trình chuyển đổi số.

Xác định chuyển đổi số là xu thế tất yếu và là một trong những mục tiêu quan trọng, góp phần chuyển dịch mô hình phát triển kinh tế, tỉnh Tuyên Quang đã xây dựng nhiều giải pháp trọng tâm, trong đó đặc biệt đẩy mạnh thu hút đầu tư, chú trọng thu hút phát triển các doanh nghiệp công nghệ số, thương mại điện tử và sản xuất thông minh.

Hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số

Đẩy mạnh công cuộc chuyển đổi số, phát triển kinh tế số, Tuyên Quang đã sớm ký kết thỏa thuận hợp tác với các tập đoàn lớn như: Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT), Tập đoàn Công nghiệp - Viễn Thông Quân đội (Viettel), Tập đoàn FPT. Qua đó, tạo thuận lợi để các doanh nghiệp viễn thông, công nghệ thông tin trên địa bàn tỉnh phát triển các nền tảng phục vụ chuyển đổi số tạo sự chuyển biến mạnh mẽ trong mọi lĩnh vực của đời sống, xã hội.

anh-hung(1).jpg
Ông Nguyễn Tiến Hưng, Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang

Ông NGUYỄN TIẾN HƯNG,
Giám đốc Trung tâm xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang:

Việc triển khai các ứng dụng số trong hoạt động kinh doanh giúp đẩy nhanh quá trình chuyển đổi số của các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh, góp phần phát triển kinh tế số.

Thực hiện Đề án phát triển thanh toán không dùng tiền mặt giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh Tuyên Quang đã đẩy mạnh triển khai các dịch vụ ngân hàng số, nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm dịch vụ ngân hàng, dịch vụ thanh toán hiện đại, tiện lợi, đảm bảo an ninh, an toàn trong thanh toán. Trên địa bàn tỉnh có 9 ngân hàng với 70 địa điểm giao dịch; hệ thống máy giao dịch và thiết bị chấp nhận thanh toán gồm có 1 ngân hàng số, 94 máy giao dịch tự động ATM/CDM, trên 64.500 QR Pay, QR code, Viet QR đang hoạt động…

Cùng với đó, toàn tỉnh đã phát triển được hơn 277.000 tài khoản Mobile Money, ví điện tử (do VNPT, Viettel và MobiFone triển khai cung cấp dịch vụ) đang hoạt động để khách hàng có thể thanh toán các giao dịch trực tuyến dễ dàng, thuận tiện. Tỷ lệ dân số từ 15 tuổi trở lên trên địa bàn tỉnh có tài khoản giao dịch thanh toán tại ngân hàng hoặc tổ chức được phép khác đạt khoảng 85%;... tạo nền tảng quan trọng thúc đẩy thanh toán số, kinh tế số phát triển.

VNPT Tuyên Quang là đơn vị tiên phong chuyển đổi số và cung cấp hạ tầng số hóa cho doanh nghiệp. VNPT Tuyên Quang đã chuẩn bị tốt về hạ tầng số, thực hiện vận hành số và đưa công tác chỉ đạo điều hành lên môi trường số. Đồng thời, đưa khách hàng lên môi trường số và phối hợp, đồng hành triển khai được rất nhiều các sản phẩm, giải pháp phục vụ cho quá trình chuyển đổi số doanh nghiệp như: hóa đơn điện tử, chữ ký số, hợp đồng điện tử… cho trên 7.000 tổ chức, doanh nghiệp, từng bước góp phần xây dựng nền kinh tế số trên địa bàn tỉnh.

img_20241009080750.jpg
Người dân tra cứu, tìm hiểu thông tin, hướng dẫn giải quyết thủ tục hành chính, cách thanh toán online... tại Trung tâm Phục vụ hành chính công của tỉnh Tuyên Quang.

Đẩy mạnh thương mại điện tử

Phát triển nền kinh tế số, Tuyên Quang đã đẩy mạnh các hoạt động tuyên truyền, quảng bá thúc đẩy tiêu thụ các sản phẩm OCOP của tỉnh trên các phương tiện thông tin đại chúng; triển khai các gian hàng trên các sàn thương mại điện tử Postmart (nay là buudien.vn), Voso; tích cực hỗ trợ doanh nghiệp chuyển đổi số.

Sàn giao dịch thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang (www.santmdttuyenquang.gov.vn) được xây dựng và vận hành với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp trưng bày, quảng bá sản phẩm hàng hóa của tỉnh. Hiện nay, toàn tỉnh có 977 doanh nghiệp đăng ký tham gia Sàn Thương mại điện tử tỉnh Tuyên Quang với 2.493 sản phẩm về nông, lâm, thủy sản, dịch vụ du lịch, lữ hành...; 229 sản phẩm của 237 doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh trên địa bàn tỉnh được giới thiệu trên Chương trình “Mỗi xã một sản phẩm”...

Để thúc đẩy ứng dụng công nghệ thông tin, chuyển đổi số trong xúc tiến thương mại, tiêu thụ sản phẩm, các sở, ngành trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh xúc tiến thương mại gắn với hoạt động kết nối tiêu thụ sản phẩm qua các sàn thương mại điện tử. Đồng thời, tổ chức lớp đào tạo nguồn nhân lực, phát triển thương mại điện tử với mục tiêu hỗ trợ doanh nghiệp, HTX trưng bày, quảng bá, bán sản phẩm hàng hóa trên các sàn thương mại…

Ông Nguyễn Tiến Hưng - Giám đốc Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang cho biết, để thương mại điện tử tiến gần hơn tới các đơn vị sản xuất kinh doanh, Trung tâm Xúc tiến đầu tư tỉnh Tuyên Quang sẽ đẩy mạnh phối hợp với các đơn vị liên quan tăng cường tuyên truyền, vận động doanh nghiệp đưa sản phẩm lên các sàn; tổ chức tập huấn về thương mại điện tử, sớm đưa thương mại điện tử trở thành hoạt động thường ngày của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

Tỉnh Tuyên Quang phấn đấu đến năm 2025, doanh thu trao đổi qua thương mại điện tử chiếm 10% so với tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng; 35% dân số của tỉnh tham gia mua sắm trực tuyến; 50% doanh nghiệp vừa và nhỏ hoạt động trong lĩnh vực thương mại kinh doanh tham gia các sàn thương mại điện tử; 80% website thương mại điện tử có tích hợp chức năng đặt hàng trực tuyến... Từ đó, giúp sản phẩm tiêu thụ tốt hơn, đưa thương hiệu OCOP và các sản phẩm của tỉnh vươn xa hơn trên các thị trường trong và ngoài nước.

Trong thời gian tới, tỉnh cũng tiếp tục đẩy mạnh ứng dụng thương mại điện tử hỗ trợ các ngành hàng xuất khẩu chủ lực, mở rộng tiêu thụ cho hàng hóa nội địa và ứng dụng các công nghệ mới trong thương mại điện tử, hỗ trợ quá trình chuyển đổi số của doanh nghiệp, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp và năng lực cạnh tranh của tỉnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
Mới nhất
Đón cơ hội từ chuyển đổi số
POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO