Ngày 9/11, Quốc hội thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung các Luật có quy định liên quan đến quy hoạch.
Bên hành lang Quốc hội, PV báo DĐDN đã ghi nhận những ý kiến ĐBQH trước đề xuất của Hà Nội sẽ thu phí các phương tiện giao thông khi vào nội đô nhằm hạn chế tình trạng ùn tắc giao thông và bảo vệ môi trường.
Theo ĐB Hoàng Văn Cường (Hà Nội), việc tìm giải pháp hạn chế phương tiện giao thông đi vào nội thành là việc làm mà đã được thực hiện ở nhiều nước trên thế giới.“Ở Việt Nam, đặc biệt là ở các đô thị lớn chúng ta lại càng cần có cách kiểm soát lưu thông trong quy hoạch. Thực hiện điều này không chỉ giúp giải quyết vấn đề ùn tắc giao thông mà còn tránh gây ô nhiễm môi trường cùng nhiều hệ lụy xuống cấp của các công trình công cộng”, ông Cường nói.
Việc Chính phủ đồng ý cho thành phố Hà Nội lập một đề án để có phương án kiểm soát các phương tiện giao thông, hạn chế các phương tiện vào nội thành, theo ông Cường đó là việc làm cần thiết, phù hợp với xu hướng quản lý các đô thị lớn trên thế giới. Tuy nhiên, đi kèm theo việc hạn chế các phương tiện đi vào nội thành thì cần phải giải quyết vấn đề kết nối phương tiện giao thông vào nội thành.
Ví dụ, trung tâm chuyển tải khách bằng các phương tiện công cộng hoặc các trung tâm chuyển tải logictics để phân phối các hàng hóa, sản phẩm để tránh tình trạng các xe lớn từ các trục trung tâm quốc gia đi thẳng vào nội thành, hoặc có phương án phân luồng để cho các phương lớn tiện khi đến khu vực dân cư đặc biệt như Hà Nội và Tp. HCM sẽ không phải đi qua các khu trung tâm.
Về phía chính quyền, theo ĐB Cường vấn đề đặt ra không phải hiệu quả mang lại từ việc thu tiền các phương tiện giao thông nhằm hạn chế ùn tắc, mà chúng ta phải giải quyết được việc quá tải giao thông và hạn chế ô nhiễm môi trường.
Trước băn khoăn về câu chuyện thuế, phí liên quan trực tiếp đến quyền lợi của người dân, ông Cường nêu quan điểm, nếu có thêm một loại thuế nào đó, đương nhiên người dân là đối tượng phải chịu đầu tiên. Chính vì vậy, đi kèm với việc thu phí thì nhà nước phải cung cấp được cho người tham gia giao thông những dịch vụ công cộng tốt, tiện và nhanh nhất.
Còn theo ĐBQH Nguyễn Tạo (Lâm Đồng), việc chống ùn tắc giao thông là sự trăn trở không chỉ của riêng nhà quản lý, mà còn của tất cả các cử tri tại những đô thị lớn. Đó là làm sao mỗi ngày đưa con đi học một cách tốt nhất, nhanh nhất, đến cơ quan đúng giờ nhất...và giấc mơ có một đô thị xanh, thuận tiện về giao thông của Việt Nam có lẽ phải đến năm 2030 mới có thể thực hiện được. Trong khi đó, các nhà quản lý lại luôn muốn có được phương án tối ưu nhất trong quản lý đô thị nhằm hạn chế dần lưu lượng xe, đặc biệt là ô tô vào đô thị trong giờ cao điểm. Chính vì vậy đã đặt ra vấn đề phải thu phí vào đô thị những giờ cao điểm đó của một số đô thị.
Theo quan điểm của ĐBQH Nguyễn Tạo, để hạn chế dần và hướng người tham gia giao thông sử dụng các phương tiện công cộng để vào nội đô là vấn đề rất cần suy nghĩ, đặc biệt về mặt chính quyền. Thứ nhất, cần phải có những điểm đón và trả khách thật tốt. Thứ hai, nâng cấp các dịch vụ công cộng như bus nhanh...Thứ ba, thực hiện đồng bộ các biện pháp quản lý các công trình công cộng trong một đô thị văn minh thì sẽ khắc phục được tình trạng ùn tắc giao thông.
“Tất nhiên, khi đánh vào thu nhập bằng việc thu phí thì ai cũng sẽ có phản ứng, nhưng sẽ dần trở thành thói quen cho người dân khi họ được phục vụ một cách thuận lợi nhất. Khi đó tôi tin người dân sẽ ủng hộ và đồng tình với chủ trương đó”, ông Tạo nói.