Việt Nam vẫn là một trong 3 quốc gia có không gian mạng kém an toàn nhất trên thế giới với 6.219 vụ tấn công được ghi nhận chỉ trong 7 tháng đầu năm 2019...
Thông tin được đưa ra tại sự kiện thu hút gần 1.000 đại biểu là các doanh nghiệp, chuyên gia thuộc khuôn khổ Hội thảo và triển lãm quốc tế về Internet vạn vật và Bảo mật thông tin (Smart IoT & Cyber Security 2019) do Bộ Thông tin và Truyền thông chủ trì, IEC Group và Hiệp hội Internet phối hợp tổ chức tại TP HCM ngày 13/11/2019.
Đánh giá tại hội thảo, các chuyên gia cho biết chuyển đổi số với sự hỗ trợ của các công nghệ đột phá từ Cuộc Cách mạng công nghiệp 4.0 sẽ tiếp tục là những từ khoá nổi bật trong xu hướng phát triển của nhiều quốc gia trên thế giới trong thời gian tới. Trong đó, công nghệ Internet vạn vật (Internet of Things – IoT) đang nổi lên như một công nghệ của tương lai với nhiều kỳ vọng IoT sẽ trở thành một động lực phát triển, thậm chí sẽ thay đổi diện mạo và cách vận hành của nhiều ngành kinh tế, nhiều lĩnh vực trong đời sống xã hội.
Tuy nhiên, khi càng nhiều kết nối được thiết lập, sẽ có càng nhiều dữ liệu quan trọng được số hoá và trở thành mục tiêu của các cuộc tấn công mạng. Sự gia tăng nhanh chóng của các thiết bị IoT cùng với nguồn dữ liệu khổng lồ được sản sinh sẽ đặt ra những yêu cầu mới trong tiếp cận và triển khai các biện pháp an toàn thông tin cho các cơ quan và tổ chức.
Có thể bạn quan tâm
11:19, 08/11/2019
16:12, 03/08/2019
16:38, 25/07/2019
11:01, 20/01/2019
20:43, 17/12/2018
Trong bối cảnh đó, Việt Nam là một trong những quốc gia tích cực tham gia vào quá trình chuyển đổi số với sự tăng trưởng vượt bậc trong ứng dụng ICT.
Chúng ta đang chứng kiến một giai đoạn phát triển bùng nổ của các sản phẩm và dự án IoT. Chỉ tính riêng trong lĩnh vực sản xuất, giá trị của thị trường IoT tại Việt Nam đã chạm mức 1 tỷ USD vào năm 2018, dự kiến sẽ vượt ngưỡng 3 tỷ đô trong năm 2024. Trong khi đó, gần 5 tỷ USD là số tiền mà chính quyền các thành phố Hà Nội, Hồ Chí Minh và Đà Nẵng đầu tư cho các dự án xây dựng đô thị thông minh với ưu tiên hàng đầu là hoàn thiện hạ tầng kết nối IoT.
Tại TP. HCM, ông Trần Vĩnh Tuyến, Phó Chủ tịch UBND TP cho biết, thời gian qua, thành phố Hồ Chí Minh đang triển khai mạnh mẽ các ứng dụng công nghệ thông tin để giải quyết các vấn đề nóng trong các lĩnh vực như: giao thông, y tế, môi trường… Thành phố cũng đang triển khai đề án xây dựng thành phố thông minh, trong giai đoạn đầu tập trung vào việc xây dựng hạ tầng đô thị thông minh, trong đó có khung kiến trúc về đô thị thông minh cho các quận, huyện, sở, ngành; xây dựng trung tâm dữ liệu mã nguồn mở trên cơ sở kết nối được thông tin của các doanh nghiệp, trung ương.
"Thời gian tới, thành phố sẽ thành lập công ty về an toàn thông tin để kêu gọi các nguồn lực giúp thành phố trong vấn đề này, vừa bảo đảm nhu cầu kết nối vừa bảo mật được thông tin", ông Tuyến nói.
Kế hoạch và đề án hành động với mối "ưu tiên 1" về hạ tầng kết nối IoT là vậy, nhưng để hiện thực hoá tương lai Internet vạn vật kết nối, an toàn thông tin và an ninh mạng là một vấn đề cần hết sức lưu tâm, đặc biệt trong bối cảnh Việt Nam vẫn là một trong 3 quốc gia có không gian mạng kém an toàn nhất trên thế giới với 6219 vụ tấn công được ghi nhận chỉ trong 7 tháng đầu năm 2019.
Với sự xuất hiện của các thiết bị IoT, tình hình bảo mật thông tin sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp với nhiều lỗ hổng an ninh được hình thành, dẫn tới các hình thức tấn công đa dạng, tinh vi, đặt ra yêu cầu về việc nâng cấp, hoàn thiện năng lực dự báo, phòng ngừa và ứng phó của các cơ quan, tổ chức.
Ghi nhận từ ông Nguyễn Khắc Lịch - Phó Cục trưởng Cục An toàn Thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông, trong số các nguyên nhân chính dẫn đến các lỗ hổng bảo mật gây mất an toàn thông tin, có tới 70% đến từ camera. Đây là sản phẩm theo dõi mà theo Phó Cục trưởng "người người lắp đặt, nhà nhà lắp đặt" với camera giá rẻ bày bán la liệt trên thị trường, password mặc định với cấu hình thấp, đơn giản, dễ bị truy cập dữ liệu đồng thời cũng dễ bị nhà sản xuất cung cấp tải, lưu dữ liệu của khách hàng thu nhận được từ camera để xây dựng Big data, AI, bán cho bên khác...
Ông cũng tiết lộ Việt Nam đã từng có nhà mạng có thời điểm bị sập do hackers huy động hơn 1.000 camer để khai thác lỗ hổng dữ liệu và đánh sập theo mục đích của mình trên quy mô lớn.
Thực tế, một đô thị thông minh và an toàn với nền tảng kết nối vạn vật lại sẽ không thể thiếu công cụ camera giám sát. Do đó, đây cũng chính là bài toán thách thức của các đô thị thông minh ở các nước phát triển và các đô thị lớn của Việt Nam trong tương lai.
Giải pháp đưa ra được Phó Cục trưởng Cục An toàn thông tin khuyến nghị để bảo mật an toàn thông tin trong kết nối vạn vật, bao gồm với chính cơ quan quản lý Nhà nước, nhà sản xuất và phát triển giải pháp cho thiết bị IoT, doanh nghiệp cung cấp hạ tầng viễn thông và internet, doanh nghiệp cung cấp sản phẩm, dịch vụ và an toàn thông tin, người sử dụng thiết bị IoT, là: Tuân thủ tiêu chuẩn, quy chuẩn; Bắt buộc người sử dụng thay đổi mật khẩu; Tự động hóa việc cập nhật phần mềm, gói bảo mật;Coi an toàn thông tin cho thiết bị IoT là lợi thế cạnh tranh; Cân nhắc khi mua sắm thiết bị IoT; Thay đổi mật khẩu, cấu hình mặc định; Đặt các thiết bị IoT trong vùng mạng cách ly; Thiết lập quy trình cập nhật cho thiết bị IoT hoặc thay thế nếu bắt buộc...