UBND TP Hà Nội vừa thành lập tổ công tác liên ngành kiểm tra, rà soát, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai tại các mô hình farmstay trên địa bàn.
Động thái trên của UBND TP Hà Nội diễn ra sau khi Bộ Tài nguyên và Môi trường có văn bản số 5845/BTNMT-TCQLĐĐ ngày 19-10-2020 gửi các địa phương đề nghị kiểm tra, rà soát các vi phạm pháp luật về đất đai đối với mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay).
Theo văn bản văn số 9684/VP-ĐT mới đây của TP Hà Nội, để tiến hành công tác rà soát, xử lý các vi phạm pháp luật về đất đai tại các mô hình farmstay (nếu có) trên địa bàn, UBND TP Hà Nội đã chỉ đạo thành lập tổ kiểm tra liên ngành để tham mưu có biện pháp quản lý, giải quyết bảo đảm tính đồng bộ, toàn diện.
Theo đó, đối với lĩnh vực quản lý đất đai, Hà Nội đề nghị kiểm tra, chỉ đạo theo những nội dung: Kiểm tra, rà soát, thống kê các khu vực đang tồn tại các mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng; Xác định các khu có vi phạm pháp luật đất đai, làm rõ từng hành vi vi phạm, lập hồ sơ để xử lý kịp thời theo đúng quy định; Các khu chưa có vi phạm pháp luật đất đai hoặc có vi phạm nhưng chưa có chế tài xử lý, chưa có trong quy định của pháp luật đất đai để kịp thời ngăn chặn, chấn chỉnh các trường hợp có thể xảy ra vi phạm (nếu có) và có hướng nghiên cứu đánh giá đối với các mô hình nêu trên để đề xuất phương án quy hoạch hoặc biện pháp xử lý phù hợp với phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.
Trước đó, liên quan đến những vấn đề xuất phát từ thực tiễn phát triển mô hình trang trại sinh thái kết hợp du lịch nghỉ dưỡng (farmstay) trên địa bàn cả nước, Diễn đàn Doanh nghiệp đã có loạt bài phản ánh, dẫn các phân tích, bình luận của nhiều chuyên gia bất động sản, pháp lý.
Sau những phản ánh đó, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đã có ý kiến chỉ đạo nêu rõ: “Mô hình du lịch kết hợp trang trại nghỉ dưỡng (farmstay) nở rộ với nhiều hình thức mới, nhưng vẫn chưa có khung pháp lý điều chỉnh và phần lớn các dự án farmstay có nguồn gốc đất nông nghiệp, lâm nghiệp, thậm chí là đất lấn chiếm. Cần sớm nghiên cứu để ban hành chính sách, điều chỉnh hoạt động của mô hình farmstay, tránh các biến tướng tiêu cực ảnh hưởng tới môi trường đầu tư, kinh doanh”.
Trong khi mô hình farmstay hiện nay vẫn chưa có hành lang pháp lý, TS. Nguyễn Trí Hiếu cho biết, theo theo kinh nghiệm quốc tế thì tại Hoa Kỳ mô hình dạng như farmstay ở Việt Nam là bất hợp pháp.
Còn theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung - Giảng viên cao cấp Khoa Luật, Đại học Quốc gia Hà Nội thì việc gần đây, thị trường xuất hiện một số mô hình farmstay tiến hành phân lô, bán (cho thuê) đất vườn kèm những cam kết về chuyển đổi đất vườn sang đất ở (ra sổ đỏ) cũng như chi trả về hoa lợi và lợi nhuận đi kèm khi đầu tư nhà gỗ (do trên đất nông nghiệp không được dựng nhà kiên cố) hiện còn khá “lỡ cỡ” về pháp lý.
Cũng theo PGS.TS Doãn Hồng Nhung việc hình thành loại hình thức bất động sản mới farmstay rõ ràng phải xuất phát trên cơ sở pháp lý để điều chỉnh những quan hệ phát sinh từ nhu cầu thực tiễn. Do đó, trong thời gian tới, nhất là trong kỳ sửa Luật Đất đai tới đây cũng nên cân nhắc khi đặt vấn đề “định danh” cho farmstay như câu chuyện đã đặt ra với condotel và officetel vừa qua.
"Khi có một hành lang pháp lý tốt thì mọi thứ sẽ vận hành trơn tru và đảm bảo quyền lợi hợp pháp, hạn chế rủi ro và hài hòa lợi ích của tất cả các chủ thể kinh doanh trên thị trường bất động sản" - bà Nhung nhấn mạnh.
Đồng quan điểm, ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP HCM khẳng định, farmstay là loại hình đáp ứng nhu cầu mới của thị trường du lịch nói chung và thị trường bất động sản du lịch nói riêng. Do vậy, rất cần xây dựng khung pháp lí để điều chỉnh, đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững.
Có thể bạn quan tâm