Theo ghi nhận của phóng viên, phần lớn diện tích tại Khu đô thị quốc tế Đa Phước đang bỏ hoang, cỏ mọc um tùm. Chủ đầu tư phải tạm dừng thi công các hạng mục, công trình còn dang dở.
>>>Tại sao Đà Nẵng khó thu hồi dự án Đa Phước?
Năm 2005, dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước được phê duyệt với tổng vốn đầu tư hơn 300 triệu USD. Năm 2015, dự án chuyển nhượng cho Công ty xây dựng 79, công ty này lại chuyển nhượng cho Công ty Đa Phước.
Quy hoạch chi tiết xây dựng tỷ lệ 1/500 dự án này được chia thành 02 dự án: Khu đô thị quốc tế Đa Phước (dự án 181ha - nay là The Sunrise Bay) và Khu nhà phố và biệt thự bờ biển Thanh Bình (dự án 29ha - nay là Khu đô thị quốc tế mới Đa Phước).
Sau đó, Công ty Đa Phước đã bán một phần các căn hộ và đưa gần 200 hộ dân vào ở. Năm 2017- 2019, khởi tố bắt tạm giam Phan Văn Anh Vũ cùng các đồng phạm liên quan đến các sai phạm đất đai. Năm 2020, Hội đồng xét xử phúc thẩm TAND cấp cao tại Hà Nội yêu cầu UBND TP. Đà Nẵng thu hồi toàn bộ dự án 29ha tại khu Đa Phước.
Tuy nhiên, bản án này rất khó thực hiện bởi gần 200 hộ dân mua nhà, đất đều đúng quy định pháp luật. Và đến nay, những hộ dân này đều bị tạm dừng cấp sổ đỏ, họ đang sinh sống bất hợp pháp trong chính căn nhà của mình.
Liên quan sai phạm tại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước, đầu tháng 5/2020, TAND cấp cao tại Hà Nội đã tuyên phạt bị cáo Trần Văn Minh, cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng 17 năm tù; Văn Hữu Chiến, cựu Chủ tịch UBND TP. Đà Nẵng 10 năm tù; Vũ "nhôm" bị tuyên phạt 25 năm tù. Riêng tại dự án 29ha, các bị cáo này được xác định đã làm trái quy định của nhà nước về quản lý đất đai, gây thiệt hại hơn 11.235 tỷ đồng.
Ngày 14/8/2020, Thanh tra Chính phủ đã công bố kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách pháp luật về quản lý và sử dụng đất đai tại dự án Khu đô thị quốc tế Đa Phước. Cuộc thanh tra này thực hiện theo chỉ đạo của Thủ tướng vào đầu tháng 12/2017
Đầu năm 2022, Văn phòng Chính phủ đã có thông báo kết luận của Thủ tướng Phạm Minh Chính tại buổi làm việc của Thường trực Chính phủ với lãnh đạo TP. Đà Nẵng.
Một trong những nội dung quan trọng của thông báo này là Chính phủ đồng ý chủ trương thành lập Ban chỉ đạo tháo gỡ các khó khăn, tồn tại của Đà Nẵng, khơi thông các nguồn lực để phát triển. Tổ công tác do một Phó thủ tướng làm tổ trưởng để chỉ đạo, xử lý tháo gỡ các khó khăn, tồn tại của Đà Nẵng và một số địa phương có vướng mắc tương tự.
"Về Bản án số 20/2000/HS-ST ngày 13/1/2020 (liên quan dự án 29ha tại Khu đô thị quốc tế Đa Phước), UBND TP. Đà Nẵng có trách nhiệm kiểm tra, rà soát, xác định đầy đủ nghĩa vụ thuế, tài chính phải nộp của các tổ chức, cá nhân có liên quan để thu hồi về ngân sách Nhà nước. Đồng thời, Đà Nẵng rà soát căn cứ pháp lý để xem xét báo cáo Chánh án TAND Tối cao kháng nghị bản án liên quan đến dự án 29ha theo thủ tục giám đốc thẩm", kết luận Thủ tướng nêu rõ.
Thủ tướng yêu cầu Thanh tra Chính phủ chủ trì, khẩn trương phối hợp với Bộ TN&MT, các cơ quan liên quan thành lập đoàn công tác đến làm việc, kiểm tra tình hình giải quyết, khắc phục tồn tại theo các kết luận thanh tra đối với các dự án đầu tư ở địa phương mà việc xử lý gặp nhiều khó khăn, vướng mắc, gây lãng phí, thất thoát tài sản nhà nước, doanh nghiệp, nhất là nguồn lực đất đai, tài nguyên; báo cáo đề xuất Thủ tướng Chính phủ theo quy định.
Có thể bạn quan tâm
17:50, 23/06/2021
21:18, 15/08/2020
23:07, 14/08/2020
23:00, 14/08/2020
06:30, 09/01/2020